Triển lãm được ra đời bởi doanh nghiệp sáng tạo TiredCity, cộng đồng VietnamLocal Artist Group (VLAG) với sự đồng hành của Trung tâm Hoạt động Văn hoá Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, sự kiện nhằm tri ân tài năng của các tác giả minh hoạ trẻ.
Triển lãm thu hút đông đảo du khách và người yêu nghệ thuật ngay trong buổi khai mạc. Ảnh: Huyền Thương
Qua 80 tác phẩm tranh minh hoạ, “Vẽ con rồng” mang đến những phong cách, câu chuyện, tạo hình về linh vật rồng đầy mới lạ từ các tác giả trẻ. Mỗi bức tranh là một câu chuyện và sắc thái thú vị riêng của nhân vật “Rồng”. Qua góc nhìn và nét vẽ của các nghệ sĩ trẻ, rồng trở lên thật lung linh, ấn tượng và cá tính, nhưng cũng thật gần gũi, sinh động, hứa hẹn đem đến nhiều góc nhìn thú vị, vui vẻ cho công chúng trước thềm Tết đến Xuân về.
Qua tác phẩm “Thìn”, tác giả Trần Phương Thảo đã cách điệu từ hình tượng rồng thời Nguyễn được trổ, đúc trên những cung đình, mái ngói đình miếu Việt Nam. Chú rồng trong tone màu nóng ấm rực rỡ giữa hồ sen làm tăng thêm sự diệu kỳ của linh vật huyền bí này.
Tác phẩm “Thìn” của tác giả Trần Phương Thảo. Ảnh: Huyền Thương
Mượn hình ảnh rồng để thay lời cảm ơn đến những “nữ anh hùng” của gia đình, tác giả Đào Nguyên Tài đã sáng tạo nên tác phẩm “Mang Tết về nhà”, với hình ảnh các bà, các mẹ rồng đặt tâm huyết vào từng cái bánh, bó hoa để vun vén cho mái ấm của mình một cái Tết trọn vẹn.
Tác phẩm “Mang Tết về nhà” của tác giả Đào Nguyên Tài. Ảnh: Huyền Thương
Tác giả Bin Le tạo nên tác phẩm “Truyền nhân” của mình qua cảm hứng từ trò chơi dân gian truyền thống Tò He. Qua tác phẩm, tác giả muốn nhấn mạnh tinh thần gìn giữ, kế thừa nét đẹp truyền thống ấy qua hình ảnh hai chú rồng già và trẻ.
Tác phẩm “Truyền nhân” của tác giả Bin Le. Ảnh: Huyền Thương
Lấy cảm hứng từ văn hoá vỉa hè quen thuộc, tác phẩm “Cà phê sáng” của Mai Anh Nguyễn tái hiện khung cảnh đặc trưng của Hà Nội: ngồi vỉa hè nhâm nhi ly cà phê, nhìn ngắm phố phường, thi thoảng góp vui đôi ba câu chuyện,…
Tác phẩm “Cà phê sáng” của Mai Anh Nguyễn. Ảnh: Huyền Thương
Phát biểu tại Lễ Khai mạc, ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Van hoá Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám chia sẻ: ‘‘Triển lãm là một bước để góp phần hiện thực hóa định hướng đưa Văn Miếu – Quốc Tử Giám trở thành không gian sáng tạo của Thủ đô, là nơi khơi nguồn cảm hứng sáng tạo của các bạn trẻ, và là nơi trưng bày, tổ chức các hoạt động sáng tạo. Đồng thời giúp du khách có thể hiểu hơn giá trị mang tính biểu tượng tâm linh về hình tượng rồng trong sinh hoạt văn hóa của người Việt Nam’’.
Triển lãm diễn ra đến hết ngày 20/2/2024. Ảnh: Huyền Thương
Triển lãm “Vẽ Con Rồng” góp phần truyền tải thông điệp tích cực về linh vật năm mới Giáp Thìn 2024 qua nhiều câu chuyện và sắc thái thú vị riêng của nhân vật “Rồng”. Từ đó, gửi gắm mong ước về một năm mới thịnh vượng, đong đầy hạnh phúc.
Triển lãm diễn ra đến hết ngày 20/2/2024 tại di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Triển lãm cũng được tổ chức tại Khu Di tích Hoàng Thành Thăng Long từ 21/01/2024 - 25/02/2024 với 30 tác phẩm về chủ đề rồng của hơn 25 tác giả.
Một số hình ảnh được PV ghi nhận tại triển lãm:
Triển lãm trưng bày 80 tác phẩm về chủ đề rồng.
Bằng nhiều câu chuyện và sắc thái thú vị riêng của nhân vật “Rồng”.
Triển lãm góp phần truyền tải thông điệp tích cực về linh vật năm mới Giáp Thìn 2024.
Từ đó, gửi gắm mong ước về một năm mới thịnh vượng, đong đầy hạnh phúc.
"Vẽ con rồng" là sự kiện nối tiếp Thử thách minh họa và Chiến dịch gây quỹ cùng tên được tổ chức thường niên bởi TiredCity và Vietnam Local Artist Group (VLAG), nhằm hỗ trợ cho Blue Dragon Children’s Foundation - tổ chức giúp đỡ trẻ đường phố, trẻ khuyết tật và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt trên khắp Việt Nam.
Chỉ trong vòng gần 4 tuần tổ chức, nhà tổ chức đón nhận hơn 440 đơn đăng ký với hàng trăm bức họa đa dạng màu sắc, thể loại và cách thể hiện khác nhau.
Huyền Thương
Link nội dung: https://nghethuatvietnam.vn/chiem-nguong-nhung-tao-hinh-day-moi-la-ve-linh-vat-rong-102.html