Lan tỏa tình yêu di sản văn hóa qua hội họa

Cuộc thi vẽ tranh “Di sản văn hoá Việt Nam qua hội hoạ lần thứ I - năm 2023” đã góp phần phản ánh những nét hay, nét đẹp, nét độc đáo trong kho tàng di sản văn hoá của đất nước thông qua hội họa.

Lan tỏa tình yêu di sản văn hóa qua hội họa - 1

Lễ trao giải và khai mạc Cuộc thi vẽ tranh “Di sản văn hoá Việt Nam qua hội hoạ lần thứ I - năm 2023” diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sáng 16/1.

Cuộc thi dành cho những người yêu hội hoạ, khuyến khích các họa sĩ trẻ, sinh viên mỹ thuật tại các trường đại học, cao đẳng chuyên mỹ thuật và các trường văn hóa - nghệ thuật trên phạm vi cả nước, du học sinh Việt Nam ở nước ngoài nhằm tạo sân chơi cho các họa sĩ.

Đồng thời giúp các họa sĩ trẻ có cơ hội tìm hiểu, thể hiện tình yêu với di sản văn hóa, thể hiện ý tưởng, sự sáng tạo trong những sáng tác hội họa của mình, qua đó khuyến khích, động viên và tạo nên phong trào yêu di sản văn hoá Việt, gìn giữ và tôn vinh những giá trị vô giá của di sản văn hoá dân tộc, lan toả tình yêu di sản văn hóa trong giới trẻ hiện nay.

Lan tỏa tình yêu di sản văn hóa qua hội họa - 2

PGS. TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo cuộc thi phát biểu khai mạc.

Tại Lễ trao giải và khai mạc cuộc thi, PGS. TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo cuộc thi khẳng định, trong sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc, đòi hỏi phải luôn năng động, sáng tạo, đa dạng hoá các hình thức, biện pháp hoạt động làm cho tình yêu di sản văn hoá, ý thức trách nhiệm đối với di sản văn hoá ngày càng lan tỏa, thấm sâu, nâng cao trong toàn xã hội. Cuộc thi vẽ tranh “Di sản văn hoá Việt Nam qua hội hoạ lần thứ I - năm 2023” cũng được ra đời với ý nghĩa đó.

Sau hơn 4 tháng triển khai (18/5/2023 đến 30/9/2023), Ban Tổ chức Cuộc thi đã nhận được 839 tác phẩm của 494 tác giả từ 55 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó có nam, có nữ, có người dân tộc, có hoạ sĩ chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp. Tác giả cao tuổi nhất là 84 tuổi, tác giả trẻ nhất là 9 tuổi. Tác giả có bài dự thi nhiều nhất là 8 tác phẩm.

Lan tỏa tình yêu di sản văn hóa qua hội họa - 3

Họa sĩ Lê Huy Thiếp, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo cuộc thi chia sẻ tại sự kiện.

Họa sĩ Lê Huy Thiếp, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo cuộc thi cho rằng, với số lượng, kích thước, chất lượng tác phẩm và sự đa dạng về nội dung chủ đề các tác giả đưa ra, có thể thấy sự thành công của đợt vận động sáng tác lần này. Để tìm ra những tác phẩm xuất sắc nhất, Hội đồng Giám khảo đã dành nhiều thời gian để làm việc tích cực, công tâm qua nhiều vòng chấm, cân nhắc sự sáng tạo, trình độ nghệ thuật, kỹ thuật biểu hiện đi cùng nội dung tư tưởng của các tác phẩm tham dự.

“Hầu hết các tác phẩm dự thi đều bám sát chủ đề Cuộc thi, phản ánh những nét hay, nét đẹp, nét độc đáo trong kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng của đất nước, gồm nhiều loại hình về di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể”, họa sĩ Lê Huy Thiếp cho hay.

Các tác giả tham gia Cuộc thi với nội dung thể hiện là giá trị của các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, các danh lam thắng cảnh trên mọi vùng, miền của Việt Nam với phong cách thể hiện tự do. Tranh dự thi được vẽ trên vải, vóc bằng các chất liệu sơn dầu, sơn mài, Acrylic, tranh lụa, tranh đồ họa...

