Triển lãm

Lần đầu tiên: Cuộc thi vẽ tranh “Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa” lần thứ I thành công gặt hái những thành tựu và tác phẩm đáng giá

Nghệ thuật Việt Nam

Cuối tháng 3 vừa qua, triển lãm các tác phẩm đoạt giải cuộc thi vẽ tranh “Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa” lần thứ I được đồng tổ chức bởi hội di sản văn hóa Việt Nam và Quỹ hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam diễn ra thành công rực rỡ với 1 giải xuất sắc, 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba và 22 giải khuyến khích. Cuộc thi lần này đã đánh dấu cột mốc mới trong việc phát triển và bảo tồn di sản văn hóa, đồng thời đưa khái niệm di sản trở nên gần gũi hơn với công chúng không chỉ với giới nghệ sĩ nói riêng mà còn với những người yêu nghệ thuật nói chung.

Triển lãm diễn ra tại phòng tranh Aqua art số 44 Yên Phụ, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội.

Hội di sản văn hóa Việt Nam được phê duyệt năm 2010 kèm theo Quyết định 466/QĐ-BNV, Hội hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự trang trải kinh phí, dân chủ; tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách nhưng quyết định theo đa số; tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và Điều lệ Hội.

Hội được thành lập với nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết và đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác giữa các tổ chức, cá nhân; thúc đẩy trao đổi thông tin, lý luận, kinh nghiệm hoạt động thực tiễn về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, đồng thời tham gia tư vấn, phản biện, giám định, đánh giá các đề tài, đề án, công trình về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhu cầu của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước theo quy định của pháp luật. Tham gia hoặc trực tiếp tổ chức thực hiện các đề tài, đề án, công trình về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Di sản, văn hóa là những tinh túy của một nền văn minh đi qua đã đọng lại, các vua cha ta từ xưa đã luôn chú trọng việc ghi sử sách để lại cho đời sau, đó không chỉ là kinh nghiệm của hàng triệu người đi trước mà còn là lối sống, là phong tục tập quán đã và đang tồn tại, chỉ khi ta tiếp cận chúng, ta mới biết tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát triển di sản văn hóa. Trên cơ sở ấy, Quỹ hộ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam đã được thành lập theo Quyết định số 1260/QĐ-BNV ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam là Quỹ xã hội, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận trên nguyên tắc tự tạo vốn đóng góp ban đầu của các sáng lập viên, các nguồn vận động tài trợ và đóng góp hoàn toàn tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật. Quỹ hoạt động trong phạm vi cả nước, có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng, tự đảm bảo kinh phí, trụ sở và phương tiện hoạt động, với mục đích hỗ trợ, khuyến khích và góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Quỹ chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Bộ, ngành liên quan về phạm vi, lĩnh vực Quỹ hoạt động.

Căn cứ vào mục đích thành lập Hội và Quỹ, cuộc thi “Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa” được ấp ủ thai nghén cùng bao tâm huyết đã thành công thu hút đông đảo người tham gia và sự chú ý của giới mộ điệu. Được biết, cuộc thi đã phổ biến điều lệ tới công chúng vào tháng 7 năm 2023 sau khi được sự đồng thuận của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tại Văn bản số 256/MTNATL ngày 16 tháng 5 năm 2023, Hội Di sản Văn hoá Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Trịnh Gia tổ chức Cuộc thi vẽ tranh với chủ đề “Di sản văn hoá Việt Nam qua hội họa”.

Không gian bên trong triển lãm.

Không gian bên trong triển lãm.

Cuộc thi vẽ tranh “Di sản văn hóa Việt Nam” tạo cơ hội cho những họa sĩ trẻ, sinh viên tài năng đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng về mỹ thuật, hội họa trên toàn quốc. Bên cạnh đó cuộc thi tôn vinh giá trị văn hóa vô giá của dân tộc, âm thầm tạo nên phong trào yêu di sản văn hóa Việt len lỏi trong tầng lớp trẻ của đất nước.

