Vũ Cao Đàm: Giao thoa văn hóa và sáng tạo nghệ thuật

Soi chiếu từ khía cạnh du nhập, phản tư và giao thoa văn hóa với Tây phương, các sáng tác của Vũ Cao Đàm là sự nối dài của hai nền văn hóa trên hành trình khai phá ngôn ngữ nghệ thuật của ông với những chủ đề gần gũi.

Vũ Cao Đàm (1908 – 2000), tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và rời Việt Nam bắt đầu hành trình viễn du năm 1931. Ông nhận học bổng du học tại Trường Mỹ thuật ở Bảo tàng Louvre Pháp (L’École du Louvre) năm 1932. Trong sự nghiệp nghệ thuật của Vũ Cao Đàm, có hai địa hạt ông nhận được nhiều đánh giá cao của giới chuyên môn là điêu khắc (tượng đất nung, tượng đồng khắc họa chân dung thiếu nữ, bè bạn, người thân, các giảng viên, con vật,…) và tranh vẽ trên chất liệu đa dạng, mang ảnh hưởng từ nhiều nguồn văn hóa khác nhau.

anh-chup-man-hinh-2024-07-17-071741-1721175490.png

Họa sĩ Vũ Cao Đàm

 

Nghệ thuật điêu khắc của Vũ Cao Đàm có nhiều ảnh hưởng của truyền thống Khmer và điêu khắc cổ Trung Hoa. Ông sáng tác chủ yếu trên chất liệu đất nung và đồng. Ngoài ra đề tài ông thường chọn để khắc họa cũng rất giản dị và gần gũi với đời sống như tượng chân dung người thân, bạn bè thân thuộc, hình ảnh các cô thiếu nữ, tình mẫu tử và cả những đàn gà. Kỹ thuật và ngôn ngữ chế tác tác phẩm điêu khắc sau này đã để lại nhiều ảnh hưởng khi ông chuyển sang hội họa. Bên cạnh đó, các tác phẩm điêu khắc của ông được lưu giữ và trưng bày ở nhiều bảo tàng như Bảo tàng Quai Branly (Pháp), Bảo tàng Sa Bassa Blanca Museum (Tây Ban Nha), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và những bộ sưu tập tư nhân lớn nhỏ khác khắp nơi trên thế giới.

Hình 2: Bên trái: Tượng đất nung mô phỏng hình ảnh nam nhân đi kèm chữ ký của nghệ sĩ. 22 x 14 x 14 cm – Bên phải: Tượng đất nung mô phỏng chân dung cô gái. 9 x 9 x 9 cm

 

Mốc chuyển giao giữa hai chất liệu điêu khắc và lụa diễn ra trong khoảng những năm 1938 – 1945 khi ông đang ở Pháp. Thời điểm đó việc đổ khuôn đồng để điêu khắc bị cấm, dẫn đến quá trình sáng tác gặp nhiều hạn chế nhưng cũng bởi vậy mà Vũ Cao Đàm đào sâu thêm về tranh vẽ. Thời gian đầu với tranh, ông chủ yếu vẽ lụa với một bảng màu tối, bố cục có chiều sâu, nhân sự tác động từ hội họa đời Tống và về sau là hội họa Phục Hưng Ý. Ông đi nhiều, xem nhiều và nghiên cứu cũng nhiều để phát triển ngôn ngữ hội họa trên một nền tảng hình khối của điêu khắc. Từ tranh lụa, ông chuyển sang vẽ sơn dầu khi chuyển về làm việc ở vùng Vence thuộc miền Nam nước Pháp vào năm 1952. Tại đây, ông sống tại biệt thự “Les Cadrans Solaires” và trở nên thân thiết với hàng xóm là họa sĩ Morris Kestelman (1905-1998) – người từng giảng dạy tại Đại học Nghệ thuật Hoàng gia. Tháng 11 cùng năm, ông chuyển tới biệt thự “Les Heures Claires” gần biệt thự “Le Rêve” và “Les Collines”, nơi Henri Matisse và Marc Chagall từng sinh sống. Đồng hành cùng những người bạn đồng nghiệp kể trên, Vũ Cao Đàm đã lĩnh hội thêm nhiều trải nghiệm mới với hội họa giá vẽ. Theo đó, tranh của ông trong giai đoạn này cũng phần nào có sự ảnh hưởng của các danh họa kể trên, đặc biệt là Marc Chagall. Quá trình ấy của danh họa Việt từ khi bắt đầu nghiên cứu thử nghiệm với tranh vẽ chính là cách đan cài các thành tố thụ hưởng từ văn hóa nghệ thuật Tây phương để đưa vào các đề tài mang đậm nét dân tộc như hình ảnh phụ thân trang nghiêm, thiếu nữ đàm đạo, tình mẫu tử và một số hình ảnh mô phỏng trích đoạn trong thơ văn như “Chinh Phụ Ngâm” của Đặng Trần Côn hoặc danh tác “Truyện Kiều” của Nguyễn Du.

