Mỹ thuật Mỹ thuật đương đại

Giá trị thẩm mỹ

Nghệ thuật Việt Nam

Như có sự sắp đặt của tạo hoá, trong hoàn cảnh đặc biệt của cuộc kháng chiến chín năm trường kỳ gian khổ đã sản sinh một lớp hoạ sĩ tài danh, mà ngay sau đó sự sáng tạo nghệ thuật của họ đem lại nguồn cảm hứng cho các thế hệ hoạ sĩ tiếp sau những nẻo tiếp cận khác nhau với cái đẹp, tạo nên một đội ngũ hùng hậu của nền hội họa đương đại nước nhà. Linh Chi tên khai sinh là Nguyễn Tài Lương, một trong những họa sĩ của “Khóa hội họa kháng chiến” do hoạ sĩ Tô Ngọc Vân làm Hiệu trưởng và trực tiếp giảng dạy.

Một cảm giác thật thanh thản khi đứng giữa phòng tranh của hoạ sĩ Linh Chi. Như nghe thấy hơi thở nhẹ nhàng. Như thoảng hương vị núi rừng man mác. Thị giác như dịu lại trước sự hài hoà của gam màu nâu trầm, của đường nét mềm mại khoáng đạt. Không gian trầm tĩnh của phòng tranh thoát nhanh trút bỏ những ồn ào, bức bối bên ngoài dòng đời tất bật mà ta vừa tham gia. Không gian ấy đưa ta vào khoảnh khắc nhập định niềm hạnh phúc thưởng ngoạn những bức tranh đậm tình nhân ái, nhân văn của người hoạ sĩ ngót trăm năm cuộc đời vắt qua hai thế kỷ gắn bó trọn vẹn với hội hoạ (hoạ sĩ Linh Chi sinh năm 1921, mất năm 2016).

Đi chợ về - Màu nước, 39x42cm, 1956

Cảm giác ấy đến nay vẫn phảng phất vẹn nguyên như khi đang thưởng thức các tác phẩm trong phòng tranh của hoạ sĩ Linh Chi mở năm 2021, nhân kỷ niệm ông tròn 100 năm sinh và 5 năm mất, trưng bày khoảng 100 bức, số lượng rất khiêm tốn trong gia tài ông để lại và còn thiếu những tác phẩm quan trọng như nhiều người đã từng biết, tuy vậy cũng đủ cho giới hội hoạ và những người yêu mỹ thuật thêm một lần khẳng định phong cách, phong cách tác giả cũng như phong cách tác phẩm, của một tài năng.

Linh Chi tiếp cận và biểu tả cái đẹp một cách nhân hậu, điềm tĩnh và giản dị. Tranh của ông, như tính cách con người ông, không dừng lại cái đẹp bề mặt của sự vật và hiện tượng. Ông thấu hiểu cái đẹp ẩn sâu dưới lớp vỏ bên ngoài của từng đối tượng, tìm cho bằng được cái thần thái và thể hiện sát với bản ngã đích thực của chúng. Điều đó lý giải vì sao tranh phong cảnh và tranh chân dung ông vẽ có sức thuyết phục và cuốn hút người xem. Từ bố cục, đường nét đến gam màu trong tranh của ông đều toát lên sự nghiền ngẫm và lao động nghệ thuật nghiêm túc, đầy trách nhiệm, đem đến cho người xem cái quan niệm “vị nghệ thuật” và “vị nhân sinh” không hề/không thể tách rời, mà hoà quyện làm một.

Cô Mai - Bột màu, 27 x 52 cm, 1958

Tâm trạng của người nghệ sĩ thể hiện rõ trên từng tác phẩm, phảng phất nỗi buồn. Song, tâm trạng ấy “đi” thẳng vào lòng người thưởng thức, bởi sự đồng cảm, bởi thực tế của cuộc sống, vừa quen thuộc vừa bật lên cảm nhận mới về chính thực tại đang diễn ra hằng ngày. Người xem gặp lại những gương mặt đã từng quen trong tranh chân dung của hoạ sĩ Linh Chi, nhưng dường như thấy sâu hơn, gần gụi hơn với nhạc sĩ Văn Cao, với hoạ sĩ Trần Văn Cẩn, với nhà văn Trọng Hứa và với chính ông - hoạ sĩ Linh Chi.