Cuộc thi vẽ tranh "Di sản Văn hóa Việt Nam qua hội họa", mang tới những giải thưởng giá trị bao gồm:

01 Giải Xuất sắc: 100.000.000đ

01 Giải Nhất: 75.000.000đ

02 Giải Nhì: 50.000.000đ/giải

03 Giải Ba: 40.000.000đ/giải

20 Giải khuyến khích: 10.000.000đ/giải

(Mỗi giải kèm Giấy Chứng nhận của Ban Tổ chức).

Dưới đây là tiêu điểm những tác phẩm đã xuất sắc đạt giải:

Giải xuất sắc với tác phẩm “Lễ hội Khmer ở Cà Mau”. Tác giả: Lại Lâm Tùng, chất liệu: bút sắt, màu nước, kích thước: 100 x 200cm.

Tranh chia sẻ về lễ hội Sene dolta của người Khmer được tổ chức vào tháng 8 Âm lịch hàng năm trong cộng đồng người Khmer nhằm tưởng nhớ công ơn sinh thành, những người thân trong tộc đã quá cố và tri ân tổ tiên. Từ lâu, lễ hội này được xem là một trong những lễ hội truyền thống mang đậm đà bản sắc văn hoá của đồng bào Khmer Nam Bộ, được lưu giữ qua nhiều thế hệ. Dịp lễ này được bà con chuẩn bị chu đáo từ dọn nhà, bàn thờ, dâng cúng tổ tiên những món ăn truyền thống. Tuỳ điều kiện kinh tế của mỗi gia đình mà chọn lễ vật khác nhau nhưng chung quy đều thể hiện lòng biết ơn, tưởng nhớ ông bà.

Giải nhất với tác phẩm “Nghìn xưa lưu dấu”. Tác Giả: Lê Thị Thanh, chất liệu: in nổi, in độc bản, in lưới, kích thước: 280 x 240cm

Tranh chia sẻ về Bộ tác phẩm gồm một số hình tượng được in rập tại vườn bia Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Các bản khắc cao su hình ảnh di sản tượng và phù điêu tiêu biểu của Việt Nam nói chung và hiện vật tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám nói riêng như: rồng đá, voi đá, tượng đá cổng Thái Học, bút lông bằng đá... kết hợp với nghệ thuật in độc bản thuỷ ấn gợi cảm giác về sự huyền bí, xa xưa. Các hình tượng nghệ thuật như bước ra từ huyền tích. Đậm nhạt của bức tranh được tạo bởi kỹ thuật in lưới, làm nên một quầng sáng như ánh hào quang mà tâm điểm là hình tượng Khuê Văn các - ngôi sao Khuê - biểu tượng của văn chương và trí tuệ. Bố cục tranh được cấu trúc như cách sắp gạch để xây một bức tường, ý nói đây là bức tường di sản, là nền móng tạo nên các giá trị thẩm mỹ của người Việt đương đại. Bộ tranh hiển thị các tín hiệu tạo hình mà cổ nhân để lại trong tinh thần của tác phẩm nghệ thuật.

Giải nhì với tác phẩm “Hiếu lăng một chiều thu”. Tác Giả: Trần Thị Thanh Dung, chất liệu: in khắc đồng, kích thước: 60 x 50cm

Tranh chia sẻ về Lăng Minh Mạng còn có tên chữ là Hiếu Lăng, tọa lạc trên núi Cẩm Kê, xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Hiếu Lăng gây ấn tượng với kiến trúc truyền thống cổ xưa, mang đậm sắc Nho giáo.

Kế ngôi vua Gia Long vào năm 1820, vua Minh Mạng đã dành 14 năm tìm kiếm một vị trí phù hợp để xây dựng lăng và cuối cùng ông đã chọn núi Cẩm Kê. Nơi đây có đầy đủ yếu tố nước, núi, rừng và nhiều cây xanh, về sau ông đổi tên Hiếu Sơn thành Hiếu Lăng cho lăng tẩm của mình.

