Sơn mài chính là địa hạt mang lại cho Phạm Hậu nhiều tiếng vang và dấu ấn đậm nét mãi cho tới sau này. Tác phẩm bình phong sơn mài 6 tấm này là một trong những bức vẽ về chủ đề thiên nhiên Bắc Kỳ được Phạm Hậu nghiên cứu khoảng năm 1938. Tranh có hai mặt, một mặt khắc họa đàn hươu dạo chơi trong rừng, mặt còn lại mô tả đàn cá vàng bơi lội dưới nước, ký Phạm Quang Hậu bằng chữ Hán và triện dưới góc phải. Trong văn hóa Á Đông hươu và cá vàng là hai loài mang nhiều ý nghĩa đặc biệt, hươu mang ý nghĩa của may mắn, trong khi cá vàng đại diện cho tài lộc và sự thịnh vượng nên thường xuyên trở thành nguồn cảm hứng cho các họa sĩ sáng tác, đặc biệt là họa sĩ sơn mài. Thời gian này nghệ thuật nước ta, từ cơ sở lâu đời của nghệ thuật trang trí đã đi vào thời kỳ cực thịnh với trào lưu ra ngoài vẽ phong cảnh.
Bấy giờ một số họa sĩ nổi bật như Nguyễn Gia Trí, Phạm Hậu, Nguyễn Văn Quế, Nguyễn Văn Tỵ, Lê Quốc Lộc đều đi ra ngoài vẽ những tranh phong cảnh nông thôn, đền miếu, chùa chiền, lăng tẩm, rừng núi và mô tả sự vật sự việc với nét bút cực kỳ tinh xảo, tỉa từng lá cây, ngọn cỏ, viên ngói, mảng da hay tà áo. Đây cũng là thời điểm các họa sĩ nhận được nhiều đơn đặt hàng từ khắp nơi nên tác phẩm bình phong hai mặt “Đàn hươu trong rừng” và “Kim ngư” có thể chính là tác phẩm được làm bởi xưởng và dưới sự giám sát của Phạm Hậu để xuất đi. Việc này cũng từng được đề cập trong tuần báo Đông Dương số 22 ra ngày 6/2/1941 với bài viết "Maîtres-laqueurs de Hanoï", modèle similaire reproduit hors texte Oeuvre à rapprocher”.
Họa sĩ Phạm Hậu (1903 - 1994), tên đầy đủ Phạm Quang Hậu là một người con Hà Nội. Năm 1920 ông thi đỗ vào Trường Bách nghệ Hải Phòng - trường dạy nghề theo nguyên mẫu của châu Âu bấy giờ. Tại đây ông được đào tạo đầy đủ và bài bản qua các nghề từ tiện, nguội, đúc, hàn, phay, gò, đến cả nghề lái xe. Năm 1929, ông thi đỗ vào trường Mỹ thuật Đông Dương và học cùng các họa sĩ khác như Nguyễn Đỗ Cung, Trần Bình Lộc, Trần Ngọc Quyên, Nguyễn Văn Long, Phạm Văn Thuần, Trường Đình Hiến và Nguyễn Đình Thước,... Phạm Hậu sử dụng thành thạo hầu hết các loại chất liệu hội họa, ông đa phần vẽ về phong cảnh, đời sống dung dị của người dân và đặc biệt được biết đến là một trong những bậc thầy nổi tiếng về sơn mài.
Lê Quang - Le Auctions
05.03.2025