Thừa hưởng nền giáo dục từ nhiều danh sư như Victor Tardieu, Joseph Inguimberty, George Khánh, Rene Mécier, Nam Sơn,... sau khi ra trường, Tôn Thất Đào được bổ nhiệm dạy hội họa tại Trường Trung học Khải Định, Trung học Quốc Học, Trường Đồng Khánh,...Ngoài ra, ông cũng từng được bổ nhiệm là Giám đốc đầu tiên của Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Huế (nay là trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế) và có thời gian được chính phủ lâm thời mời vào Đại Nội dạy hội họa cho thái tử Bảo Long (dưới thời vua Bảo Đại). Ông với tâm huyết của mình đã truyền cảm hứng lớn tới các thế hệ hoạ sĩ kế cận không chỉ ở Huế mà còn ở khắp nơi. Đồng thời, sự nghiệp nghệ thuật cũng mang lại cho ông nhiều trái ngọt như Huy chương Vàng trong các cuộc đấu xảo Hội chợ Mỹ phẩm Huế năm 1938; Huy chương Long - Bội Tinh 1942; Huy chương Kim Khánh 1943; Giấy khen về tác phẩm tranh lụa tại Vatican 1952; Văn bằng Đấu xảo Mỹ thuật Hà Nội 1938, Cao Miên 1939, Nhật Bản 1940, Sài Gòn 1945, Vatican 1950 và 1952,…
Trong địa hạt hội họa, Tôn Thất Đào là người nghiên cứu tỉ mỉ. Cách bố cục tranh của ông chia rõ chính phụ và các yếu tố khác như tính linh hoạt, sự cân bằng nặng nhẹ, sáng tối, độ hài hòa,... song hành cùng chuẩn mực gạt bỏ đi những gì thừa thãi, rườm rà, những thứ khiến thông điệp tác phẩm trở nên bất nhất. Trên bất cứ chất liệu nào từ sơn dầu, thủy mặc, chì than, bột màu, lụa, phấn tiên, Tôn Thất Đào đều giữ tinh thần quan sát tinh lọc, tôn trọng nguyên tắc căn bản. Thế mạnh của ông thường xoay quanh cái trữ tình của phong cảnh, ở dáng người thiếu nữ cố đô và ở cốt cách rất hoài niệm, nhẹ nhàng sâu lắng đậm chất Huế được đưa vào cùng hệ thống chủ thể đa dạng.
Tác phẩm: Chân dung thiếu nữ (1959)
Chất liệu: Sơn dầu trên toan
Tác phẩm sơn dầu trên toan vẽ chân dung cô gái được Tôn Thất Đào sáng tác năm 1959, trong khoảng thời gian ông công tác tại Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Huế. Bức tranh mang tông màu xám trầm, áp dụng triệt để quy tắc về sắc độ và ánh sáng. Trong bút pháp vẽ có sự chính xác của đường nét, tinh thần của hội họa sơn dầu Tây phương trong dáng hình người con gái đương thời.
Lê Quang