Triển lãm Triển lãm trong nước

Triển lãm Mỹ thuật thủ đô năm 2023, có gì mới ?

Nghệ thuật Việt Nam

Vào tháng 10 hàng năm, Hội Mỹ thuật Hà Nội tổ chức Triển lãm Mỹ thuật thủ đô chào mừng ngày Giải phóng Thủ đô 10/10. Đây là ngày hội lớn của giới mỹ thuật thủ đô, và có ý nghĩa chính trị quan trọng. Triển lãm tổng kết hoạt động mỹ thuật của giới mỹ thuật thủ đô trong một năm qua, giới thiệu với công chúng yêu mỹ thuật những thành quả đạt được, bằng việc trưng bày những tác phẩm hội hoạ, đồ hoạ và điêu khắc tiêu biểu của anh, chị em nghệ sĩ. Triển lãm trưng bày 260 tác phẩm trong đó có 229 tác phẩm hội hoạ, đồ hoạ và 31 tác phẩm điêu khắc, được Hội đồng Nghệ thuật tuyển chọn từ hơn 365 tác phẩm của các hoạ sĩ hội viên và chưa là hội viên gửi tới.

Triển lãm Mỹ thuật thủ đô luôn phong phú về đề tài: phong cảnh Hà Nội, lễ hội, chân dung, hoa, phong cảnh miền núi… Đề tài lịch sử có Hà Nội năm 1946, Hà Nội những năm đánh Mỹ, chiến thắng máy bay B52 cũng tạo nhiều cảm xúc cho các hoạ sĩ và nhà điêu khắc. Hình tượng Bác Hồ cũng được một số hoạ sĩ say mê thể hiện. Bên cạnh sự đa dạng về đề tài, thì sự phong phú về chất liệu: sơn mài, sơn dầu, lụa, acrylic, tranh in độc bản, vẽ bằng bút bi… Tranh sơn mài có nhiều tác phẩm đẹp, có kích thước lớn. Số lượng tranh sơn mài nhiều hơn mọi năm. Chất liệu lụa cũng được nhiều hoạ sĩ đầu tư công phu, và có nhiều tác phẩm đẹp chạm đến trái tim người xem. Mảng điêu khắc chủ yếu là tượng salon với các chất liệu: gốm, gỗ, đồng, kim loại, composite … Các tác giả đã sử dụng ngôn ngữ điêu khắc độc đáo, để thể hiện các ý tưởng cá nhân.

Hoa Bích Đào – B52, sắt hàn, 80x120cm. Giải B

Để có được những tác phẩm rực rỡ sắc màu trong triển lãm hôm nay, chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội Nguyễn Xuân Thủy và Ban chấp hành Hội Mỹ thuật Hà Nội đã tổ chức nhiều trại sáng tác tại Nha Trang, Thanh Hoá, Tam Đảo, Móng Cái… Và được sự hưởng ứng nhiệt tình của các hoạ sĩ nhà điêu khắc… Rồi những chuyến đi tham quan thực tế sáng tác một ngày với đông đảo các hoạ sĩ hội viên tham gia.

Số tác phẩm gửi đến tham gia triển lãm năm nay không nhiều như năm ngoái. Vì năm nay có triển lãm điêu khắc toàn quốc 5 năm (diễn ra tháng 9), nên phần lớn các tác phẩm điêu khắc của cả nước và của Hà Nội đều tập trung gửi đến đây. Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng tổ chức triển lãm của các hoạ sĩ cao tuổi cùng thời gian với Triển lãm của Hội Hà Nội, nên nhiều hoạ sĩ cao tuổi đã gửi tác phẩm đến trưng bày ở Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền. Có một điểm mới là ở các triển lãm những năm trước, các hoạ sĩ cao tuổi từ 70 trở lên được miễn duyệt tranh. Nhưng năm nay các hoạ sĩ cao tuổi cũng phải xét duyệt tranh bình đẳng như các hoạ sĩ mọi lứa tuổi. Điều đó cũng làm cho số lượng các hoạ sĩ cao tuổi tham gia triển lãm ít đi.

