Văn Xương – Người họa sĩ đa tài

60 năm trước ở tuổi học sinh, tôi rất thích vẽ, nhưng chỉ biết say sưa vẽ theo các hình, ảnh trên báo chí, chứ không biết làm gì khác trên phương diện mỹ thuật.

Lúc này nhà tôi ở một ngôi nhà đầu phố Hàng Đậu, Hà Nội. Ký ức về thời này cũng có những cái đã quên hẳn, những cái nhớ lẫn lộn về năm tháng, nhưng những sự việc, những hình ảnh đặc biệt thì nhớ như nhớ bản cửu chương 2 lần 1 là… 2 vậy!

Đó là hình ảnh về những toa tàu điện sơn màu đỏ gõ chuông leng keng chạy chéo từ phố Quán Thánh qua Hàng Giấy, hoặc từ Hàng Cót xéo qua Hàng Than, bên cạnh phố chuyên bán bánh cốm, bánh đậu xanh. Đó là những cô gái duyên dáng bên những gánh hàng hoa, là những tiếng rao lanh lảnh đặc thù của các bà bán hàng rong, hoặc của những người bán phá sang, các em bé bán sực tắc, là những cảnh binh police militaire, là những xấp báo Xuân có in những tranh màu ở trang nhất.

Thời này các báo phần lớn là in đen trắng, ảnh thì làm bản kẽm, hình vẽ thì khắc gỗ. Tôi còn nhớ trong các báo Xuân đó, báo Giang sơn có chụp in bức tranh Quang Trung tiến quân vào Thăng Long.

Màu chủ đạo của bức tranh này là nâu, đỏ, vàng, trắng để phù hợp với không khí trận mạc. Trong khói lửa mịt mù, có mấy người cưỡi ngựa, tay giơ cao kiếm, phi vun vút lên phía trước. Phía sau là cột cờ Hà Nội mờ mờ trong bụi khói.

LÊ VĂN XƯƠNG – Chùa Trấn Quốc, Hà Nội. Khoảng 1950. Bột màu trên giấy. 42,5x59cm. Sưu tập Lê Y Lan, Sài Gòn

Bức phụ bản khác in ở báo Tia sáng cũng là số Tết. Tranh vẽ cảnh mấy cô, mấy bà đang khấn vái trước ngôi chùa cổ. Một gam xanh ngăn ngắt tôi tối của ngôi chùa nhiều cây cao che khuất nắng tạo nên một không khí lành lạnh nhưng ấm áp những ngày đầu Xuân. Trong bức Xin thẻ này tôi chú ý nhất đến một bà ở cận cảnh cổ quàng chiếc khăn bằng sa-tanh được nhận ra bởi màu sắc và ánh lấp lánh của nó. Có chuyện vui là một bạn cũ cùng học ở trường Chu Văn An, sau anh sang Liên Xô và làm ở Đại sứ quán. Về nước anh được cử làm Giám đốc nhà khách Bộ Quốc phòng, phố Phạm Ngũ Lão, Hà Nội. Không hiểu từ đâu anh ta có được phiên bản bức này. Quá thích bức tranh anh thuê người phóng to và treo ở phòng khách. Sau có một vị khách người Ả Rập cứ ngắm nghía bức này trong suốt thời gian lưu trú. Trước khi rời khỏi đây ông ta xin mua bức tranh với giá cao và tháo cuộn mang ngay về nước.

Về sau tôi mới biết hai bức vẽ đó là của cùng một người ở phố Hàng Đậu và sau đó dẫn dắt tôi đi những bước dò dẫm đầu tiên vào đường nghệ thuật. Đó là họa sĩ, là bác (tôi thường dùng danh xưng này) Văn Xương!

*

Trong ký ức của tôi, bác người tầm thước, rắn rỏi, da dẻ hồng hào khỏe mạnh, giọng nói hơi khàn khàn nhưng to, rõ. Bác hay mặc đồ trắng đi chiếc Motobecane hiếm hoi của Hà Nội hồi đó. Sau tôi mới biết ngoài vẽ bác còn làm điêu khắc (thể hiện qua bức tượng chân dung Tề Bạch Thạch), đánh bốc, chơi quần vợt và chơi vĩ cầm.

