Cổ vật

Rồng trên cổ vật qua sưu tập hiện vật Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Nghệ thuật Việt Nam

Rồng là hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của nhiều dân tộc trên thế giới, trong đó có dân tộc Việt Nam.

Rồng là hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của nhiều dân tộc trên thế giới, trong đó có dân tộc Việt Nam. Ở Việt Nam, hình tượng rồng được xuất hiện rất sớm vào buổi đầu dựng nước Văn Lang - Âu Lạc và trở thành biểu tượng linh thiêng gắn với Tổ Tiên, cội nguồn dân tộc. Nằm trong khu vực là cái nôi của nền văn minh lúa nước, rồng Việt Nam còn giữ vai trò là một Phúc thần

Trải qua tiến trình phát triển hơn 2 ngàn năm, hình tượng rồng trong nghệ thuật Việt Nam đã nhiều lần biến chuyển về đặc điểm, phong cách nghệ thuật, đồng thời mang thêm những ý nghĩa biểu tượng gắn với thần quyền, vương quyền và trở thành một trong những hình tượng chủ đạo của một số loại hình nghệ thuật Việt Nam. Trong kho tàng di sản văn hóa ấy, hình tượng rồng được thể hiện vô cùng sinh động và đa dạng trên mọi loại hình và chất liệu.

Trong lịch sử Việt Nam, biểu tượng rồng được xuất hiện đầu tiên từ văn hóa Đông Sơn, khoảng 2.500 - 2.000 năm cách ngày nay. Thời kỳ này, với đặc thù cư dân nông nghiệp ven các con sông lớn, “rồng” được hình dung lên từ con vật thân dài có vẩy như cá sấu còn gọi là “Giao long”. Giao long đã trở thành vật Tổ biểu trưng cho sức mạnh của cư dân Đông Sơn trong buổi đầu dựng nước Văn Lang - Âu Lạc, là biểu tượng thiêng liêng gắn với nguồn gốc “con Rồng, cháu Tiên” của dân tộc Việt Nam và là tín hiệu tốt lành cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Rồng được trang trí chủ yếu trên loại hình công cụ lao động, vũ khí như: rìu, giáo, qua đồng, phổ biến nhất là trên những tấm che ngực (hộ tâm phiến)…

Giao Long trang trí trên họng rìu đồng - Văn hóa Đông Sơn, 2500 - 2000 năm cách ngày nay

Giao Long (cá sấu) trang trí trên qua đồng - Văn hóa Đông Sơn, 2500 - 2000 năm cách ngày nay.

Giao Long trang trí trên tấm che ngực (hộ tâm phiến) đồng - Văn hóa Đông Sơn, 2500 - 2000 năm cách ngày nay.

Trong thời kỳ 10 thế kỷ đầu Công nguyên, văn hóa Việt Nam ảnh hưởng mạnh mẽ từ văn hóa Trung Hoa, hình tượng rồng có sự tiếp thu, tiếp tục phát triển. Có lẽ những hình tượng rồng xuất hiện/trang trí trên gương đồng hay bích đồng từ thời Đông Hán (thế kỷ 2 - 3 sau CN) hay trên tấm bia Trường Xuân thời Tùy (Tùy Đại Nghiệp, năm 618) có nội dung bia ghi về việc lập đạo tràng Bảo An (Phật giáo) ở quận Cửu Chân với trán bia trang trí hình rồng đấu lưng vào nhau là những hiện vật độc bản, quý hiếm và cho đến nay, đây là những hình tượng rồng đầu tiên nhưng rất hiếm hoi được phát hiện ở Việt Nam thời kỳ này.

Hình rồng đúc nổi trên gương đồng(Thế kỷ 3 - 4) - Phát hiện tại Nghi Vệ, Bắc Ninh

Hình rồng (Thanh Long) trong tứ linh/4 thần thú (Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước, Huyền Vũ) trang trí nổi trên bích đồng (Thế kỷ 1 - 3)

Hình rồng trang trí trên bia Trường Xuân (Thanh Hóa). Đá. Niên đại: Năm 618, triều Tùy Đại Nghiệp