Ở các chân dung khác: người thân của ông, các cô gái thành thị, đặc biệt là người già và các cô gái người Dao… lại khiến người xem rung động trước vẻ đẹp vừa thanh tao vừa cá tính của từng nhân vật. Trong gia tài tác phẩm của Linh Chi, các bức: Thiếu nữ Mường Kỳ Sơn - Hòa Bình, đặc tả ba cô gái mặc sắc phục dân tộc, thần thái ung dung, ngồi với tư thế mềm mại mà kín đáo, trước bộ ấm chén và phía sau là chiếc ninh đơn độc (không đủ bộ) đặt trên bếp, trong bố cục chặt chẽ, gợi cảm sự thanh bình, ấm cúng, thân thuộc, nhưng cũng dường như ẩn giấu tâm trạng chờ mong kín đáo; bức Thiếu nữ Dao e ấp đứng bên những bông hoa trắng muốt, thể hiện đôi điều tâm sự tinh khiết, hồn nhiên của cả người và hoa; và bức Dao đỏ Hà Tuyên, đặc tả tâm trạng một cụ bà với ánh nhìn ra phía trước xa xăm đầy ấn tượng. Đó là ba tác phẩm tiêu biểu về sự cảm nhận và cách biểu cảm có sự chọn lựa điểm nhìn và thủ pháp nghệ thuật của một phong cách rất riêng - phong cách Linh Chi.

Đường làng - Sơn dầu, 75x95cm, 2001

Cách chọn chất liệu, đường nét và gam màu là những yếu tố làm nên phong cách độc đáo của hoạ sĩ Linh Chi. Lụa là thế mạnh của hoạ sĩ. Trên chất liệu này, ông không thiên về khai thác đặc tính loang màu, ngược lại “kìm hãm” để gam màu trở nên sắc nét trong giới hạn có chủ đích, tạo nên sự hài hoà cùng bố cục. Ông đã phát huy thủ pháp này trên các chất liệu khác, hoặc màu nước, phấn, bột màu hoặc thậm chí cả sơn dầu, rất hiệu quả: đều mỏng, mịn, gây cảm giác nhẹ nhàng, êm dịu và tươi mát, dẫn người xem vào sự chiêm nghiệm đầy mộng mơ, nhưng không thoát ly thực tại.

Trên nền tảng đó, hoạ sĩ “đặt” những nét vẽ khoáng đạt, tự nhiên, mềm và dứt khoát của sự giản dị (không đồng nghĩa với tối giản), không ảnh hưởng đến chi tiết, đến tổng thể, mà vẫn biểu tả kỹ lưỡng ngoại hình, ngoại cảnh trong thế cân đối và hài hoà với tâm trạng của người, với bản ngã của sự vật hay hiện tượng. Điều đó không hề dễ dàng; trái lại, để thủ pháp trở thành nghệ thuật phải trải qua một quá trình khổ luyện và phải có một bản lĩnh vững vàng, thuỷ chung với cách lựa chọn, với mục tiêu mang cá tính rõ ràng. Phẩm chất này được hoạ sĩ Linh Chi ghi dấu ấn đậm nét ở cách dùng gam màu.

Hai cô gái dân tộc Dao (quần chẹt), - Lụa, 39x38cm, 1960

Khi đã “thuộc” ông, thì người ta có thể “nhận” ra ông giữa các hoạ sĩ khác bởi sắc độ tới hạn của gam màu nâu trầm làm chủ thể. Tranh của ông không gây ấn tượng về sự tương phản thái quá, không nhấn nhá đến độ “gắt”, sắc hoặc chìm, chói loá hay mông lung. Tranh của ông thiên về sự thâm nhập vào nhau của màu, của nét, biểu tả chân thực mối quan hệ tuân thủ quy luật tiếp nhận và ánh xạ dưới ánh mặt trời giữa các sự vật và hiện tượng trong sự vận động không ngừng. Hoạ sĩ Linh Chi chọn gam màu nâu trầm ưa thích. Có lẽ trong sâu thẳm ký ức, xứ sở đồi bát úp trung du quê hương ông luôn sẵn sàng trào ra đầu ngọn bút, cũng là “phương tiện” để ông giãi bày tâm trạng, giãi bày tình yêu quê nhà ẩn trong trái tim luôn mẫn cảm của người nghệ sĩ.

Nắng hạ - Bột màu, 59x44cm, 1984

Tranh của hoạ sĩ Linh Chi làm nên giá trị thẩm mỹ. Cái giá trị ấy được đánh đổi bằng cả cuộc đời say mê lao động sáng tạo trên nền tảng tư tưởng nghệ thuật chân chính, bằng quá trình tích luỹ tri thức, chủ động xây dựng cho mình một phong cách độc lập, một bút pháp riêng. Hoạ sĩ Linh Chi để lại một di sản hội hoạ trân quý, đem đến cho đông đảo người yêu hội hoạ sự thưởng lãm nghệ thuật trong lành, dịu mát và ấm cúng tình người. Giá trị thẩm mỹ do ông tạo nên hết sức có ý nghĩa trong đời sống kinh tế thị trường đầy sôi động và cũng đầy bất ổn ngày nay. Bởi cái đẹp có chân lý, có sức quyến rũ riêng của nó.

Trở lại nhập vào dòng đời huyên náo, mà sao vẫn vấn vương cái nhịp điệu thanh khiết của gam nâu trầm từ tranh của một hoạ sĩ tài danh, như chính ta vừa qua cuộc nhập định huyền diệu an nhiên…

Cao Ngọc Thắng