Tôi thấy lạ là người chơi đàn cần những ngón tay mềm mại mà sao bác lại chơi những môn thể thao mạnh mẽ được nhỉ.

Nghe nói muốn có sức mạnh để hoạt động, bác uống nhiều mật gấu nên mặt đỏ, bốc hỏa vì thế tính tình hay nóng nảy. (Biết như vậy nên tôi rất lo khi có lần ở xưởng vẽ, tôi vụng về làm đổ chiếc xe đạp, xé rách một bức sơn dầu dựng gần đó. Tôi lặng người và chờ một cơn mưa mắng mỏ, thậm chí lo gia đình phải đền tiền cho bức tranh sơn này. Nhưng không, bác chỉ nhắc nhở thôi. Có lẽ lúc này tôi đã là học trò cưng của bác hay sao ấy).

LÊ VĂN XƯƠNG – Phố Hàng Da. 1953. Bột màu trên giấy. 50x60cm. Sưu tập Lê Y Lan, Sài Gòn

Ở phòng vẽ, bác bày bức sơn dầu (chắc là bác chép lại từ một bức của họa sĩ Nga nổi tiếng nào đấy) vẽ V.I. Lênin đang ngồi trầm tư cạnh bàn. Trên mặt bàn có bút, sách… nhưng tôi nhớ nhất có một cốc bằng thủy tinh đựng trà. Trong cốc cắm một cái thìa bạc. Tôi cứ ngắm nghía và chú ý đến phần dưới chiếc thìa bạc bị lệch so với phần trên mặt nước trà (sau tôi mới biết đó là do luật khúc xạ). Chép tranh là một thú chơi nhưng qua đó cũng thể hiện tài pha màu cho đúng nguyên mẫu của người vẽ chép.

Bác Văn Xương rất được tín nhiệm vẽ chân dung có kích thước lớn, nên các ngày kỷ niệm Quốc khánh ở lễ đài Ba Đình, Hà Nội, thành phố thường đặt bác vẽ một số chân dung lãnh tụ quốc tế để rước trong đoàn diễu hành.

Có lần bác bảo tôi kẻ ô ca-rô trên hình các vị đó và phóng to lên các tấm pa-nô vải khổ lớn. Ngoài cửa, các em bé lân la ngồi xem với vẻ thán phục, người lớn thì buông ra những lời có cánh về tương lai nghề nghiệp của tôi.

Quá phổng mũi nên không tập trung, tôi đã vẽ sai một vài ô nên dẫn đến toàn bộ hình lệch lạc. Bác Văn Xương chỉ cười, vẻ thông cảm và chữa lại.

Họa sĩ Văn Xương dạy tôi rất nhiệt tình và nghiêm khắc. Bác nhắc tôi phải vẽ thuộc một hộp sọ, phải vẽ được các cơ trên khuôn mặt, phải vẽ kỹ nhiều lần các chi tiết trên một con mắt, một chiếc mũi, làn môi giống như châu Âu đã đổ khuôn từng bộ phận trên mặt tượng David của Michelangelo cho sinh viên vẽ nặn theo.

Bác bảo: học tôi là phải vẽ được chân dung. Vẽ kiểu nào cũng được nhưng cuối cùng phải giống, người xem phải nhận ra ngay người được vẽ, vẽ đẹp mấy mà không ra người ngồi mẫu thì khác gì giải một bài toán có vẻ rất hay nhưng cuối cùng không đúng đáp số.

Thời gian tôi học bác không được nhiều (vì chỉ học trong 1-2 dịp hè). Lúc học tôi còn nhỏ tuổi, rụt rè ít có dịp hỏi han, trao đổi những vấn đề về nghệ thuật với thầy nên không nắm được nhiều về những tư tưởng, quan điểm nghệ thuật và những chuyện bên lề cuộc sống của bác Văn Xương, nó chắc sẽ rất thú vị.

