Tin đấu giá

TẠI PHIÊN ĐẤU GIÁ SOTHEBY’S HONG KONG: TRANH CÁC HỌA SĨ VIỆT NAM GÕ BÚA TRIỆU ĐÔ

Nghệ thuật Việt Nam

Mới đây, hai phiên đấu giá ngày 5, 6 tháng 4 tại Sotheby’s Hong Kong diễn ra với sự góp mặt của các tác phẩm danh giá đến từ những họa sĩ triệu đô của Việt Nam, kể đến như: Phạm Hậu, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm. Những bức tranh đã thành công gõ búa với các mức giá cao như thường lệ.

Phiên đấu tối ngày 5 tháng 4 với sự góp mặt của hai tác phẩm nghệ thuật Việt Nam – tranh Phạm Hậu, Lê Phổ trong phiên đấu giá Modern & Contemporary Evening Auction. Phiên gồm 41 tác phẩm tiêu biểu của nghệ thuật Á và Âu, cả hiện đại lẫn hậu chiến.

Phạm Hậu (Phạm Quang Hậu) sinh năm 1903 trong một gia đình nghèo đông con tại làng Đông Ngạc, còn gọi là làng Vẽ, thuộc phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc huyện Từ Liêm, thủ đô Hà Nội). Sớm mồ côi cha mẹ lúc tuổi nhỏ, nên ông phải sống nương tựa vào gia đình người thân trong họ tộc, trải qua thời niên thiếu hết sức khó khăn. Năm 17 tuổi, chàng trai Phạm Hậu thi vào Trường Bách nghệ Hải Phòng và trải qua bốn năm học tại trường dạy nghề này. Năm 1929, Phạm Hậu thi đậu vào Trường Mỹ thuật Đông Dương, học khóa 5 của trường, học cùng khóa với Nguyễn Đỗ Cung, Trần Bình Lộc. Sự nghiệp cũng ông cũng thăng hoa từ đó.

“View of a Famous Old Pagoda’s landscape in North Vietnam”, Phạm Hậu, kích thước 104 x 183 cm

Bức “View of a Famous Old Pagoda’s landscape in North Vietnam” (Quang cảnh một ngôi chùa cổ nổi tiếng ở miền Bắc Việt Nam) của Phạm Hậu vừa được nhà Sotheby’s đấu giá thành công vượt mức trong phiên đấu giá Modern & Contemporary Evening Sale.
Bức bình phong sơn mài này của Phạm Hậu có giá ước định từ 2.000.000 đến 3.000.000 HKD. Tác phẩm được thực hiện trong những năm 1930, bao gồm 6 tấm vóc ghép lại thành bình phong hình chữ nhật có kích thước 104 x 183 cm (104 x 30,5 cm mỗi tấm)

Cùng tham gia phiên đấu giá ngày 5 tháng 4 mới đây là một tác phẩm của Lê Phổ “Bouquet de fleurs” (Bó hoa). Ông là họa sĩ Pháp gốc Việt có nhiều tranh đắt giá trên thị trường hội họa hiện nay. Trước đó, một số tác phẩm của ông vượt ngưỡng triệu USD như: ”Gia đình trong vườn” có giá 2,37 triệu USD, “Dáng hình trong vườn” giá 2,29 triệu USD, “Khỏa thân” giá 1,39 triệu USD, “Trà và Đồng điệu và Thiếu nữ bên hoa mẫu đơn” đạt giá 1,36 triệu USD, “Uyên ương hý liên” đạt giá 1,28 triệu USD. Các tác phẩm của ông đều được giới sưu tầm tranh ra sức tìm mua, không giới hạn trong chất liệu, kể cả lụa lẫn sơn dầu.

Hội họa của Lê Phổ thừa hưởng văn hóa đa dạng, kết hợp không chỉ từ mỹ cảm trong tranh lụa thời Đường, Tống ở Trung Hoa mà còn chịu nhiều ảnh hưởng của trào lưu hội họa Tây Phương. Khi còn theo học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nghệ thuật châu Âu cũng chính là góc tiếp cận về đường hướng kỹ thuật để từ đó các sinh viên phát huy bản sắc dân tộc trong hội họa. Dưới bảo trợ của chính quyền thuộc địa, tác phẩm của ông được đưa đi trưng bày ở Đấu xảo Paris năm 1931, mở ra cơ hội để ông nhận học bổng vào trường mỹ thuật tại Pháp và từ Pháp viễn du khắp trời Âu tìm hiểu nghệ thuật. Năm 1937 ông quyết định định cư tại Pháp.

