Mỹ thuật Mỹ thuật đương đại

Bức tranh sinh động về đời sống điêu khắc Việt Nam

Nghệ thuật Việt Nam

Sáng 15/9, tại Bảo tàng Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức lễ khai mạc và trao thưởng Cuộc thi và Triển lãm 5 năm Điêu khắc toàn quốc năm 2023, sự kiện nhằm tổng kết và đánh giá thành quả lao động, sáng tạo nghệ thuật của các nhà điêu khắc, nghệ sĩ, họa sĩ Việt Nam trong những năm trở lại đây.

Tham dự có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông; Vụ trưởng Vụ Văn hoá – Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Minh Nhựt; Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, NSND, hoạ sĩ Vương Duy Biên; Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn; Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng, cùng đông đảo các nhà điêu khắc, nghệ sĩ, công chúng quan tâm nghệ thuật.

Toàn cảnh lễ khai mạc và trao thưởng Cuộc thi và Triển lãm 5 năm Điêu khắc toàn quốc năm 2023. (Ảnh: Huyền Thương)

Phát biểu tại lễ khai mạc và trao thưởng, ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, kế thừa thành quả và kinh nghiệm tổ chức các cuộc thi và triển lãm trước đây, năm 2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức Cuộc thi và Triển lãm 5 năm Điêu khắc toàn quốc.

Đây là sự kiện nghệ thuật được tổ chức định kỳ 5 năm một lần nhằm tổng kết và đánh giá thành quả lao động sáng tạo nghệ thuật, giới thiệu đến công chúng trong nước và quốc tế các tác phẩm điêu khắc xuất sắc của các nhà điêu khắc, nghệ sĩ, họa sĩ Việt Nam.

“Qua mỗi kỳ triển lãm, chúng ta cùng đánh giá, nhìn lại chặng đường phát triển của điêu khắc Việt Nam. Chính sự góp sức hùng hậu, sự chuyển tiếp liền mạch giữa các thế hệ nhà điêu khắc đã tạo nên sự thành công, phát triển của điêu khắc Việt Nam. Một thế hệ nhà điêu khắc trẻ đã và đang trưởng thành với những tư duy sáng tạo mới, những nỗ lực tìm tòi thể nghiệm trên các chất liệu, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc dân tộc và xu hướng hội nhập, toàn cầu hóa”, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh.

Ban tổ chức tặng hoa và bằng chứng nhận cho Hội đồng Nghệ thuật. (Ảnh: Huyền Thương)

Hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ: “Có thể nói từ triển lãm điêu khắc 10 năm mới có một lần, đến thời điểm này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định tổ chức 5 năm một lần, để thấy được xu thế phát triển của điêu khắc đương đại Việt Nam. Những người trẻ đang nhô ra, đang ngày càng thể hiện tài năng, sức sáng tạo của mình, họ nói những câu chuyện nghệ thuật của họ và tôi cho rằng, đó là điều quyết định số phận của nền điêu khắc đương đại Việt Nam”.

Ban tổ chức đã nhận được 536 tác phẩm của 285 tác giả. Qua quá trình chọn lọc kỹ lưỡng bởi Hội đồng Nghệ thuật, gồm các nhà điêu khắc, họa sĩ có chuyên môn, uy tín trong giới mỹ thuật Việt Nam, 16 tác phẩm xuất sắc nhất đã được lựa chọn để trao 03 Giải Nhì; 03 Giải Ba; 10 Giải Khuyến khích (không tìm ra được Giải Nhất).

Trao giải nhì cho 3 tác phẩm xuất sắc nhất. (Ảnh: Huyền Thương)

Giải Nhì được trao cho các tác phẩm: “Tình ca phương Nam” của tác giả Châu Trâm Anh; “Nghênh phong” của tác giả Nguyễn Trường Giang; “Trời tròn đất vuông” của tác giả Lê Văn Khuy.

"Nghênh phong" - Một trong 3 tác phẩm đạt Giải Nhì. (Ảnh: Huyền Thương)

Ban tổ chức đã lựa chọn 225 tác phẩm, của 164 tác giả để trưng bày tại triển lãm. Như một bức tranh tổng thể, phản ánh sinh động, sâu sắc đời sống điêu khắc Việt Nam đương đại, các tác phẩm điêu khắc tại đây giúp công chúng thấy được một diện mạo mới của điêu khắc Việt Nam.

Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm. (Ảnh: Huyền Thương)

Các tác phẩm chứa đựng những suy tư, chiêm nghiệm của các nghệ sĩ về cuộc sống đương đại, chuyển tải những thông điệp mang tính xã hội, thời cuộc rõ nét; thể hiện những chuyển biến về quan niệm nghệ thuật, ngôn ngữ điêu khắc, hình thức biểu đạt và kỹ thuật thể hiện tác phẩm; sự mở rộng, phong phú về tư duy sáng tác, ngôn ngữ tạo hình với nhiều phong cách; sự đa dạng về chất liệu với những tìm tòi thể nghiệm mới...

Qua đó, cho thấy điêu khắc Việt Nam đã có sự phát triển cả về nghệ thuật và lực lượng sáng tác, khẳng định một thế hệ nhà điêu khắc đã và đang trưởng thành với những tư duy sáng tạo mới, những nỗ lực tìm tòi thể nghiệm trên các chất liệu.

Các đại biểu tham quan triển lãm. (Ảnh: Huyền Thương)

Đây cũng là dịp để các nhà điêu khắc, nghệ sĩ, họa sĩ giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sáng tác trong quá trình lao động nghệ thuật. Qua đó, tôn vinh, ghi nhận những thành tựu sáng tạo nghệ thuật; thể hiện cách nhìn, quan điểm sáng tác của các nhà điêu khắc, họa sĩ, nghệ sĩ Việt Nam.

Triển lãm cho thấy một diện mạo mới của điêu khắc Việt Nam. (Ảnh: Huyền Thương)

Thời gian trưng bày từ ngày 15/9/2023 - 10/10/2023 tại Bảo tàng Hà Nội.

Một số tác phẩm được trưng bày tại triển lãm:

Tác phẩm "Anh hùng", chất liệu gỗ của tác giả Nguyễn Văn Tuệ (Hà Nội).

Tác phẩm "Những số 1" của tác giả Lê Trọng Nghĩa (Quy Nhơn).

Tác phẩm "Cộng sinh" của tác giả Phạm Nguyễn Quốc Huy (TP. Hồ Chí Minh)

Tác phẩm "12 con giáp" của tác giả Nguyễn Thăng Long (Hà Nội)

Tác phẩm "Giấc mơ số 5", chất liệu: thép, gỗm hạt thóc của tác giả Nguyễn Minh (Hà Nội)

Tác phẩm "Mẹ tôi" của tác giả Đào Ngọc Thịnh (Hà Nội)

Cuộc thi và Triển lãm 5 năm Điêu khắc toàn quốc là sự kiện nghệ thuật do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, giao Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức. Được tổ chức định kỳ 05 năm 01 lần (trước đây là 10 năm một lần).

Huyền Thương