Tuy vậy, những ảnh hưởng nghệ thuật và cuộc đời của bác đối với tôi là rất sâu đậm. Những gì bây giờ tôi có được, dù rất ít ỏi, đều xuất phát từ những ngày đầu chập chững ấy.

Ảnh hưởng đầu tiên từ bác, là tôi rất thích vẽ, nặn chân dung. Gặp ai tôi cũng nhìn những cái hay, cái lạ, cái đẹp trên mặt họ (nếu có). Tôi khi học ở trường mỹ nghệ (cũ), cả lớp đang cắm cúi nặn thu nhỏ pho tượng Phật A Đi Đà tại chùa Phật Tích, thì ông thầy chuyên gia – nhà điêu khắc Mizandari Ghivi không hiểu vì lý do gì ông lại bảo riêng tôi tự chọn một ai đó để nặn chân dung. Phấn khởi vì sự chỉ định của ông, tôi chọn nặn Chủ tịch Cuba: Phidel Castro. Bức tượng chắc là tốt nên năm sau nhà trường lấy làm mẫu để một bạn đục chuyển ra đá làm bài tốt nghiệp.

LÊ VĂN XƯƠNG – Phố Hàng Buồm. 1953. Bột màu trên giấy. 47x64cm. Sưu tập Lê Y Lan, Sài Gòn

Sau những năm đi làm, tôi đã vẽ hàng nghìn chân dung người lạ hay quen thân. Có lẽ là có chất lượng nên một nhà lý luận, phê bình nghệ thuật (Quang Việt) đã viết một đoạn trong lời giới thiệu ở một cuốn sách làm tôi cũng… giật mình: “Trong nền mỹ thuật Việt Nam xưa nay, một họa sĩ vẽ chân dung như Trần Tuy, được như Trần Tuy quả tình hiếm có và khó có”.

Và có lẽ do tôi ảnh hưởng những khả năng đa chiều của bác Văn Xương nên Tổng Biên tập (Hoàng Anh) một tờ tạp chí đã ưu ái hoặc “bốc đồng” tôi thành một “siêu nhân đa hệ”. Bởi theo bà, tôi làm điêu khắc, vẽ, viết báo, làm kinh tế cho cơ quan… đều tốt.

Còn Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật (Nguyễn Phúc) thì nhận định: “… ở ngoài Bắc có họa sĩ Trần Tuy, trong Nam có họa sĩ Diệp Minh Châu là hai họa sĩ kiêm điêu khắc gia đã có những phác thảo chân dung đẹp, tài tình, làm nổi bật tình cảm, tính cách các đối tượng được mô tả, nhất là những bạn bè thân thích của hai anh”.

Dù sao được khen vẫn hơn không. Tôi thầm cảm ơn và phấn đấu để xứng với những nhận định ấy, những tình cảm ấy.

*

Khi đọc báo thấy thông báo của trường mỹ nghệ (nay là trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp) tuyển sinh. Tôi nộp đơn. Biết vậy bác Xương bảo: Tớ (bác xưng một cách thân mật như vậy) thấy cậu có năng lực đi xa. Cậu cứ học ở đây, một thầy một trò dễ rèn giũa cho thành một người tài. Tôi mủi lòng khi phải xa bác nhưng cả xã hội lúc đó đều thấy cần phải làm gì đó trong biên chế nhà nước, nên phải đi học, sau đó sẽ được phân về các cơ quan, đơn vị. Nên tôi đành phụ sự nhiệt tình của bác. Tôi đi thi và đỗ vào khoa điêu khắc đá, tôi cũng tìm cách vào ở hẳn trong trường vì người Hà Nội không được ở nội trú.

LÊ VĂN XƯƠNG – Phố Gầm Cầu 2. 1960. Bột màu trên giấy. 37,7×53,6cm. Sưu tập Lê Y Lan, Sài Gòn

Bẵng đi nhiều năm, tôi được biết bác đã vào Nam, có bạn đời mới (bà vợ đầu đã mất) là nghệ sĩ Diệu Tiên.