Năm nay chất lượng nghệ thuật của các tác phẩm không cao bằng năm ngoái. Nhiều hoạ sĩ lứa tuổi 8x, 9x không gửi tác phẩm tham gia triển lãm. Bởi đã có nhiều nơi trưng bày triển lãm thu hút giới hoạ sĩ trẻ như: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, và các Gallery tư nhân lớn nhỏ tại Hà Nội. Đó là tín hiệu tốt cho phong trào mỹ thuật thủ đô đã và đang hoạt động mạnh mẽ, sôi nổi.

Triệu Khắc Tiến – Quê nhà, sơn mài, 80x120cm. Giải C

Triển lãm MTTĐ có một số tác phẩm để lại ấn tượng mạnh mẽ cho đông đảo người thưởng thức Mỹ thuật, đó là tác phẩm “B52”, sắt hàn, sơn màu của Hoa Bích Đào. Với ngôn ngữ điêu khắc cô đọng, và cách thể hiện tối giản, giàu ngữ nghĩa tạo hình. Chị đã thể hiện được tinh thần của chiến thắng B52 của quân và dân Hà Nội vào mùa đông năm 1972. Mặt trực diện của tác phẩm chính là hình ảnh cô du kích nhỏ giương cao súng, tên Mỹ lênh khênh bước cúi đầu. Đây là một tác phẩm điêu khắc hay về ý nghĩa, , tài hoa về kỹ thuật tạo hình và đạt giải B.

Là phó chủ nhiệm khoa hội hoạ, dạy chuyên ngành sơn mài, bận giảng dạy sinh viên, nhưng hoạ sĩ Triệu Khắc Tiến đã gửi đến triển lãm tác phẩm “Quê nhà”, sơn mài. Bức tranh phong cảnh làng quê, xanh ngát màu xanh của cỏ cây, hoa, lá. Màu xanh là màu khó xử lý nhất trong bảng màu của tranh sơn mài. Dãy núi màu xanh đậm, những cây chuối màu xanh ngắt, cánh đồng màu vàng, vẫn điểm màu xanh, con đường màu vàng, rợp bóng cây màu xanh. Tranh “Quê nhà” của hoạ sĩ là một bữa tiệc màu sắc rực rỡ, với kỹ thuật sơn mài đỉnh cao, nhuần nhuyễn, đã đem đến cho người xem sự thư thái, thanh thản trong tâm hồn, gợi nhớ về miền quê yêu dấu của mỗi chúng ta. Nếu như các hoạ sĩ thời Mỹ thuật Đông Dương, đa số dùng màu vàng rực rỡ để tả bụi chuối thì Triệu Khắc Tiến làm ngược lại, anh dùng màu xanh là màu chủ đạo, vẽ chuối, cây, và núi… và màu xanh ngút ngát đã gây ấn tượng mạnh cho người thưởng thức.

