Mỹ thuật Mỹ thuật Đông dương

HỘI HỌA CỦA LÊ PHỔ: TỪ HÀ NỘI TỚI PARIS

Nghệ thuật Việt Nam

Lê Phổ (1907 - 2001), tốt nghiệp khóa I trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (l'École des Beaux-Arts d'Indochine), hiện là một trong những danh họa Việt được nhắc tới nhiều nhất trên thị trường công khai với mức giá kỷ lục 2.37 triệu đô cho một tác phẩm.

Hội họa của Lê Phổ thừa hưởng văn hóa đa dạng, kết hợp hài hòa giữa hai hệ tư tưởng Đông - Tây. Bởi lẽ khi theo học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, sinh viên được học chương trình học mỹ thuật Âu châu nhưng khi sáng tác lại được hướng về nghệ thuật dân tộc. Dưới bảo trợ của chính quyền thuộc địa, tác phẩm của ông được đưa đi trưng bày ở Đấu xảo Paris năm 1931, mở ra cơ hội để ông được nhận học bổng vào trường mỹ thuật tại Pháp và từ Pháp viễn du khắp trời Âu tìm hiểu nghệ thuật. Năm 1937 ông quyết định định cư tại Pháp. Theo đó có nhiều cách khu biệt nghệ thuật của Lê Phổ, song có thể phân tách thành các giai đoạn: những năm tháng theo học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, làm việc tại Hà Nội và khoảng thời gian đầu sau khi định cư tại Paris; thời gian hợp tác độc quyền với galerie Romanet; thời gian hợp tác độc quyền với gallery Wally Findlay.

Chủ đề sáng tác của Lê Phổ trải rộng nhiều mặt của đời sống, trong đó có thể kể đến hình ảnh tình mẫu tử, thiếu nữ, trẻ em, và tĩnh vật hoa,... Ông sáng tác đa phần với hai chất liệu là lụa và sơn dầu.

Tình mẫu tử và thiếu nhi

Hình 1: Tình mẫu tử, khoảng 1935 - 1945. Mực và bột màu trên lụa. Ký “lepho”, đề chữ Hán và triện đỏ trên phải. 62.5 x 46 cm

Trên đây là một tác phẩm đặc biệt điển hình, xuyên suốt toàn bộ sự nghiệp của Lê Phổ với chủ đề tình mẫu tử. Khúc chiết và cô đọng, bức tranh là minh chứng đặc biệt trong kỹ thuật chế ngự hoàn toàn chất liệu lụa của họa sĩ. Được sáng tác vào khoảng giữa 1935 - 1945, đây cũng là giai đoạn mang tính chuyển giao của Lê Phổ khi bao hàm dấu mốc ông lên đường viễn xứ sang Pháp năm 1937. Tác phẩm hài hòa giữa lối công bút ảnh hưởng từ tranh lụa Trung Hoa thời Đường, Tống, đồng thời cũng tinh tế tả ý gợi ra sự ấm cúng và thân mật giữa mẹ và con trong một khoảnh khắc bình dị thường ngày.

Hình 2: Em bé ăn cơm, 1941. Mực, màu gouache trên lụa, bồi trên bìa cứng. Ký “lepho”, đề chữ Hán và triện đỏ trên trái. 27,5 x 22 cm

Cùng giai đoạn với bức vẽ “Tình mẫu tử”, “Em bé ăn cơm” lấy hình ảnh cậu bé làm chính thể. Cậu bé được khắc họa trong điệu bộ đáng yêu trên chất liệu lụa, đi kèm với khung nguyên bản. Ngoài nhận sự giáo dục từ trường Mỹ thuật Đông Dương với các tư liệu tranh lụa Trung Quốc đời Đường, đời Tống hay tranh lụa Nhật Bản được thầy Victor Tardieu đưa về Việt Nam cho học trò nghiên cứu thực hành, bản thân Lê Phổ cũng từng sang Bắc Kinh để tận mắt chứng kiến và học hỏi thêm để áp dụng vào sáng tác. Có lẽ bởi vậy mà tranh vẽ trên lụa của Lê Phổ có độ tỉ mỉ cao và trở thành một phần không thể thiếu khi nhắc đến sự nghiệp hội họa của ông dù số lượng không nhiều như các sáng tác sơn dầu.