Tổng hòa ở hội họa Lê Phổ là âm hưởng của sự kết hợp giữa hai nền văn hóa Đông Tây. Trong đó, Việt Nam hiện lên thông qua áo dài, khăn vấn hay mái tóc đen dài giữa một khung cảnh nhiều cây, hoa lá. Cùng với đó, những chủ đề tình cảm, lãng mạn, nhiều vọng ước và tâm tư như hoạt cảnh gia đình, tình mẫu tử, phơi phóng áo quần, đọc thư, đọc sách, tĩnh vật hoa cũng nhiều lần được ông khai thác trên hai chất liệu chủ đạo là sơn dầu và tranh lụa.

“Bouquet de fleurs” (Bó hoa ) ”,Lê Phổ, kích thước 50 x 38 cm

Bên cạnh đó, ngay trong ngày tiếp theo 6 tháng 4, phiên đấu “Modern Day Art” những bức tranh khác của Lê Phổ, Vũ Cao Đàm tiếp tục được lên sàn và gõ búa thành công. Ngoài ra, tranh Joseph Inguimberty - thầy Pháp - người đã có công lớn trong công cuộc xây dựng nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại- cũng đã góp mặt trong phiên đấu lần này một tác phẩm “Cánh đồng lúa” khổ lớn 80 x 100 cm, sơn dầu trên vải.

“Nature morte ” Lê Phổ kích thước 79.7 x 51 cm, sơn dầu trên lụa bồi bảng gỗ.
“Fleurs” Lê Phổ kích thước 92 x 65 cm, sơn dầu trên vải.
“Chiến binh” Vũ Cao Đàm, 73.3 x 60.2 cm, sơn dầu trên vải.

Lot đấu với bức “Vô đề” của họa sĩ Vũ Cao Đàm đã thành công giao dịch. Soi chiếu từ khía cạnh du nhập, phản tư và giao thoa văn hóa với Tây phương, các sáng tác của Vũ Cao Đàm là sự nối dài của hai nền văn hóa trên hành trình khai phá ngôn ngữ nghệ thuật của ông với những chủ đề gần gũi. Vũ Cao Đàm (1908 - 2000), tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và rời Việt Nam bắt đầu hành trình viễn du năm 1931. Ông nhận học bổng du học tại Trường Mỹ thuật ở Bảo tàng Louvre Pháp (L'École du Louvre) năm 1932. Trong sự nghiệp nghệ thuật của Vũ Cao Đàm, có hai địa hạt ông nhận được nhiều đánh giá cao của giới chuyên môn là điêu khắc (tượng đất nung, tượng đồng khắc họa chân dung thiếu nữ, bè bạn, người thân, các giảng viên, con vật,...) và tranh vẽ trên chất liệu đa dạng, mang ảnh hưởng từ nhiều nguồn văn hóa khác nhau.

Hội họa của Vũ Cao Đàm cân bằng giữa nhiều quan sát của ông trong những chuyến thăm thú để nghiên cứu ngôn ngữ thực hành với nền tảng hình khối vững của điêu khắc. Có một thời gian do sống ở vùng Vence, được tiếp xúc với những danh họa như Henri Matisse và Marc Chagall nên các sáng tác của ông cũng tiếp nhận một phần ảnh hưởng. Song song với kỹ thuật vẽ ngày càng được tinh luyện, ông thường xuyên tìm về để khắc họa những hình ảnh đậm nét dân tộc như hình ảnh phụ thân trang nghiêm, thiếu nữ đàm đạo, tình mẫu tử và một số hình ảnh mô phỏng trích đoạn trong thơ văn như “Chinh Phụ Ngâm” của Đặng Trần Côn hoặc danh tác “Truyện Kiều” của Nguyễn Du.

“Padi fields” Joseph Inguimberty, kích thước 80 x 100 cm, sơn dầu trên vải.

Nói về Joseph Inguimberty, ông là trưởng khoa hội họa của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương từ 1925 tới 1946 của trường tui Mỹ Thuật Đông Dương sau đổi tên thành trường Đại Học Mỹ Thuật Việt Nam. Ông là người vẽ ra phong cách mà sau này người ta gọi là Mỹ thuật Đông Dương các thế hệ sau kế thừa thừa và phát triển ảnh hưởng rộng lớn có thể nói là một mảng đặc trưng của hội họa trên thế giới - Giới chuyên môn hay gọi thân mật là các họa sĩ Đông Dương. Sau này người đời nhớ về đóng góp lớn nhất của Inguimberty đối với mỹ thuật Việt Nam chính là việc ông đã cùng với các học trò của mình thử nghiệm ở dòng tranh sơn mài - dòng tranh đã trở thành điểm nhấn đặc biệt của hội họa Việt Nam đối với hội họa thế giới.

Khánh Linh