Được xem là biểu tượng du lịch của Cố đô Huế, Hiếu Lăng được bao trùm một màu xanh của những hàng cây với không gian vô cùng yên ả, tĩnh lặng của dòng sông và sự vững chắc của núi non. Với vẻ đẹp uy nghi, cổ kính nhưng không kém phần lãng mạn, bình yên, khung cảnh của Hiếu Lăng ngày càng đẹp hơn khi đắm chìm trong chiều thu dịu dàng.

Gải nhì với tác phẩm “Chùa Hang đảo Lý Sơn”. Tác Giả: Lê Phi Hùng, chất liệu: khắc gỗ, kích thước: 70 x 95cm.

Tranh chia sẻ về Chuyến đi của Tác giả đến thăm Di tích lịch sử văn hoá chùa Hang đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi Trong một chuyến công tác. Nhìn hàng cây bàng vuông hàng trăm năm tuổi khiến tác giả có cảm xúc đặc biệt, thiên nhiên cung cảnh sắc nơi đây đã để lại ấn tượng khó phai

Tác giả đã làm phác thảo và thể hiện trên nghệ thuật khắc gỗ - một nghệ thuật đòi hỏi người hoạ sỹ phải hết sức thận trọng trong từng nét khắc, nếu khắc sai phải làm lại từ đầu. Tác Giả đã dồn tất cả tâm huyết, tình yêu và sự trân quý đối với Di tích lịch sử, văn hoá này. Thời gian khắc cho đến khi hoàn thành mất 5 tháng liên tục. Từng vết sần trên thân cây, cho đến ánh nắng xuyên qua tán lá, điển nhấn là tượng Quán Thế Âm Bồ Tát nhìn ra biển xa, phù hộ cho ngư dân bám biển ngày đêm. Phía chân trời là mưa, thể hiện những hiểm nguy mà ngư dân phải đối mặt bất cứ lúc nào. Cận cảnh là đàn chim bồ câu trong nắng yên bình, thể hiện một vùng đất hoà bình, tươi đẹp của Tổ Quốc.

Giả ba với tác phẩm ”Múa Rồng”. Tác Giả: Dương Hồng Hạnh, chất liệu: gốm, men, kích thước: 90 x 62cm

Tranh chia sẻ về Lễ hội văn hoá dân gian Phố Hiến. Đây là một lễ hội lớn của tỉnh Hưng Yên, được tổ chức từ mồng 6 đến mồng 8 tháng 3 Âm lịch hàng năm tại thành phố Hưng Yên.

Múa rồng là một trò chơi phổ biến từ xa xưa, tồn tại và phát triển phong phú trong hầu hết các lễ hội dân gian của người Việt

Lễ hội này rất sôi động, thu hút nhiều người xem ở mọi lứa tuổi và tầng lớp nhân dân. Mặc dù múa rồng vẫn được nhiều người cho là môn nghệ thuật dân gian đường phố, có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng với người Hưng Yên thì múa rồng là một di sản văn hoá đặc biệt. Đặc biệt vì nó gắn liền với lịch sự hình thành thương cảng Phố Hiến từ thế kỷ XVI, XVII. Nơi đây vốn là một thương cảng sầm uất, một đô thị cổ xưa, phát triển rực rỡ một thời, cũng là nơi hội tụ, giao thoa nhiều nền văn hoá. Những dấu tích về văn hoá vật thể, phi vật thể là những di sản còn lưu lại rất nhiều trên mảnh đất này qua thời gian.

Qua tác phẩm, tác giả tôn vinh trò chơi Múa rồng trong các lễ hội truyền thống của người Việt nói chung, trong lễ hội văn hoá dân gian phố Hiến nói riêng.

