ĐỔI CẢNH

Nước Việt chính là nước – làng, làng Việt là làng nước. Muốn hiểu nước Việt, người Việt thì phải hiểu làng. Nói cách khác hiểu được làng thì sẽ hiểu nước Việt, làng chính là hình ảnh cô đọng của nước Việt. Trong làng có nước, trong nước có làng.

Cự Đà là một ngôi làng điển hình của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Những năm 70 của thế kỷ trước, làng Cự Đà gần như nguyên vẹn. Cả làng nhìn ra sông Nhuệ, có nhiều cầu đá dẫn từ đường làng xuống sông, vẫn còn thuyền bè qua lại, đường làng sống trâu, gạch lát nghiêng, bó vỉa thẳng, mạch bằng đất nện, mạch âm, nhiều ngõ xóm như xương cá, nhiều cổng, cửa, cổng làng, cổng xóm, có đình, có chùa, có đền, có miếu, có nhà thờ họ. Đặc biệt nhất là những ngôi nhà 3 gian, 5 gian, 7 gian 2 chái mái ngói âm dương, sân gạch vuông Bát Tràng, chuối sau cau trước, chum tương bể nước, nhà nào cũng có hiên rộng, có dại tre tránh mưa nắng hắt. Nhà nào cũng có hoành phi, cửa võng, câu đối khắc ghi những lời hay ý đẹp như nhắc nhở, truyền dậy của ông bà tổ tiên cho con cháu…

Từ nếp người đến nếp nhà, gia phong làm nên nếp làng. Người làng Cự Đà sống thuần phác, hiền hòa đã là truyền thống. Người ở làng ngoài làm ruộng còn có nghề phụ là làm miến, cất rượu, làm tương và nấu bánh đúc. Nghề phụ như một nét đặc trưng của các làng ở vùng châu thổ sông Hồng. Những người rời làng ra thành phố làm ăn, thành đạt thì quay về làng, họ mang những điều hay học được từ thiên hạ góp thêm cho làng. Bên cạnh những ngôi nhà kiểu cổ truyền như đã nói, ở Cự Đà còn có một loại kiến trúc nữa, không hẳn là kiến trúc thuần Pháp mà là kiến trúc Đông Dương, một mẫu hình đẹp của sự pha trộn hài hòa, nhuần nhuyễn nét đẹp của kiến trúc Pháp – châu Âu với kiến trúc Việt Nam – Á Đông. Chính sự pha trộn này cho nên những ngôi nhà kiểu Đông Dương khi về làng, vào làng, ở cạnh kiểu nhà Bắc bộ truyền thống thì vẫn hòa hợp, vẫn duyên, vẫn đẹp.

Tất cả những nét đẹp ấy, những duyên của cảnh và người Cự Đà đã làm nên cảm hứng cho họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng. Lần đầu tiên có một họa sĩ sống ở làng, vẽ làng, triển lãm ở làng bằng những tác phẩm chỉ với một chất liệu bột mầu trên giấy báo cũ, chất liệu quen thuộc mộc mạc giản dị như chính ngôi làng vậy. Theo đuổi một đề tài ngót chục năm rồi chọn lọc ra vài chục bức để bầy vừa là cẩn trọng với nghề mà cũng là cách sống chậm vẽ chậm như chất người của Thắng, như nhịp sống của làng. Có lẽ chất làng, chất Thắng và tranh của anh là một? Chất người đã ngấm trong ngõ xóm, trong phên dậu, trong tương miến nên tranh của Thắng ít khi có người. Thắng ưa dùng hòa sắc tương phản nóng lạnh, cam và nõn chuối, xanh lục với hồng cánh sen… Thắng để cảm xúc dẫn mầu, dẫn hình đi chứ không bó vào cái mà anh nhìn thấy cho nên bầu trời có thể đỏ, mái ngói không nhất thiết phải thâm nâu mà xanh ngăn ngắt… cho nên những bức tường vôi lở, những lối xóm rêu phong, những cổng cửa xưa cũ ấy vẫn là nó mà không buồn bã. Chất làng quê cổ kính xưa cũ ấy vẫn tươi mới cũng là do bảng mầu tương phản này của Thắng. Muốn tương phản thì phải hài hòa, nóng với lạnh, mảng và nét, đậm với nhạt, phủ kín và lộ nền báo cũ… Ấy cũng là duyên của Thắng, duyên hình, duyên mầu, duyên người, duyên làng.

Trần Nhân Tông bảo “Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”, trước cảnh, tâm mình là không thì cần hỏi thiền là gì nữa. Tâm không chứ không phải không Tâm. Một cái Tâm không diệu hữu. Nguyễn Quốc Thắng đối cảnh làng Cự Đà cũng bằng một cái Tâm không nào đó chỉ mình anh biết nên chả cần và cũng không thể định danh hội họa của Thắng. Chỉ biết Cự Đà của Nguyễn Quốc Thắng đầy thanh bình, đầy an nhiên, an lành, an bình, diệu hữu như vốn vậy.

Một số tác phẩm trong triển lãm của họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng: 

 

Nguyễn Quốc Thắng – Làng quê. Bột màu. 2020

 

Nguyễn Quốc Thắng – Sau cơn mưa bão. Bột màu. 2020

 

Nguyễn Quốc Thắng – Hoa vàng trước ngõ. Bột màu. 2020

 

Nguyễn Quốc Thắng – Ở nhà. Bột màu. 2020

 

Nguyễn Quốc Thắng – Chiều buông. Bột màu. 2020

 

Lê Thiết Cương

Link nội dung: https://nghethuatvietnam.vn/doi-canh-159.html