Triển lãm

HÀNH TRÌNH NGHỆ THUẬT ĐÔNG DƯƠNG: DI SẢN THẾ KỶ 20 - CƠ HỘI KHÁM PHÁ TỪ LE AUCTION HOUSE

Nghệ thuật Việt Nam

Nhằm chuỗi kỷ niệm 100 ngày thành lập Trường Mỹ Thuật Đông Dương, nhà đấu giá Le Auction House tổ chức các hoạt động sau:
Triển lãm “Nghệ thuật Việt Nam thế kỷ 20”
- Thời gian diễn ra: Từ ngày 01 tháng 01 năm 2025 đến ngày 07 tháng 01 năm 2025
- Địa điểm: Tầng 1, Aqua Central, 44 Yên Phụ, Hà Nội
Đây là dịp đặc biệt để công chúng chiêm ngưỡng và tôn vinh những bậc thầy hội họa từ thời kỳ Đông Dương. Ngoài các bộ tứ danh họa "Phổ - Thứ - Lựu - Đàm", "Trí - Lân - Vân - Cẩn", "Nghiêm - Liên - Sáng - Phái", "Nhân - Hòa - Hậu - Kiệm", còn có rất nhiều họa sĩ tên tuổi trải dài qua các khóa Đông Dương, kháng chiến và đương đại tiêu biểu khác.


Tác phẩm “Ban công” (1945) Mai Trung Thứ, màu bột và mực trên lụa, Ký tên ở góc dưới bên phải "MAI/THU" và có con dấu của nghệ sĩ ở góc dưới bên phải, tựa đề ở mặt sau "le balcon"
Tác phẩm có mặt trong phiên đấu LeAuctions tháng 3 sắp tới.

Nổi bật phải kể đến các tên ngoài bộ tứ có: Phạm Văn Đôn, Phan Kế An, Trần Bình Lộc, Georges, Nguyễn Tường Tam, Công Văn Trung, Thang Trần Phềnh, Trần Quang Trân, Nguyễn Đỗ Cung, Phạm Hậu, Nguyễn Văn Lăng, Trần Hà, Nguyễn Khang, Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Văn Anh, Tôn Thất Đào, Đỗ Đình Hiệp, Lê Yên, Nguyễn Dung, Hoàng Lập Ngôn, Ủ Văn An, Văn Bình, Hoàng Tích Chù, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Văn An, Dương Hướng Minh, Nguyễn Trọng Hợp, Sỹ Ngọc, Trần Đình Thọ, Nguyễn Siên, Huỳnh Văn Gấm, Trần Dzụ Hồng, Nguyễn Văn Trung, Trần Phúc Duyên, Đinh Minh, Trần Duy, Trần Văn Thọ, Lê Thanh Đức, Mai Văn Hiến, Nguyễn Văn Thiện.

Tác phẩm “Mẹ và con với trái cây” (1970) Mai Thứ, màu bột và mực trên lụa, ký và ấn triện bên dưới bên phải, kích thước: 28.4 x 16.5 cm.Tác phẩm có mặt trong phiên đấu LeAuctions tháng 3 sắp tới.

Đóng góp một phần không hề nhỏ trong việc định hình mỹ thuật Việt Nam thời kỳ này phải kể đến các họa sĩ Pháp. Họ là những văn sĩ, nhà thám hiểm, nhiếp ảnh gia tới Việt Nam không chỉ để khám phá văn minh vùng đất mà còn để lại những cống hiến quan trọng trong việc giảng dạy nghệ thuật cho người An Nam. Trong số đó có thể kể tới những tên tuổi các danh họa nổi bật như Victor Tardieu, Joseph Inguimberty, Alix Aymé, André Maire hay Evariste Jonchère,... Tại triển lãm và phiên đấu, các sáng tác của Joseph Inguimberty, Alix Aymé, André Maire, Henri Mege,... cũng được Le Auction House chắt lọc giới thiệu tới cộng đồng yêu nghệ thuật.

Ngoài ra, trọng tâm của sự kiện đấu giá “Nghệ thuật Việt Nam thế kỷ 20” cũng đi sâu vào giai đoạn mỹ thuật kháng chiến khu vực phía Bắc với nhiều nghệ sĩ nổi bật. Trải qua nhiều biến động của lịch sử mỹ thuật, Lưu Công Nhân - Lê Huy Hòa - Trần Lưu Hậu - Nguyễn Trọng Kiệm và họa sĩ Trần Đông Lương, Linh Chi, Mai Long, Ngọc Linh,... là những đại diện tiêu biểu của giai đoạn này. Đó là những sáng tác chủ yếu mang tính hiện thực, một mặt mang tính trần thuật cao về nhịp đập của thời đại và dân tộc. Mặt khác soi rọi vào một giai đoạn đầy phấn chấn của nghệ thuật tạo hình Việt Nam khi liên tiếp có sự mở rộng về đề tài sáng tác từ vẻ đẹp của cảnh vật, con người, lòng quyết tâm vệ quốc cho đến sự hăng say trong tăng gia sản xuất, xây dựng nước nhà,...


Tác phẩm “Đứa trẻ trên lưng” Mai Thứ, Màu bột và mực trên lụa, kích thước 57 x 37 cm, Ký tên, ghi ngày tháng bằng tiếng Việt và con dấu của nghệ sĩ ở góc dưới bên phải "MAI THU"; tựa đề ở mặt sau của tấm nền "L'enfant / sur le dos"
Tác phẩm có mặt trong phiên đấu LeAuctions tháng 3 sắp tới.