Dưới thời quân chủ, rồng là linh vật biểu trưng của vua chúa nên hình tượng rồng gắn chặt với đời sống hoàng tộc. Rồng tượng trưng cho quyền uy tối thượng của các đấng Thiên tử. Từ thời Lý, hình tượng rồng đã được định hình và phổ biến. Lúc này, rồng không chỉ tượng trưng cho quyền lực hoàng gia, mà trước hết, hình tượng rồng là tượng trưng cho nguồn nước, ước vọng về sự sinh sôi, phát triển của cư dân trồng lúa, đó là sự phục hưng văn hóa dân tộc từ thời văn hóa Đông Sơn. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, hình tượng rồng cũng dần có sự thay đổi về mặt ý nghĩa và cũng được thể hiện qua biểu tượng nghệ thuật, tiêu biểu là các hình tượng nghệ thuật rồng thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Theo đó, Rồng ở mỗi loại hình trang trí/dạng thức thể hiện lại mang một ý nghĩa khác nhau. Từ chỗ biểu tượng rồng gắn với nguồn nước (sự tốt lành), quyền lực, cung đình (cao sang) mà dần mang ý nghĩa và trở thành biểu tượng gắn với những gì linh thiêng, thanh cao. Vì vậy, biểu tượng rồng thường được trang trí trên các kiến trúc cung đình, tôn giáo, tín ngưỡng; đồ thờ tự hoặc những đồ dùng thuộc tầng lớp quý tộc, cung đình (đồ ngự dụng).

Ở thời Lý - Trần, hình tượng rồng thường phổ biến trên trang trí kiến trúc (bệ kê chân cột, chi tiết trang trí kiến trúc bằng đá, gốm men, đất nung, gỗ…), đồ dùng sinh hoạt (đồ gốm, kim loại…), đồ thờ (bệ tượng thờ, nhạc khí…) với ý nghĩa biểu trưng cho cung đình, Phật giáo. Đặc điểm chung, phổ biến nhất hình tượng rồng thời Lý - Trần được thể hiện dưới dạng rồng - lá đề (rồng chầu lá đề, rồng trong hình lá đề, rồng tạo hình lá đề), trong đó, rồng thời Lý thường có 3 móng, thân trơn nhẵn, uốn nhiều khúc kiểu thắt túi, bờm bay về phía trước; rồng thời Trần thường có 4 móng, có vây, vẩy, sừng, các khúc uốn ít hơn và dãn dần…. Hình ảnh “Thăng Long” (rồng bay lên) thể hiện khí thế vươn lên và cường thịnh của dân tộc Việt Nam. Đó là hình ảnh đẹp, mang đậm ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Hình rồng trang trí trên kiến trúc hình lá đề (chi tiết trang trí kiến trúc). Đá. Thế kỷ 11 (năm 1056), thời Lý. Chùa Phật Tích (Bắc Ninh)

Hình rồng trang trí trên bệ tháp. Gốm men trắng. Thời Lý, thế kỷ 13.

Đầu rồng trang trí kiến trúc. Đất nung. Thời Lý, thế ky 11 – 13

Hình rồng trang trí trong nửa lá đề (chi tiết trang trí kiến trúc). Đất nung. Thời Trần, thế kỷ 13 – 14

Hình rồng trang trí trên đôi cánh cửa. Gỗ. Thời Trần, thế kỷ 13 - 14. Chùa Phổ Minh (Nam Định)

Rồng trang trí trên đôi đầu võng và bàn đạp yên ngựa. Đồng. Thời Trần, thế kỷ 13 - 14.

Sang thời Lê - Mạc - Lê Trung Hưng, hình tượng rồng càng phổ biến, được thể hiện phong phú, đa dạng trên nhiều loại hình, chất liệu khác nhau, gắn với cung đình (quyền lực), tôn giáo (Phật giáo, Nho giáo), tín ngưỡng và phổ biến ở những nơi tôn nghiêm, linh thiêng (chùa, đình, đền, miếu…). Đặc điểm mỹ thuật của hình tượng rồng cũng có sự thay đổi mạnh mẽ và phát triển đa dạng dưới các giai đoạn Lê Sơ, Mạc, Lê Trung Hưng với hình tượng rồng rồng 5 móng, 4 móng được phân chia theo quy định của triều đình khá nghiêm ngặt mà dựa vào đó, chúng ta có thể nhận biết được những đồ ngự dụng (với hình rồng 5 móng dành cho nhà vua) hay dành cho tầng lớp quý tộc, quan lại… Rồng thời Lê tượng trưng cho quyền uy phong kiến, trong đó, giai đoạn Lê Trung Hưng, hình tượng rồng còn gắn với/thuộc hệ thống tứ linh, tứ linh chỉ hướng mang đậm yếu tố linh thiêng. Bên cạnh đó, với những hình tượng rồng uốn hình yên ngựa, rồng mây đao lửa/đao mác, rồng đuôi cá… là những đặc điểm chung nhận diện cho hình tượng rồng thời kỳ này. Đồng thời, rồng còn được nhân cách hóa, được đưa vào đời thường như hình rồng mẹ có bầy rồng con quây quần, rồng đuổi, rồng chầu (chầu mặt trời, chầu mặt nguyệt, chầu hoa cúc…)...

