Văn hóa

Thú chơi tranh Tết

Nghệ thuật Việt Nam

Từ xa xưa, khi mỗi mùa xuân về cũng là “mùa tranh Tết” đến, khắp phố phường, làng mạc bừng lên sắc thắm của hoa đào, chính là lúc người người, nhà nhà đi chợ sắm tranh Tết để trang hoàng nhà cửa, đồng thời gửi gắm ước vọng vào một năm mới thịnh vượng, an lành.

Bởi tranh Tết vừa là thú chơi tao nhã, vừa góp phần không nhỏ bảo tồn văn hóa dân tộc. Dân gian có câu “Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ mộc”, ý nói đến các thú chơi hàng đầu của người Việt trong dịp Tết Nguyên đán có từ bao đời nay. Thú chơi tranh trong những ngày Tết đến xuân về, với sắc màu rực rỡ, đường nét độc đáo, không chỉ mang lời chúc năm mới an khang, thịnh vượng, mà còn là một phong tục cổ truyền đẹp, một phần hồn Việt trong lành và nhân hậu.

Tranh Tết dân gian có nhiều thể loại: tranh tín ngưỡng, tranh chúc tụng, tranh cầu phúc - lộc - thọ, tranh trấn trạch, tranh lịch sử, tranh châm biếm, tranh phong cảnh... Đã là tranh treo Tết nên bao giờ cũng mang một nội dung cầu chúc cho những gì tốt đẹp nhất và ước vọng một năm mới tràn đầy hạnh phúc viên mãn. Mỗi bức tranh dân gian đều mang một ý nghĩa nhân sinh riêng, biểu hiện nhiều góc độ tâm trạng của con người.

Để hiểu rõ ngọn ngành, tường tận nguồn gốc của thú chơi tranh Tết của người Việt cần hiểu qua vài nét về sự ra đời của dòng tranh này. Theo văn hóa tín ngưỡng, sự hình thành tranh dân gian Việt Nam có từ rất sớm, gắn với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và dựa trên các vị thần truyền thuyết vốn đã được nhân hóa từ các hiện tượng thiên nhiên.

"Phú quý"

Theo các nguồn sử liệu, vào thời Lý (1010 – 1225), do nhu cầu sắm sửa và sưu tầm tranh dân gian cho các dịp lễ, Tết, thờ cúng đã hình thành nên một số gia đình chuyên làm nghề khắc ván in và thậm chí cả một làng chuyên làm nghề khắc ván và in tranh.

Đến thời Trần (1225 – 1400), hội họa phát triển rực rỡ, nhiều hình chạm nổi, khắc chìm có niên đại Trần hoặc mang phong cách nghệ thuật Trần. Những hình chạm nổi, khắc chìm trên các chất liệu gốm, gỗ và đá vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Trong đó có một số hình được in trên giấy với các đường nét tưởng như được vẽ bằng bút. Đó là một trong những hình thức của sự phát triển in ấn tranh trong lịch sử Việt Nam

Ở thời Lê sơ (1428 – 1527), vào thế kỷ XV, người Việt tiếp thu có cải tiến kỹ thuật khắc ván in của Trung Quốc. Cũng từ đây trong dòng chảy của tranh dân gian Việt Nam bắt đầu có một sự phân hóa để ngày càng phát triển.

Đám cưới chuột

Trong quá trình phát triển nghề in khắc gỗ việc sản xuất tranh dân gian ngày một mở rộng ở nhiều địa phương. Trong đó có một số địa phương trở thành trung tâm sản xuất tranh khắc gỗ dân gian nổi tiếng như: Đông Hồ (Bắc Ninh), Hàng Trống (Thăng Long - Hà Nội), Kim Hoàng (Hà Tây, nay là Hà Nội), Nam Hoành (Nghệ An), Sình (Huế)...

Dưới thời Mạc (thế kỷ XVI) tranh dân gian phát triển cực mạnh, được các tầng lớp quý tộc ở kinh thành Thăng Long sử dụng nhiều vào dịp Tết, mà bài thơ dưới đây là một minh chứng:

Chung quỳ khéo vẽ nên hình

Bùa đào cấm quỷ, phòng linh ngăn tà

Tranh vẽ gà cửa treo thiếp yểm

Dưới thềm lầu hoa điểm Thọ Dương

Sang thế kỷ XVIII – XIX, tranh dân gian Việt Nam vẫn ổn định và phát triển cao. Tranh dân gian có nhiều dòng, trong đó đáng chú vẫn là tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng và tranh làng Sình... chủ yếu phục vụ nhu cầu mua sắm để trang trí ngày Tết của nhân dân.

Thời gian mua tranh trang hoàng ngày Tết mang ý nghĩa đặc biệt vừa là để “Tống cựu, nghênh tân”, vừa ước mong một năm mới đầy đủ, sung túc.

Cứ mỗi độ xuân về Tết đến, tranh Tết xuất hiện làm cho không khí chào đón năm mới thêm náo nức, tưng bừng. Sau ngày ông Công ông Táo, dù nhà giàu hay nghèo đều đi chợ mua những bức tranh Tết với hy vọng đón vinh hoa phú quý về nhà.

Mẹ con đàn lợn

Trong đời sống tinh thần của người Việt, trước khi du nhập văn minh phương Tây, thì tranh dân gian chiếm vị thế chủ đạo. Tranh Tết dân gian rất phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức. Về nội dung thông thường là thông điệp, lời chúc năm Mới “phát tài, phát lộc”, “vạn sự như ý”. Những bức tranh Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng... thường được dân chúng chọn lựa mua sắm trong ngày Tết.

