Mỹ thuật Mỹ thuật Đông dương

PHẠM HẬU - PHONG CẢNH NÚI RỪNG

Nghệ thuật Việt Nam

Họa sĩ Phạm Hậu (1903 - 1994), tên đầy đủ Phạm Quang Hậu là một người con Hà Nội. Năm 1920 ông thi đỗ vào Trường Bách nghệ Hải Phòng - trường dạy nghề theo nguyên mẫu của châu Âu bấy giờ. Tại đây ông được đào tạo đầy đủ và bài bản qua các nghề từ tiện, nguội, đúc, hàn, phay, gò, đến cả nghề lái xe. Năm 1929, ông thi đỗ vào trường Mỹ thuật Đông Dương và học cùng các họa sĩ khác như Nguyễn Đỗ Cung, Trần Bình Lộc, Trần Ngọc Quyên, Nguyễn Văn Long, Phạm Văn Thuần, Trường Đình Hiến và Nguyễn Đình Thước,... Phạm Hậu sử dụng thành thạo hầu hết các loại chất liệu hội họa, ông đa phần vẽ về phong cảnh, đời sống dung dị của người dân và đặc biệt được biết đến là một trong những bậc thầy nổi tiếng về sơn mài. Ngoài ra trong sự nghiệp của Phạm Hậu, ông còn tìm hiểu về nghệ thuật vẽ bút nhiệt trên gỗ (hay còn gọi là bút lửa), vốn là một kỹ thuật hiếm gặp trong hội họa và sáng tác với các chất liệu khác như lụa, màu nước, mực nho,...

Phạm Hậu (1903 - 1994)
Tác phẩm: Phong cảnh núi rừng
Năm sáng tác: khoảng 1934 - 1935
Kích thước: 30 x 41 cm
Chất liệu: Mực và màu nước trên giấy

So với sơn mài, các tác phẩm của Phạm Hậu được vẽ với chất liệu khác có số lượng khá ít và bức tranh phong cảnh này là một trong số đó. Tác phẩm được vẽ bằng chất liệu màu nước trên giấy theo lối thư họa lấy cảm hứng từ Trung Hoa, vừa khắc họa tinh thần phong cảnh vừa đề chữ bay bổng, phóng khoáng. Cách vẽ này thường được Phạm Hậu ứng dụng trong khoảng thời gian 1934, 1935. Trong tranh hiện ra khung cảnh thơ mộng nơi dòng nước chảy bên thiên nhiên hùng vĩ. Hình ảnh con người xuất hiện trên thuyền tam bản, sát mé bờ đang neo một chiếc bè nứa. Góc phải tranh có triện đỏ, ký tên Phạm Hậu và đề thư pháp chữ Hán liên quan tới cảnh núi, rừng. Cụ thể bên trái đề bút danh, ba từ ở giữa là "崇山林" (tạm dịch: Sùng Sơn Lâm), nghĩa là "rừng núi cao lớn". Bên phải có thể dịch thành "" (Tức: Độ Kiều), nghĩa là cây cầu để vượt qua, trong bối cảnh này có thể hiểu là qua sông. Tổng thể tác phẩm gợi nhiều liên tưởng về cảnh quan vùng núi Bắc Kỳ - nơi ông từng đặt chân đến để ghi chép lại những hình ảnh giàu tình cảm. Trước đây cũng cùng mô típ vẽ về phong cảnh Bắc Kỳ với những chiếc thuyền tam bản hay núi non trập trùng, Phạm Hậu đã có nhiều tác phẩm màu nước được trưng bày tại triển lãm Salon 1935 do Hội An Nam Chấn hưng Mỹ thuật và Kỹ nghệ (SADEAI) tổ chức tại Hà Nội. Ngoài ra ông cũng được lựa chọn 5 bức để gửi qua Pháp cho thầy Victor Tardieu phục vụ cho việc trưng bày trong cuộc triển lãm Pháp - Hải Ngoại (Le salon de la France d’Outre-Mer) năm 1935. Bức tranh này nhiều khả năng đã từng được ông sáng tác để gửi đi các cuộc triển lãm kể trên.

Lê Quang