Tổng giải thưởng Cuộc thi trị giá 1 tỉ lẻ 5 triệu đồng, với 30 giải, gồm có: 1 giải Xuất sắc; 1 giải Nhất; 2 giải Nhì; 4 giải Ba; 22 giải khuyến khích.

Lan tỏa tình yêu di sản văn hóa qua hội họa - 4

Tác giả Lại Lâm Tùng nhận giải xuất sắc cho tác phẩm “Lễ hội Khmer ở Cà Mau”.

Lan tỏa tình yêu di sản văn hóa qua hội họa - 5

Tác giả Lê Thị Thanh nhận giải nhất cho tác phẩm "Nghìn xưa lưu dấu". 

100 tác phẩm gồm 30 tác phẩm đạt giải và 70 tác phẩm được chọn vào Chung khảo được triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ nay đến hết ngày 21/1.

Lan tỏa tình yêu di sản văn hóa qua hội họa - 6

Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm.

Tác giả Lại Lâm Tùng – người vừa đoạt giải xuất sắc với tác phẩm “Lễ hội Khmer ở Cà Mau” chia sẻ, anh tuy không sinh ra ở Cà Mau nhưng lại có thời gian dài sinh sống và làm việc tại đây. Anh đã có kế hoạch vẽ bức tranh này từ 10 năm trước nhưng vì điều kiện công tác trong ngành dầu khí bận rộn nên đến bây giờ mới có thể thực hiện. Tác phẩm “Lễ hội Khmer ở Cà Mau” được hoàn thành trong 8 tháng và trải qua quá trình kỳ công sưu tầm, tìm hiểu về truyền thống văn hóa của người Khmer.

Lan tỏa tình yêu di sản văn hóa qua hội họa - 7

Tác phẩm “Lễ hội Khmer ở Cà Mau” của tác giả Lại Tùng Lâm.

Cuộc thi vẽ tranh “Di sản văn hoá Việt Nam qua hội hoạ” nhằm tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ lòng tự hào về kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thế của Việt Nam nữa việc bảo vệ và phát huy giá trị văn hoá truyền thống qua nhiều thế hệ. Ban Tổ chức kỳ vọng sẽ tạo nên phong trào yêu di sản văn hoá dân tộc, thế hệ trẻ sẽ có ý thức hơn nữa trong việc bảo vệ và phát huy văn hóa truyền thống.

Một số hình ảnh được phóng viên ghi nhận tại triển lãm:

Lan tỏa tình yêu di sản văn hóa qua hội họa - 8

Triển lãm thu hút đông đảo công chúng đam mê di sản và hội họa.

Lan tỏa tình yêu di sản văn hóa qua hội họa - 9

Mỗi tác phẩm đều góp phần phản ánh những nét hay, nét đẹp, nét độc đáo trong kho tàng di sản văn hoá của đất nước.

Lan tỏa tình yêu di sản văn hóa qua hội họa - 10

Đồng thời giúp các họa sĩ trẻ có cơ hội tìm hiểu, thể hiện tình yêu với di sản văn hóa.

Lan tỏa tình yêu di sản văn hóa qua hội họa - 11

Tác phẩm "Trùng tu" của Phương Thùy.

Lan tỏa tình yêu di sản văn hóa qua hội họa - 12

Tác phẩm "Dàn tiểu nhạc cung đình Huế" của Nguyễn Khải Hoàn.

Lan tỏa tình yêu di sản văn hóa qua hội họa - 13

Tác phẩm "Múa rối nước" của Nguyễn Thành Chung.

Lan tỏa tình yêu di sản văn hóa qua hội họa - 14

Tác phẩm "Lễ hội Khmer Nam Bộ" của Ngô Thanh Sử.

Lan tỏa tình yêu di sản văn hóa qua hội họa - 15

Tác phẩm "Tiến sĩ giấy" của Nguyễn Hiền Phương.

Huyền Thương

Link nội dung: https://nghethuatvietnam.vn/lan-toa-tinh-yeu-di-san-van-hoa-qua-hoi-hoa-103.html