Giả ba với tác phẩm: “Tiên nữ - Cánh diều và mái đinh”. Tác Giả: Phạm Hùng Anh, chất liệu: tổng hợp, kích thước: 254 x 168cm

Tranh chia sẻ về những di tích kiến trúc, nghệ thuật cổ, trong đó có các đình làng ở đồng bằng Bắc Bộ, thường thấy hình tượng tiên nữ ở trong các phù điêu trang trí, nằm dưới các mái đình làng cổ kính.

Từ các hộp nhựa sử dụng một lần như hộp đựng thực phẩm, hạt, quả, ..., tác giả đã sử dụng để làm chất liệu cho tác phẩm của mình, tái chế các vật dụng vốn bỏ đi thành những thứ có ích. Tác phẩm gồm 22 bản in được khắc bằng cao su có các hình ảnh về tiên nữ và những nhân vật trong những điêu khắc đình làng. Mỗi bản in được lắp lại với các dải màu xanh, tím, đỏ. Các bản in được cho vào hộp nhựa tái chế, tạo thành các hộp module ghép thành một bức tranh, sau đó kết hợp với ánh sáng đèn LED 3V từ trong mỗi module để tạo hiệu ứng thị giác.

Người xem tác phẩm có thể tương tác bằng cách chạm tay xoay nhẹ những module, sẽ thấy các hình chi tiết trong module đó thay đổi, kết hợp với module bên cạnh, sẽ tạo ra một hình ảnh khác. Tác giả hy vọng những hiệu ứng đó từ tác phẩm sẽ mang lại sự yêu mến di sản, vốn cổ của ông ta theo một góc nhìn mới và tạo sự thú vị nho nhỏ cho người xem.

Giải ba với tác phẩm: “Lễ hội Lam Kinh”. Tác Giả: Vũ Trọng Thành, chất liệu: sơn khắc, kích thước: 90 x 240cm

Tranh chia sẻ về Lễ hội Lam Kinh, một lễ hội truyền thống đặc sắc của tỉnh Thanh Hoá, được tổ chức hàng năm vào ngày giỗ của vua Lê Thái Tổ (22 tháng 8 Âm lịch) tại Di tích Lam Kinh thuộc huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá.

Trước kia, theo định lệ, cứ ba năm một lần, vào ngày giỗ Vua, vua quan nhà Lê ở Đông Kinh (Thăng Long) lại về Lam Kinh làm lễ. Hàng năm, nhân dân địa phương mở hội tưởng nhớ, tôn vinh người anh hùng dân tộc Lê Lợi. Phần lễ được thực hiện theo đúng nghi thức cổ truyền, như: màn trống hội, cờ hội, rước kiệu và những nghi thức tế lễ từ thời Lê truyền lại. Trong lễ hội còn có Trò Xuân Phả là trò dân gian mô tả cảnh 5 quốc gia cổ (thuộc Trung Hoa, Hoà Lan, Tú Huần, Chăm Pa, Ai Lao) đem lễ vật cùng với những tiết mục múa hát đặc sắc của quốc gia họ để chúc mừng Hoàng Đế nước Việt xưa. Trò Xuân Phả được hình thành và phát triển hơn 1000 năm, là trò diễn dân gian đặc sắc, độc nhất vô nhị diễn ra hàng năm ở Nghè Xuân Phả, xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá và được đã ghi danh là Di sản văn hoá phi vật thể Quốc Gia. Trò Xuân Phả được tác giả diễn tả trong bố cục chính của tác phẩm.

Cuộc thi “Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa” đã kết thúc với kết quả thu về thành công mỹ mãn, mở ra hướng đi mới trong việc tiếp cận lịch sử với giới trẻ hiện nay khi mà thời đại công nghệ đang phát triển mạnh. Các tác phẩm tham gia trong cuộc thi chính là kết tinh của tình yêu đối với đất nước và di sản văn hóa Việt. Trong tương lai đầy hứa hẹn, Hội di sản văn hóa Việt Nam và Quỹ hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam liệu sẽ có những hướng đi mới đưa di sản văn hóa đến gần hơn với mọi lứa tuổi?

PV