Tin đấu giá

PHIÊN ĐẤU “BỘ SƯU TẬP MÙA THU QUÝ HIẾM” – TÁC PHẨM DANH HỌA LÊ PHỔ GÕ VƯỢT MỨC

Nghệ thuật Việt Nam

Phiên đấu nhà Ahler & Ogletree, Mỹ diễn ra trong hai ngày liên tiếp 10 và 11/10 đem đến trọn vẹn 750 tác phẩm quý giá từ khắp lục địa. Với số lượng Lot đấu khủng lồ của phiên, các tác phẩm được đem đến rất đa dạng và phong phú, đưa nhà sưu tập đi dạo một vòng lớn quanh nghệ thuật thế giới từ đồ trang trí nội thất đến trang sức, đồng hồ và hội họa. Trong phiên đặc biệt có sự góp mặt của tác phẩm “Những bông cúc trắng” từ danh họa Lê Phổ thành công gõ búa với mức giá cao.

 

“Những bông cúc trắng”- Lê Phổ, Sơn dầu trên lụa, kích thước: 50,2 x 64,7 cm

Giá gõ búa 50.000$, +25% phí đấu giá tương đương 62,500$.

Thị trường tranh Việt Nam đang dần nóng lên hơn bao giờ hết, tác phẩm từ những danh họa lớn như Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Mai Thứ,… được gõ búa với giá cao, khẳng định vị thế tranh Việt trong mắt bạn bè quốc tế nói chung và nhà sưu tầm Việt Nam nói riêng. Với những cách tiếp cận đối tượng đa dạng hơn từ các nhà đấu giá, sự xuất hiện phổ biến hơn của tranh VIệt cũng một lần nữa cho thấy thị trường tranh đang rục rịch thay đổi với sự xuất hiện của nhiều nhà sưu tầm mới sẵn sàng đầu tư cho đam mê nghệ thuật.

Bức họa của Lê Phổ 'Les Dahlias Blancs' (Những Bông Cúc Trắng) - khoảng năm 1972, sơn dầu trên lụa dán lên masonite, có chữ ký ở góc dưới bên phải, có tiêu đề và ghi chú 'New York, Wally F. No. 44' ở mặt sau. Được đóng khung tinh xảo. Tranh được Benjamin Hilborn Oehlert, Jr., đại sứ Hoa Kỳ tại Pakistan; mua từ Wally Findlay Gallery, Palm Beach năm 1972.

Lê Phổ (1907 - 2001), tốt nghiệp khóa I trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (l'École des Beaux-Arts d'Indochine). Hội họa của Lê Phổ thừa hưởng văn hóa đa dạng, kết hợp không chỉ từ mỹ cảm trong tranh lụa thời Đường, Tống ở Trung Hoa mà còn chịu nhiều ảnh hưởng của trào lưu hội họa Tây Phương. Khi còn theo học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nghệ thuật châu Âu cũng chính là góc tiếp cận về đường hướng kỹ thuật để từ đó các sinh viên phát huy bản sắc dân tộc trong hội họa. Dưới bảo trợ của chính quyền thuộc địa, tác phẩm của ông được đưa đi trưng bày ở Đấu xảo Paris năm 1931, mở ra cơ hội để ông nhận học bổng vào trường mỹ thuật tại Pháp và từ Pháp viễn du khắp trời Âu tìm hiểu nghệ thuật. Năm 1937 ông quyết định định cư tại Pháp.

Tổng hòa ở hội họa Lê Phổ là âm hưởng của sự kết hợp giữa hai nền văn hóa Đông Tây. Trong đó, Việt Nam hiện lên thông qua áo dài, khăn vấn hay mái tóc đen dài giữa một khung cảnh nhiều cây, hoa lá. Cùng với đó, những chủ đề tình cảm, lãng mạn, nhiều vọng ước và tâm tư như hoạt cảnh gia đình, tình mẫu tử, phơi phóng áo quần, đọc thư, đọc sách, tĩnh vật hoa cũng nhiều lần được ông khai thác trên hai chất liệu chủ đạo là màu dầu và tranh lụa.

Khánh Linh