Mỹ thuật Mỹ thuật Gia Định

HỌA SĨ NGUYỄN SAO: TỪ VỸ DẠ TỚI PARIS

Nghệ thuật Việt Nam

Họa sĩ Nguyễn Sao sinh ngày 1/9/1915 tại thôn Vỹ Dạ, Huế, Việt Nam và qua đời ngày 27/1/2006 tại Paris, Pháp. Ông tốt nghiệp năm 1935 tại Trường Mỹ thuật Gia Định, dưới sự chỉ bảo đặc biệt từ họa sĩ người Pháp Jules Gustave Besson (1868 – 1942). Ở nhiều lĩnh vực từ hội họa sơn dầu, sơn mài, vẽ minh họa, đến điêu khắc, ông điều được biết tới là một nghệ sĩ tài hoa.

Hình 1: Họa sĩ Nguyễn Sao. Ảnh chụp tại Sài Gòn năm 1960

Nguyễn Sao bắt đầu sự nghiệp với công tác trang trí sân khấu lưu động tại miền Nam Việt Nam và dạy vẽ tại Trường Trung học Phú Xuân, Huế từ 1938 tới 1939. Cuối năm 1939, ông được huy động vào đoàn công nhân Đông Dương tại Pháp cũng như có cơ duyên gặp gỡ họa sĩ Marie Baranger, môn sinh của họa sĩ Maurice Denis (1870 – 1943), và được ông khuyến khích theo học nghệ thuật. Sau đó, Nguyễn Sao theo học một số khóa học của trường mỹ thuật Avignon (L’Ecole Municipale des Beaux Arts d’Avignon) ở tỉnh Vaucluse trước khi chuyển đến Paris tham gia các khóa học của Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật (L’École nationale supérieure des Beaux-Arts) năm 1943 và Trường Quốc Gia Cao Đẳng Trang Trí (L’École nationale supérieure des Arts Décoratifs) năm 1945. Sau này, khi trở về quê hương, ông tham gia công tác giảng dạy mỹ thuật, góp sức xây dựng cho nền hội họa nước nhà tại một số trường như Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn (1954 – 1964), Trường THPT Marie Curie và Trường Regina Mundi (1964 – 1972). Năm 1972, ông quay lại Pháp, định cư ở đây cho tới cuối đời cùng các con.

Hình 2: Tác phẩm “Chuyện trò dưới tán cây”. Sơn mài. 73 x 96 cm. Ký dưới phải

Nghệ thuật của Nguyễn Sao mang tinh thần cởi mở, thấm nhuần văn hóa châu Á trong sự giao thoa với Tây phương. Trong địa hạt hội họa, ông thành thạo từ sơn dầu, màu nước, phấn màu cho đến sơn mài và lụa. Các tác phẩm của ông chủ yếu mô tả phong cảnh đời sống người dân ở cả nông thôn lẫn thành thị bên cạnh một số sáng tác vẽ chân dung thành viên trong gia đình và những người ông gặp, quen thân. Đặc biệt, chất liệu sơn mài chủ yếu được ông sử dụng từ năm 1964 tới năm 1972. Thời kỳ này, trên cơ sở kỹ thuật vẽ sơn mài truyền thống, ông cũng nghiên cứu tạo ra những sắc thái riêng của mình, chủ yếu với các gam màu ấm và tạo hình phóng khoáng. Chủ đề được khắc họa trong tranh ông đa dạng từ hoạt cảnh con người vui chơi dưới gốc cây, cảnh sinh hoạt bên bến đò, cho tới cảnh biển hay hình ảnh thiếu nữ bên hoa sen,… Đây cũng là khoảng thời gian ông bắt đầu nghiên cứu điêu khắc. Các tác phẩm điêu khắc của ông khi ấy đã nhận được sự quan tâm lớn và có nhiều đơn đặt hàng đặc biệt. Ngoài ra, đến cuối đời Nguyễn Sao chủ yếu làm bạn với chất liệu phấn màu, tranh vẫn xoay quanh chất thơ và cái tình trong phong cảnh đi từ quê hương Vỹ Dạ tới khắp nẻo đường in dấu chân ông.

Hình 3: Nghệ sĩ Nguyễn Sao bên cạnh tác phẩm điêu khắc tượng Jeanne d’Arc. Đây là tác phẩm được ông làm riêng theo đơn đặt hang cho Nhà nguyện của Bệnh viện Grall ở Sài Gòn (nay là Bệnh viện Nhi Đồng 2)

Sinh thời Nguyễn Sao có nhiều cuộc triển lãm cá nhân ở Việt Nam, Pháp, Thụy Sĩ, Monaco, Ý và nhiều nơi khác trên thế giới. Ông cũng từng nhận nhiều huân, huy chương và giải thưởng danh giá, điển hình như huy chương bạc tại Hội chợ quốc tế Sài Gòn (Việt Nam) năm 1939, giải thưởng lớn do cơ quan Thông tin Nghị viện và Bộ trưởng châu Âu – Ngoại giao Cộng hòa Pháp trao tặng cho những đóng góp của ông vào việc làm phong phú thêm văn hóa châu Âu nói chung và của Pháp nói riêng năm 1989. Ông nhiều lần được báo chí Pháp và Việt Nam ngợi ca, trong đó trên tờ La Gazette, xuất bản tại Sài Gòn năm 1957 có lời nhận định: “Chúng ta yêu thích những gì truyền thống và cả sự táo bạo có tính toán của Nguyễn Sao khi đưa ra một bảng màu trải rộng, điều chỉnh theo bước chuyển mình của các mùa trong năm. Tài năng của ông đi cùng sự đồ sộ trong nghiên cứu chủ thể là thứ từ chối bất kỳ sự giả tạo nào, rất trực diện, được phản ánh từ hình, ánh sáng cho tới màu sắc”.

Lê Quang