Tạ Lan Chi – Xóm trọ lao động, sơn dầu. Giải Khuyến khích

Khánh Châm – Phiên chợ vùng cao, khắc gỗ. Giải Khuyến khích

Tác phẩm “Xóm trọ lao động” của nữ hoạ sĩ trẻ Tạ Lan Chi. Em tả một nhóm thanh niên ở xóm lao động sau giờ làm việc. Chi tâm sự đó là những thanh niên ngoại tỉnh ra Hà Nội làm thuê, lao động chân tay rất vất vả. Em không miêu tả lúc họ làm việc, mà đi sâu khai thác những sinh hoạt thường nhật sau giờ lao động. Những người đàn ông, và các chàng trai trẻ với những tấm lưng trần vạm vỡ, body rất đẹp. Người phơi quần áo, người bê rổ rau, người đang hút thuốc, tất cả các chàng trai đều rắn chắc, khoẻ mạnh, trẻ đẹp. Lan Chi tả ánh sáng rất đẹp, hình hoạ chắc chắn, bố cục đẹp, hợp lý. Tôi đi xem triển lãm, thấy một hoạ sĩ đứng trước tranh và nói: vẽ đẹp quá. Lan Chi đã dành nhiều thời gian để vẽ tấm lưng của người thanh niên trong ánh sáng ban mai. Nữ hoạ sĩ trẻ đã vẽ đi, vẽ lại nhiều lớp sơn đạt đến độ trong suốt, tả được tấm lưng trần vạm vỡ, khoẻ mạnh, vuông vức của chàng trai lao động; Viết đến đây tôi nhớ đến tấm lưng trần của người đàn ông trong tác phẩm “Bình minh trên nông trang” của hoạ sĩ Nguyễn Đức Nùng. Tấm lưng của người chồng trong tranh “Giữ lấy hoà bình” của hoạ sĩ Lê Quốc Lộc. Và tấm lưng trần của người đàn ông trong tranh Nguyễn Sáng, anh ngồi trên chiếc ghế, nhìn chòng chọc ra biển. Tôi thấy tấm lưng trần của người đàn ông Việt Nam rất gợi cảm trong nghệ thuật tạo hình. Nữ hoạ sĩ mới 23 tuổi, hi vọng em sẽ tiến xa trên con đường nghệ thuật của mình. Tác phẩm của nữ hoạ sĩ trẻ Phạm Ngọc Mỵ “Số 2 Nam Ngư chân trời ký ức”, tranh “Ngày hạnh phúc” của nữa hoạ sĩ Lê Anh, tác phẩm “Sang thu” của nữ họa sĩ Bùi Thị Nam, là những tác phẩm được tặng giải khuyến khích.

Nguyễn Xuân Thuỷ – Song lập

Mảng đồ hoạ cũng có những tác phẩm đạt độ chín như tranh “Tây Nguyên trong mắt tôi”, khắc gỗ của Trần Nguyên Đán, lão hoạ sĩ xây dựng bố cục rất độc đáo và sắc màu rực rỡ đậm phong vị miền núi. Nguyễn Văn Chuyên với “Sen tàn chạng vạng”. Tác phẩm điêu khắc gốm “Song lập” của nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Thuỷ. Miêu tả tình yêu của đôi vợ chồng, tình yêu là sự kết hợp giữa hai người đàn ông và đàn bà, tuy đối lập, nhưng lại tồn tại trong một thể thống nhất, không thể tách dời. Bằng ngôn ngữ điêu khắc chắt lọc, khối tối giản mà đủ nghĩa. Anh trả lời tôi như vậy, khi tôi hỏi sao lại đặt tên tác phẩm là Song lập. Không thể trong một bài giới thiệu triển lãm ngắn, mà điểm hết được các tác phẩm nghệ thuật đẹp. Mong các hoạ sĩ và nhà điêu khắc thấu hiểu. Song sẽ cảm thấy không đủ, khi không nói tới tác phẩm điêu khắc “Mùa cá” gốm, sơn của nhà điêu khắc Lê Khuy, giải C. Từ 2018 đến nay, anh theo đuổi mô-típ gốm có khắc, vạch, trên bề mặt, và sơn màu, rất công phu. Đó là người đang bắt cá trong nơm, là người phụ nữ đang bê rổ cá (đi bán)… gồm 5 tác phẩm gốm, trong một câu chuyện mùa cá. Các tác phẩm điêu khắc của anh đã hình thành một ngôn ngữ điêu khắc gốm riêng và khác.

Hội đồng nghệ thuật đã tiến hành bầu chọn và xét tặng 16 giải thưởng; Gồm: 02 Giải B, 04 giải C và 10 giải khuyến khích. Năm nay không có giải A, chứng tỏ phong trào Mỹ thuật thủ đô phát triển mạnh, nhưng chưa có tác phẩm đỉnh cao. Đó cũng là tình trạng chung của Mỹ thuật Hà Nội và Mỹ thuật cả nước trong giai đoạn hiện nay.

Đặng Thanh Vân

Nguồn:tapchimythuat.vn