Thiếu nữ

Ngoài tình mẫu tử và thiếu nhi, có lẽ thiếu nữ là hình ảnh xuất hiện nhiều nhất trong các sáng tác của danh họa. Ông dành nhiều thời gian nghiên cứu và khắc họa vẻ đẹp của thiếu nữ trong những hoạt cảnh rất trữ tình. Trước những năm 50 là giai đoạn ông vẽ và sử dụng nhiều trên chất liệu lụa, hình ảnh thiếu nữ đa dạng từ hóng gió, vọng cảnh, tản bộ, mang dáng vẻ ưu nhàn, thanh nhã và chứa đựng dấu ấn đậm nét của Đông phương.

Hình 3: Bên trái: Thiếu nữ. Mực và bột màu trên lụa. Ký “lepho”, đề chữ Hán và triện đỏ dưới trái. 40.7 x 32.7 cm – Bên phải: Thiếu nữ cầm quạt. Mực và bột màu trên lụa. 40.8 x 23 cm. Ký “lepho” và triện dưới phải

Sau những năm 50, Lê Phổ chuyển dần sang vẽ sơn dầu sau khi hợp tác độc quyền với các phòng trưng bày và có sự tìm hiểu chín muồi về Hội họa Ấn tượng và Hậu Ấn tượng Pháp. Thời kỳ này bảng màu trong tranh ông rực rỡ hơn và hình ảnh người con gái cũng xuất hiện trong các khung cảnh lãng mạn, đan xen với hoa lá tốt tươi.

Hình 4: Chợ hoa. Sơn dầu trên toan. Ký tên “lepho” và đề chữ Hán dưới phải. 73.5 x 92 cm

“Chợ hoa”, miêu tả cảnh thiếu nữ mặc trang phục truyền thống đi chợ chọn hoa là một tác phẩm phô diễn tài năng của Lê Phổ trong việc bố cục hài hòa các nhân vật và mảng thiên nhiên xung quanh. Sắc tranh rực rỡ với các vùng chính phụ rõ ràng và liên kết với nhau từ gần tới xa tạo nên một tổng thể toát ra không khí hoan ca ngày lễ. Đi cùng với kích thước tương đối lớn, tác phẩm cũng cho thấy sự nghiêm cẩn nghiên cứu sắp đặt của Lê Phổ với từng loại hoa như ly, mẫu đơn, phi yến,... cũng như cách chơi màu sao cho mang lại hiệu quả thị giác ấn tượng nhất cho người thưởng lãm.

Cùng một chủ đề nhưng chính Lê Phổ cũng không bao giờ lặp lại chính mình. Ông có những biến tấu đa dạng trên mặt toan rất đa dạng để tạo không gian suy tư cho nhân vật. Những thiếu nữ đọc sách, uống trà, thưởng thức trái cây hay dạo bộ trong các khu vườn là một vài trong nhiều tác phẩm ông để lại cho hậu thế. Họ vẫn luôn hiện diện trong trang phục mang âm hưởng truyền thống Việt và với mỗi một bức họa, tâm thế sáng tác của ông dường như đều mang phần nào nỗi nhớ cố hương.