Xưa kia, các gia đình ở nông thôn đa phần là nhà tranh, vách đất nên họ thường mua những tờ tranh khổ nhỏ để trang trí, các gia đình thành phố, việc treo tranh, chơi tranh còn là vật trang trí để tạo nên một không gian sang trọng, quý phái thể hiện cái lễ giáo, gia phong, đẳng cấp của gia đình...

Tranh Ngũ hổ

Ngày Tết, trước cổng nhà người Việt thường dán hai bức tranh: “Tiến tài” và “Tiến lộc”, với mong muốn được hưởng tài lành, phúc ấm cho gia chủ. Nhưng cũng có nhà trước cổng trang trí cặp tranh “Thần hộ mệnh”, là những vị tướng nhà trời, nhằm xua đuổi ma quỷ, bảo vệ cho gia đình một năm an khang, thịnh vượng.

Trong nhà thường trang trí nhiều tranh với những đề tài được ưa chuộng trong dịp Tết như tranh “Mẹ con đàn gà”, “Mẹ con đàn lợn”, với mong muốn gia đình đông vui, thuận hòa, khát vọng sung túc, đầy đủ cả năm.

Cũng có gia đình treo tranh “Vinh hoa, phú quý”, với cậu bé mũm mĩm tươi như hoa ôm gà, ôm vịt, tượng trưng cho điềm phúc, hoặc treo tranh “Tố nữ” thể hiện vẻ đẹp, dịu dàng, thân thiện giữa con người và thiên nhiên hay treo tranh “Tứ quý”, ước vọng bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông luôn tràn ngập niềm vui. Tranh “Lý ngư vọng nguyệt” (Cá chép trông trăng), với ước mong con cháu học hành đỗ đạt như cá chép vượt vũ môn hóa rồng.

Cá chép trông trăng

Cũng có người trang trí tranh “Thất đồng”, với 7 em bé vui chơi dưới cây đào tiên đang ra hoa kết trái, nhằm thỏa mãn mong ước của con người về một cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc...

Bên cạnh những bức tranh Tết mang đậm sắc thái văn hóa tâm linh của người Việt, mọi người còn dành vị trí trang trọng trong nhà để chào đón Năm Mới bằng những bức vẽ con giáp đại diện cho năm. Chẳng hạn vào năm Sửu (trâu), người ta chọn bức tranh “Chăn trâu thả diều” hay “Chăn trâu thổi sáo”. Những bức tranh được chọn có nội dung và hình thức đẹp thuần túy, mộc mạc, phản ảnh nét sinh hoạt lao động của người nông dân trong khung cảnh làng quê thanh bình.

Tranh gà Kim Hoàng

Đầu năm mới, cũng là dịp sửa soạn làm mới bàn thờ tổ tiên, do vậy các tranh mang đề tài tín ngưỡng cũng được mọi người chọn mua như tranh “Tam đa thánh mẫu” hay tranh “Tứ phủ” hoặc tranh “Ngũ quả” cũng được chọn trang trí tường nhà.

Màu sắc tranh Tết rất rực rỡ khơi gợi cảm giác mới mẻ, ấm cúng, rộn rã sắc xuân trong mỗi gia đình.. Tranh Tết cũng là nơi lưu giữ những giá trị tâm linh sâu sắc của người Việt. Chính vì thế, nó là một phần không thể thiếu trong không gian ngày Tết cổ truyền.

Song cũng phải thừa nhận rằng, khi xã hội phát triển, sự hội nhập văn hóa phương Tây đã làm cho thú chơi tranh dân gian truyền thống có phần mai một. Bởi thị hiếu của người tiêu dùng theo thời gian cũng đã thay đổi, làm cho dòng tranh Tết dân gian mất chỗ đứng. Tuy nhiên những năm gần đây thú chơi tranh dân gian vào dịp Tết đang có xu hướng quay trở lại dù không sôi động và phổ biến như xưa. Điều đó thể hiện nét đẹp truyền thống đang ăn sâu vào tâm thức của người Việt và đã trở thành một tập quán, một phong tục đẹp, nên không dễ gì lãng quên được. Và điều đó cũng chứng tỏ sức sống mãnh liệt của dòng tranh dân gian truyền thống.

Tuy vậy, với sự phát triển của xã hội, khi mà khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão, nên ngày nay để phù hợp với cuộc sống thực tế, các dòng tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng, Nam Hoành, Sình... cũng đã có những thay đổi đặc sắc về hình thức. Vẫn là những bức tranh truyền thống xưa kia, thay vì được in trên giấy điều, giấy dó, giấy điệp... nay được thể hiện trên các vật liệu cao cấp khác nhau, đắt giá, phù hợp với thị hiếu của công chúng như tranh đồng, tranh gốm sứ, tranh khảm trai, tranh chạm khắc gỗ, tranh thêu, tranh đá quý... Sự thay đổi chất liệu đó không làm mất đi vẻ đẹp vốn có của tranh dân gian truyền thống, ngược lại còn tạo cho chúng một lượng sinh khí mới, sức sống mới, hơi thở mới. Tranh dân gian hiện nay vẫn luôn được các học giả, các nhà sưu tập tranh trong nước và nước ngoài đánh giá cao về giá trị nghệ thuật.

Cùng với những thăng trầm lịch sử, có dòng tranh phát triển mạnh, nhưng cũng có dòng tranh theo thời gian mai một, giờ chỉ còn trong ký ức. Tranh dân gian không còn ở thời cực thịnh, nhưng thú chơi tranh của những người yêu nét đẹp dung dị, mộc mạc của những bức tranh dân gian thì vẫn còn. Đặc biệt khi đời sống vật chất ngày càng sung túc, quan niệm “ăn Tết”, đã chuyển dần sang “chơi Tết”, thì cách chơi tranh ngày Tết cũng phong phú, đa dạng hơn.

Trần Mạnh Thường