Mỹ thuật Mỹ thuật Đông dương

HỘI HỌA TRẦN PHÚC DUYÊN

Nghệ thuật Việt Nam

Trần Phúc Duyên, một họa sĩ tài hoa, đã gắn kết nghệ thuật Việt Nam với thế giới qua những tác phẩm độc đáo. Sinh ra trong một gia đình khá giả tại Hà Nội, ông theo đuổi hội họa từ nhỏ và khẳng định tên tuổi qua những tác phẩm phản ánh tinh thần Việt. Từ Hà Nội đến Paris, di sản nghệ thuật của Trần Phúc Duyên không chỉ là biểu tượng văn hóa Đông Tây mà còn là minh chứng cho sự kiên trì và tình yêu mãnh liệt với hội họa.

Chân dung họa sĩ Trần Phúc Duyên

Họa sĩ Trần Phúc Duyên sinh ngày 16/2/1923 trong một gia đình khá giả làm xưởng mộc tại Hà Nội. Yêu thích hội họa từ nhỏ, sau này lớn lên ông quyết tâm theo nghề vẽ, thi đỗ vào Khóa 16 Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1942 cùng với các họa sĩ Quang Phòng, Đinh Minh, Cao Xuân Hùng, Lê Phả, Nguyễn Văn Thành, Phan Thông, Võ Lăng và một vài họa sĩ ngoại quốc khác. Sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp năm 1945, trường phải đóng cửa nên khóa của ông chưa có cơ hội hoàn thành hết chương trình học 5 năm. Từ đó, Trần Phúc Duyên sống và hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp tại Hà Nội tới năm 1954, trước khi cùng hai anh em trai Trần Phúc Chí và Trần Phúc Tường di cư sang Pháp. Tại Paris, Pháp, ông dành nhiều thời gian tới học tại xưởng vẽ của họa sĩ Jean Soverbie (1891 - 1981) tại Trường Mỹ thuật Paris (L’ecole des Beaux-Arts Paris) và tiếp tục theo đuổi sự nghiệp sáng tác nghệ thuật.

Trần Phúc Duyên là một chân dung nhiệt thành với nghệ thuật. Ông tìm thấy ở sơn mài một thứ ánh sáng hoài niệm mà mình muốn gắn bó, dù đã có lúc chuyển sang vẽ lụa hoặc thử nghiệm một số chất liệu khác. Hội họa của Trần Phúc Duyên có thể phân ra ba thời kỳ theo tuyến tính thời gian: 1945 - 1954: Sơn mài đồng nhất; 1954 đến cuối những năm 1970: Sơn mài sáng; và từ cuối năm 1970 tới năm 1993: Sơn mài thủy mặc. Cùng với đó, dù sinh sống nhiều năm tại nước ngoài, chủ đề sáng tác của ông trải rộng nhưng đều tập trung đi sâu vào tinh thần Việt Nam, đặc biệt là thực cảnh đồng bằng, trung du Bắc Bộ hay những thiếu nữ trong tà áo dài thướt tha. Cuối đời, ông chuyển sang vẽ sơn mài trừu tượng, thiền họa với cảm hứng đậm nét của tranh thủy mặc Á Đông.

 

Tác phẩm sơn mài "Phong cảnh Sài Sơn - chùa Thầy" được Trần Phúc Duyên vẽ năm 1951

Tác phẩm sơn mài trên đây được sáng tác năm 1951, khoảng thời gian ông sinh sống tại tư gia số 146 Avenue de Grand Buddha (nay là đường Quán Thánh), Hà Nội. Đây là khoảng thời gian các tác phẩm sơn mài của ông nhận được nhiều sự quan tâm đặt hàng từ những gia đình tư sản và quan chức Pháp tại Việt Nam. Bức tranh mang tầm nhìn rộng từ trên cao, bao quát phong cảnh Sài Sơn - chùa Thầy và được khắc họa với một bảng màu đồng nhất gồm sơn then, sơn son, sơn cánh gián, thếp vàng đặc trưng đương thời. Tả cảnh rộng nhưng Trần Phúc Duyên vẫn nghiêm cẩn trau chuốt các chi tiết nhỏ và chú tâm sắp đặt hài hòa bố cục tiền - trung - hậu cảnh. Tổng thể bức tranh có chiều sâu, cho thấy sự công phu của người sáng tác trong việc quan sát và nắm bắt tinh thần hiện thực. Được biết, cách đó 1 năm, 3 tác phẩm sơn mài khác của ông, trong đó có 1 bức sơn mài bình phong 6 tấm khắc họa cùng chủ đề phong cảnh Sài Sơn - chùa Thầy đã được chọn gửi sang Vatican làm quà mừng Giáo Hoàng Pius và được lưu giữ tại bảo tàng Vatican.

Sinh thời Trần Phúc Duyên lao động nghệ thuật không ngừng nghỉ. Ông có 12 triển lãm cá nhân từ năm 1968 đến năm 1993 bao gồm một triển lãm tại Pháp năm 1970, một triển lãm tại Canada năm 1975 cùng nhiều triển lãm tại Thuỵ Sỹ năm 1971, 1973 (3 lần), 1976 (2 lần), 1978, 1979, 1983 và 1989. Từ giã cõi trần năm 1993, ông để lại cho hậu thế một di sản phong phú và sâu sắc, là hiện thân của những mảng màu pha trộn hai nền văn hóa Đông Tây.

Lê Quang