Năm 2002, Nhà xuất bản Mỹ thuật ưu ái cho tôi in cuốn Quà tặng những người cùng thời gồm 500 ký họa chân dung, tôi vẽ bạn (và mọi người), và 50 chân dung bạn vẽ tôi. Trong Lời nói đầu, tôi viết có đoạn: “Tập sách này có được, trước hết tôi kính cẩn thắp hương tưởng nhớ và cảm tạ người thầy đầu tiên giúp tôi biết đến nghệ thuật vẽ chân dung – đó là họa sĩ Văn Xương”. Ông là người đã dẫn dắt tôi đi những bước đầu tiên và cũng là người có sự ảnh hưởng rất lớn đối với tôi về một người nghệ sĩ vẽ chân dung và đa tài (vẽ, nặn, chơi nhạc, thể thao…) nhưng vẫn bình dị, không khoa trương, rất “bơ” đời, vô tư sống theo một tinh thần an nhiên, bình thản.

Mấy năm trước, một hôm có hai người đến nhà tôi, một giới thiệu là Lê Tuấn (tôi biết cậu này nhưng nhiều năm khuôn mặt thay đổi không nhận ra) và một là Lê Trí Tưởng – Giám đốc Đoàn xiếc TP.HCM, là em trai của Tuấn, đều là con của bác Văn Xương. Các cậu mang tặng tôi bức chân dung tự họa của bác được lồng trong một tấm khung thếp vàng trang trọng.

Bức tự họa được vẽ bằng màu nước với hai màu nâu đen quen thuộc. Ký họa bằng màu nước là rất khó, bởi muốn cho màu trong trẻo, họa sĩ phải vẽ nhàn nhạt và rất mỏng, lại không thể tẩy xóa như vẽ bằng bút chì, nên phải vẽ liền một mạch đến khi thấy cần dừng.

Bức vẽ với những mảng màu mỏng điêu luyện, tài tình. Vài nét mà thấy mái tóc bạc, mỏng, vầng trán được nổi khối, đôi mắt chăm chú nhìn vào gương, người xem vẫn thấy rõ cặp kính trắng trong vắt, mỏng manh. Thú vị là bác vẫn không quên để môi ngậm điếu thuốc – một thói quen thường ngày, khó bỏ. Nhìn bức vẽ có người bảo tôi: đúng là ngậm điếu thuốc khi vẽ chứ không phải cắm vào. (Có người hỏi mua bức này, tôi từ chối, vì đó là hình ảnh, là hiện vật duy nhất về thầy, do thầy vẽ tặng).

Không biết bức chân dung tự họa vẽ vào đêm giao thừa năm 1984 này có liên hệ nào với những ngày cuối đời của họa sĩ Văn Xương không, số là thế này: Lê Trí Tưởng kể có một thầy xem tử vi và tướng số, ông ta nói với bác là sang năm số ông đã tận, ông có gì thì chuẩn bị sẵn sàng đi để “lên đường” cho đỡ vướng víu.

Tin vào khả năng của thầy bói, bác khẩn trương soạn lại tranh và các bức vẽ to nhỏ, sửa lại các bức tượng cùng dặn dò vợ con mọi việc. Rồi quả thật bác “đi” vài năm sau đó, kết thúc cuộc đời một lãng tử.

Bao năm, cuộc đời “như nước chảy qua cầu”, cuốn đi mỗi người một phương, mang theo một số phận vinh hiển, giàu nghèo, thành bại khác nhau. Nay có dịp gặp nhau, bao nhiêu chuyện kể vẫn không hết.*