Hình 5: Bên trái: Đọc sách. Sơn dầu trên toan. 58,5 x 81,3cm – Giữa: Trong vườn. Ký “lepho” và đề chữ Hán dưới phải. 65 x 50 cm – Bên phải: "Món tráng miệng", 1966. Sơn dầu trên toan. 65 x 81 cm

Tĩnh vật hoa

Cũng vẫn là Lê Phổ nhưng nếu không nhắc tới các bức vẽ hoa sẽ là một thiếu sót lớn. Lê Phổ yêu hoa và nhiều lúc trong tranh ông hoa đứng một mình, trở thành nhân vật chính. Riêng với các bức vẽ tĩnh vật, mỹ học châu Âu ảnh hưởng tới ông đáng kể. Những phi yến, mẫu đơn, anh túc,... ông vẽ ở Pháp mang nhiều kỹ thuật và tinh thần của các họa sư nước ngoài. Đó đều là những điều trên hành trình trải nghiệm một vùng đất mới mà Lê Phổ đã chắt lọc biến thành của riêng mà sáng tác.

Hình 6: Mẫu đơn và hoa cúc xanh. Mực và bột màu trên lụa. Ký “lepho” và đề chữ Hán dưới trái. 47,5 x 52,6 cm

Lê Phổ vẽ nhiều về chủ đề hoa nhưng những bức vẽ hoa trên lụa lại tương đối hiếm. “Mẫu đơn và hoa cúc xanh” có lẽ được sáng tác trong khoảng thời gian khi ông mới qua Pháp và mặc dù vẽ tĩnh vật nhưng tranh toát ra tinh thần trầm tư mặc tưởng. Ảnh hưởng của văn hóa Á Đông hiện diện trong tranh vừa đủ: bình sứ trắng men lam đặt trên đôn gỗ và kết nối hài hòa với mẫu đơn hồng phớt và cúc xanh ở phía bên trên.

Hình 7: Bên trái: Tĩnh vật bình hoa, 1953. Đa chất liệu. Ký “lepho” và đề chữ Hán dưới phải. 55 x 33 cm – Bên phải: Tĩnh vật hoa anh túc, khuynh diệp và tulip. khoảng 1958-1962. Đa chất liệu trên lụa, bồi trên tấm bìa cứng. Ký “lepho” và đề chữ Hán dưới phải

Tỉ mỉ với tranh lụa và khoáng đạt với sơn dầu nhưng có những giai đoạn chuyển giao ông vẽ đa chất liệu và cả sơn dầu trên lụa bồi lên ván gỗ mỏng hoặc masonite. “Tĩnh vật bình hoa” và “Tĩnh vật hoa anh túc, khuynh diệp và tulip” được sáng tác trong khoảng thời gian ông hợp tác với galerie Romanet. Giai đoạn này các tác phẩm của ông đi cùng một bảng màu trầm hơn giai đoạn sau và vương vấn hoài niệm xa xăm.

Hình 8: Tĩnh vật tulip đỏ, khoảng năm 1970. Sơn dầu trên toan. 129.5 x 88.9 cm

Mối quan hệ công việc và tình bạn giữa André Romanet (Chủ Galerie Romanet) và Lê Phổ duy trì trong hơn 23 năm cho đến năm 1964 khi Lê Phổ ký hợp đồng độc quyền với Wally Findlay Galleries của Hoa Kỳ. Các sáng tác sơn dầu ở thời kỳ này mang sắc màu tung tẩy, rực rỡ và tươi sáng hơn trước trong khi về chủ đề ông vẫn tiếp tục theo đuổi dấu xưa vốn đã làm nên tên tuổi ông bấy giờ như tình cảm gia đình, hoài cố hương, khung cảnh thơ mộng và tĩnh vật hoa. “Tĩnh vật tulip đỏ” chính là một ví dụ điển hình.

Tổng kết qua, khi nghĩ về tranh lụa của Lê Phổ, có một cái mới được tạo ra trên nền tảng gốc là bản sắc dân tộc. Kể từ thời thuộc địa, nhờ sự chỉ dạy của các thầy Pháp trên đất Việt cho tới khoảng thời gian chiêm nghiệm ở Pháp với một môi trường trải qua nhiều cuộc biến chuyển của mỹ học, ông với cái tôi được tiếp thu những tinh hoa ấy đã kế tục truyền thống, mở ra nhiều khai phá và trở thành một tài danh đại diện hội họa nước nhà trên thị trường quốc tế.

Lê Quang