Thân phụ Vũ Đình Thi và bạn bè thân thuộc

Thân phụ danh họa Vũ Cao Đàm – Vũ Đình Thi (1864 – 1930) là con thứ tư (trong năm người con) của một gia đình theo đạo Công giáo từ thế kỉ 18. Từ nhỏ ông đã được tiếp xúc với tiếng Latin, Tây Ban Nha và Pháp. Ông cũng là người tôn sùng Nho giáo và yêu thích thơ văn chữ Hán. Năm 1886, Trường Thông ngôn Hà Nội được thành lập để đào tạo nhân sự làm viên chức và thầy giáo Pháp ngữ cho chính quyền thuộc địa, ông chính là người điều hành chính của ngôi trường này. Đồng thời, với sự thông thạo Pháp ngữ, ông là một trong số ít người Việt được chính quyền phái sang Paris năm 1889 nhân dịp Triển lãm Thế giới. Ông là “un lettré” – một văn nhân đối với người Pháp lúc bấy giờ và cũng là một nguồn cảm hứng lớn đối với Vũ Cao Đàm. Vẽ về đề tài chân dung phụ thân, hoặc lấy cảm hứng từ chân dung phụ thân để khắc hoạ học giả, quan nhân, Vũ Cao Đàm không có quá nhiều tác phẩm, điển hình trong số đó là bức “Ông Quan” (Le Mandarin) từng nằm trong bộ sưu tập nổi tiếng của Dr. Tuấn Phạm.

Hình 3: “Ông quan”, 1942. Mực và màu nước trên lụa. Ký và đề chữ Hán dưới phải. 145.5 x 71 cm

 

Ngoài ra, Vũ Cao Đàm cũng thi thoảng vẽ chân dung bạn bè, hai tác phẩm sau đây chính là ví dụ điển hình. Tác phẩm từng thuộc bộ sưu tập của vợ chồng ông bà Nguyễn Hữu Hợp – Nguyễn Nguyệt Nga. Họ là cặp vợ chồng có mối quan hệ thân thiết với các họa sĩ Việt tại Pháp và cả gia đình hoàng gia, đặc biệt là với Bảo Đại, vị vua cuối cùng của Việt Nam.

Hình 4: Bên trái: Chân dung ông Nguyễn Hữu Hợp, 1951. Sơn dầu trên toan. Ký và đề năm dưới phải. 41 x 33 cm – Bên phải: Chân dung ông Nguyễn Hữu Hợp. Sơn dầu trên lụa. Ký dưới trái. 53.5 x 44.8 cm.

 

Thiếu nữ

Riêng chủ đề này có thể quan sát được có sự phân chia nhị nguyên rõ rệt về phong cách vẽ của Vũ Cao Đàm qua các giai đoạn khác nhau. Ở thời kỳ đầu vẽ lụa, những thiếu nữ hiện lên vẻ lãng mạn với bút pháp lĩnh hội từ tranh lụa đời Tống. Hoạt cảnh chủ yếu được khắc họa là khung cảnh thiếu nữ trong trang phục truyền thống đang chuyện trò, đôi lúc trầm tư tĩnh mịch, cũng có đôi lúc khỏa thân tắm mát.