 
Tác phẩm “Phụ nữ và trẻ em” (1954),Mai Thứ, màu bột và mực trên lụa, kích thước: 15.3 x 15.9 cm, Ký tên và ghi ngày tháng bằng tiếng Việt ở góc dưới bên phải « MAI THU », con dấu của nghệ sĩ ở góc dưới bên phải, Khung tranh nguyên bản của nghệ sĩ. Tác phẩm có mặt trong phiên đấu LeAuctions tháng 3 sắp tới.

Tiến đến khu vực phía Nam, cho tới năm 1975, chỉ với chừng 20 năm, những họa sĩ tài năng như Nguyễn Phước, Nguyễn Trung, Nguyên Khai, Hồ Hữu Thủ và nhiều cá nhân khác đã đồng vọng, khát khao sáng tạo và kiếm tìm cái mới trong hoàn cảnh đất nước trải qua 30 năm chiến tranh ác liệt. Cũng chính họ đã hòa chung bầu không khí sục sôi phát triển khi hòa bình lập lại, còn nhiều thách thức để rực lên một nền nghệ thuật trù phú, trẻ trung, hiện đại ở Sài Gòn và sáng tạo chưa từng thấy.

Tác phẩm: "Jeune enfant sur les berges d'un lac" (tạm dịch: đứa trẻ bên bờ ao)Trần Bình Lộc, Sơn dầu trên toan Ký “tr lộc Trần - Bình Lộc” và đề năm 1936 dưới trái Kích thước: 50 x 65 cm. Tác phẩm có mặt trong phiên đấu LeAuctions tháng 3 sắp tới.

Tác phẩm "Jeune enfant sur les berges d'un lac" (tạm dịch: đứa trẻ bên bờ ao) được ký “”tr lộc Trần - Bình Lộc” và đề năm 1936 dưới trái. Đây là khoảng thời gian Trần Bình Lộc hoạt động tích cực và có tranh tham dự triển lãm của SADEAI kể đến như “Thiếu nữ ngồi” (sơn dầu), “Một cái cây bên bờ ao”, “Mùa hè” (sơn dầu), “Thiếu nữ dưới cây liễu” (lụa), “Hai thiếu nữ chuyện trò” (lụa), “Hái hoa nhài” (lụa), “Túp lều tranh” (lụa),... Trong giai đoạn này, ông vẽ nhiều về phong cảnh đất trời trong buổi giao mùa với nét vẽ giản dị và tông màu sáng, sự xuất hiện của con người đều được lấy cảm hứng từ hình ảnh đời thường và gần gũi từ đời thực.

Tác phẩm “Jeune femme coiffée d’un chapeau traditionnel” (Thiếu nữ đội nón lá) Lê Phổ (1907 - 2001)
Mực và bột màu trên lụa, bồi trên bìa cứng, Ký “lepho” và đề chữ Hán trên trái, kích thước 62 x 42.5 cm. Tác phẩm có mặt trong phiên đấu LeAuctions tháng 3 sắp tới.

Hội họa của Lê Phổ thừa hưởng văn hóa đa dạng, kết hợp hài hòa giữa hai hệ tư tưởng Đông - Tây. Bởi lẽ khi theo học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, sinh viên được học chương trình học mỹ thuật Âu châu nhưng khi sáng tác lại được hướng về nghệ thuật dân tộc. Dưới bảo trợ của chính quyền thuộc địa, tác phẩm của ông được đưa đi trưng bày ở Đấu xảo Paris năm 1931, mở ra cơ hội để ông được nhận học bổng vào trường mỹ thuật tại Pháp và từ Pháp viễn du khắp trời Âu tìm hiểu nghệ thuật. Năm 1937 ông quyết định định cư tại Pháp. Theo đó có nhiều cách khu biệt nghệ thuật của Lê Phổ, song có thể phân tách thành các giai đoạn: những năm tháng theo học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, làm việc tại Hà Nội và khoảng thời gian đầu sau khi định cư tại Paris; thời gian hợp tác độc quyền với galerie Romanet; thời gian hợp tác độc quyền với gallery Wally Findlay.

Rất có thể tác phẩm “Thiếu nữ đội nón lá” được ông sáng tác trong khoảng thời gian đầu khi mới qua định cư tại Pháp, trong giai đoạn 1938 - 1940. Bức tranh mang tổng hòa thanh lịch từ ngôn ngữ tạo hình nhân vật đến bầu không khí xung quanh. Người thiếu nữ mặc tưởng, hướng ánh nhìn xa xăm được khắc họa giàu tính nội tâm, đan xen với nét tả kỹ các chi tiết của khay tĩnh vật phía dưới là hai trong những hình ảnh phản ánh kỹ thuật hàn lâm đã được tôi luyện qua thời gian dài của Lê Phổ. Đặc biệt tác phẩm mang tư duy màu cực kỳ khúc chiết và vừa vặn, tạo thành sức hút kỳ lạ cho người thưởng thức.


LỊCH TRIỂN LÃM TIẾP THEO TRƯỚC PHIÊN ĐẤU GIÁ

Thời gian triển lãm đầu năm 2025:
Từ ngày 01 tháng 03 năm 2025 đến ngày 08 tháng 03 năm 2025
Địa điểm: Tầng 1, Aqua Central, 44 Yên Phụ, Hà Nội
Thời gian đấu giá trực tuyến:
- 17h, ngày 09 tháng 03 năm 2025

Đăng ký đấu giá:
- Email: leauctionhouse@gmail.com
Liên hệ:
- Lê Quang - 0979.86.86.86
Trang đấu giá trực tuyến:
- [leauctions.vn](https://www.leauctions.vn/)

Xin kính mời quý vị tham quan và tham gia phiên đấu giá số 05: Nghệ thuật Việt Nam thế kỷ 20. Nhà đấu giá Le Auction House sẽ diễn ra sắp tới!

Lê Quang