Hình rồng trang trí trên gạch lát nền. Đất nung. Thời Lê Sơ, thế kỷ 15. Khai quật tại điện miếu Lam Kinh (Thanh Hóa)

Hình rồng trang trí trên diềm ngói. Gốm men vàng. Thời Lê Sơ, thế kỷ 15. Khai quật tại điện miếu Lam Kinh (Thanh Hóa)

Hình rồng trang trí trên đĩa gốm hoa lam. Thời Lê Sơ, thế kỷ 15 (Hiện vật khai )quật tàu đắm cổ Cù Lao Chàm, Hội An, Quảng Nam

Hình rồng trang trí trên gạch (Đất nung). Thời Mạc, thế kỷ 16. Phát hiện tại chùa Sổ

Hình rồng trang trí trên cánh cửa gỗ. Thế kỷ 17, thời Lê Trung Hưng. Chùa Keo, Thái Bình

Lư hương gốm men nâu trang trí đắp nổi tứ linh: long, ly, quy, phụng. Triều Lê Trung Hưng, TK 17 - 18

Đến thời Nguyễn, trên cơ sở nền tảng thừa kế cả về ý nghĩa biểu tượng và nghệ thuật tạo hình rồng từ những thời kỳ trước, rồng thời Nguyễn còn được thể hiện theo những quy định càng chặt chẽ, nghiêm ngặt hơn. Đặc biệt, quy định sử dụng số lượng hình rồng trên trang phục của vua chúa, quý tộc, quan lại… là đặc điểm khác so với thời kỳ trước đó. Rồng thời Nguyễn có dáng vẻ uy nghi, được thể hiện rất đa dạng, phong phú và mang nhiều ý nghĩa biểu tượng cho sức mạnh thiêng liêng, tốt lành, tiêu biểu như: rồng ẩn hiện trong mây (long vân), rồng ổ (viên long), rồng ngậm chữ Thọ, rồng chầu mặt trời/chầu mặt nguyệt/chầu hoa cúc/chầu chữ Thọ, rồng biểu tượng cho cặp đôi (long - phụng). Đặc biệt, biểu tượng rồng bay lên trong “Đại Nam lịch đại long phi đồ” (bản đồ nước Đại Nam hình rồng bay), một lần nữa tiếp tục thể hiện vị thế quốc gia, khẳng định khí thế vươn lên và cường thịnh của nước Đại Nam, dân tộc Việt Nam...

Quai ấn hình rồng (viên long) (Ấn vàng “Sắc mệnh chi bảo”). Niên đại: năm Minh Mệnh thứ 8, thời Nguyễn (1827).

Tượng rồng vàng. Niên đại: năm thứ 2 niên hiệu Thiệu Trị, thời Nguyễn (1842)

Hình rồng trang trí trên bìa kim sách. Vàng. Niên đại: năm thứ 5 niên hiệu Gia Long, thời Nguyễn (1806)

Tranh Đại nam lịch đại long phi đồ. (Bản đồ nước Đại Nam hình rồng bay). Giấy dó vẽ nhiều màu. Niên đại: năm thứ 3 niên hiệu Đồng Khánh, thời Nguyễn (1888)

Đôi rồng chầu mặt trời trang trí trên biển. Gỗ sơn son thếp vàng. Thời Nguyễn, thế kỷ 19 – 20

Chân đèn hình tòa cửu long (9 rồng). Sắt. Đầu thế kỷ 20, thời Nguyễn

Phải nói rằng, biểu tượng rồng xuất hiện trên rất nhiều di sản văn hóa Việt Nam và rất phong phú, đa dạng, tần suất xuất hiện khá dày đặc. Rồng là biểu tượng linh thiêng và quyền lực song lại rất gần gũi với đời sống con người. Rồng có vị trí đặc biệt trong đời sống văn hóa, chính trị và tinh thần của người Việt Nam. Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, hình tượng rồng đã được hình thành, biến đổi và in dấu đậm nét trên các hiện vật lịch sử mà các cơ quan, đơn vị, nhà khoa học đã nghiên cứu phát hiện, sưu tầm, lưu giữ và phát huy, trong đó có Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Nhân dịp tết cổ truyền Giáp Thìn 2024, với mong muốn đem đến cho độc giả thêm một cách tiếp cận bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam, tác giả xin giới thiệu biểu tượng Rồng trên cổ vật Việt Nam thông qua một số hiện vật hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia với các chất liệu, loại hình khác nhau, từ đó giúp độc giả có cái nhìn đa chiều và hiểu rõ hơn về lịch sử hình thành, phát triển và ý nghĩa của hình tượng rồng trong suốt tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam đồng thời hiểu rõ hơn về các giai đoạn phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam thông qua sự biến đổi của hình tượng rồng.

Nguyễn Thị Thu Hoan

Bảo tàng Lịch sử quốc gia