LÊ VĂN XƯƠNG – Thiếu phụ 2. 1979. Sơn dầu.  29×21,5cm. Sưu tập Lê Y Lan, Sài Gòn 

LÊ VĂN XƯƠNG – Tự họa. 1975.  Bột màu. 36×26,5cm. Sưu tập Lê Y Lan, Sài Gòn                                           

Vào tháng 11-2008 một phụ nữ cao tuổi nhưng vẫn lộ rõ vẻ đẹp quý phái và mang dáng dấp của một nghệ sĩ. Bà giới thiệu là vợ của bác Văn Xương. Bà từ Mỹ đi qua một số nước trước khi về đến Việt Nam. Bà tặng tôi những chai nước hoa Habana được làm giống như điếu xì gà Cu Ba, những chiếc kẹo nhân mứt của Bỉ… Bà cho biết bà rất thích cuốn Quà tặng những người cùng thời, nghe vậy tôi thấy tiếc quá, giá mà quyển đó có hình của bác Văn Xương và bà thì hay biết mấy.

Sách đã hết từ lâu, may mà tôi dành 5 cuốn cho các con cháu trong gia đình. Tôi bèn ghi tặng bà một cuốn, sau đó xin ký họa chân dung bà làm kỷ niệm ngày gặp mặt. Bức này vẽ bằng tay trái, do tay phải đã bị liệt vì tai biến từ năm 2006. (Đã in trong cuốn 72 ký họa chân dung chọn lọc của tôi, ra mắt năm 2015).

Gần đây tôi biết thêm chuyện bác học đấm bốc là có thật và nghiêm túc. Một ông già bán nước nhà cùng phố với bác Văn Xương có kể: hồi thanh niên, có lần một tay anh chị với khuôn mặt bặm trợn đến phố ông gây gổ, chửi bới ai đó không biết. Ông can ngăn mãi không được, hắn còn vung tay đánh ông. Cực chẳng đã, ông đấm một cú mà hắn gãy mấy cái răng, ông còn cho tiền chữa bệnh và đuổi hắn đi cho khuất mắt.

Anh em trong khu phố nhìn bác như một tay chơi thời thượng hào hoa, lãng tử, nhưng cũng rất nghĩa hiệp.

Bác vẽ hay nặn tượng cũng như một việc thích thì làm, không nghĩ đến tiền bạc hoặc danh vọng, không vất vả chạy theo những tham vọng. Xong việc bác dạy học trò, cưỡi xe đi chơi thể thao… Qua những tác phẩm Du kích Tây Nguyên, Chân dung Tề Bạch Thạch, Xin thẻ đầu Xuân, Quang Trung tiến vào Thăng Long, Chiến sĩ nuôi quân cùng những bức vẽ phong cảnh vùng biển…, người ta định rõ được đẳng cấp cao của tác giả trong làng mỹ thuật Việt Nam.

*

Viết về bác Văn Xương đã dài, tôi định dừng bút, nhưng một chuyện vừa xảy ra làm tôi không thể không dành mấy dòng để bổ sung vào bài viết. Mặc dù nó làm tôi lặng đi hàng giờ, tim tôi tê tái, đầu óc không tin vào những gì mới được nghe thấy, là thế này:

Một chiều Hè đầu tháng 6, khí trời trở nên nóng nực bất thường, như có linh tính, tôi nhờ vợ đèo tới nhà của bác Văn Xương để thăm hỏi sức khỏe cậu Tuấn và định hỏi thêm vài điều về bác từ khi vào Nam cho đến khi qua đời.

Nhưng đau xót thay, người quen nhà dưới báo tin sau những năm tháng mang nhiều trọng bệnh, Tuấn đã ra đi từ năm ngoái (2016), hưởng dương 69 tuổi.

Vợ Tuấn cùng các con hôm đó lại về quê tránh nắng, nếu không tôi phải cố tập tễnh lên nhà để nhìn thêm một lần ảnh đứa con trai đầu của bác Văn Xương và thắp cho cậu một nén nhang. Cầu mong cậu ra đi thanh thản và sớm tìm gặp được người cha thân yêu ngày nào tại cõi thiên thu, nơi yên nghỉ ngàn đời của những kiếp sống.

Trần Tuy 

Link nội dung: https://nghethuatvietnam.vn/van-xuong-nguoi-hoa-si-da-tai-138.html