Hình 5: “Thiếu nữ ngồi”, 1935 – 1940. Mực và bột màu trên lụa. 74 x 55 cm. Ký “Vu Cao Dam” và đề chữ Hán dưới trái.

 

Về sau, khi hợp tác độc quyền với Wally Findlay, ông có những tác phẩm lấy hình tượng thiếu nữ nhưng khắc họa theo lối “thần thánh hóa” (Divinité). Nét đẹp trong loạt tranh “Divinité” mang nhiều ảnh hưởng từ văn hóa Phật giáo phương Đông và đi kèm với một bảng màu tươi sáng được vẽ bằng sơn dầu trên toan.

Hình 6: Divinité, 1963. Sơn dầu trên toan. Ký và đề năm dưới phải. 65 x 54 cm.

 

Tình mẫu tử

Các sáng tác về tình mẫu tử tương đối phổ biến trong các sáng tác tranh vẽ của Vũ Cao Đàm. Những gắn kết của mẹ và con được ông thể hiện rất rõ trong cử chỉ và nét mặt. Dáng tay ôm, ánh mắt giàu tình cảm, ôm con trong lòng được ông rất chú tâm diễn đạt. Cũng có lẽ bởi vậy mà tình cảm trong tranh rất dễ cảm, dễ mến đối với người xem. Tùy theo từng giai đoạn, tranh vẽ về chủ đề này của Vũ Cao Đàm cũng có sự thay đổi rõ rệt trong ngôn ngữ thể hiện. Trên tranh lụa truyền thống khi ông chuyển từ điêu khắc sang vẽ vẫn một bảng màu trầm hoài cổ, rõ hình rõ nét từ hậu cảnh đến nhân vật trung tâm. Về sau chuyển sang sơn dầu, vẫn những cảm tình truyền tải qua dáng vẻ âu yếm, nhưng bảng màu của ông ngả sắc tươi sáng nhiều hơn, hậu cảnh cũng đã chuyển sang mảng miếng trừu tượng hơn. Ở thời điểm đó, hội họa và những trải nghiệm lâu ngày ở châu Âu đã đưa lại cho ông những hiện thực đa chiều mới trên một vốn cổ là tình mẹ con và văn hóa dân tộc.

Hình 7: “Mẹ và em bé”, 1966. Sơn dầu trên toan. Ký “Vũ cao đàm 66” dưới trái. 33 x 24 cm

 

Tĩnh vật hoa

Hình 8: Tĩnh vật mẫu đơn trong bình đỏ, 1941. Mực và màu trên lụa. Ký “vu cao dam 1941” và đề chữ Hán dưới phải. 54 x 43 cm.

 

Vũ Cao Đàm vẽ hoa với số lượng không nhiều nhưng các sáng tác về hoa của ông mang tinh thần Á Đông rất rõ. Những tác phẩm về chủ đề này thường mang đậm ảnh hưởng kỹ thuật vẽ tranh lụa nói chung và vẽ hoa nói riêng của Trung Quốc, đồng thời cho thấy tác giả có sự nghiên cứu kỹ lưỡng nhất định đến chủ thể. Ông hay chọn ly, mẫu đơn, đào, cúc để đưa vào tranh. Trong đó, mẫu đơn ở “tĩnh vật mẫu đơn trong bình đỏ”, theo quan niệm châu Á chính là vua của các loài hoa và thường xuyên trở thành nàng thơ của nhiều đại danh họa.

 

Thi ca Việt Nam

Hình 9: Lời nguyện ước, 1966. Sơn dầu trên toan. Ký và đề chữ Hán dưới phải

 

Nhắc đến sự nghiệp nghệ thuật của Vũ Cao Đàm mà không đề cập tới các sáng tác mang âm hưởng thi ca Việt sẽ là một thiếu sót lớn. Ông với ngôn ngữ hội họa lĩnh hội cả Á Đông lẫn châu Âu đã nhiều lần vẽ về chủ đề được lấy cảm hứng từ tác phẩm “Chinh Phụ Ngâm” của Đặng Trần Côn hoặc danh tác “Truyện Kiều” của Nguyễn Du. Phổ họa những tác phẩm ấy, Vũ Cao Đàm đã chọn nhiều hoạt cảnh khác nhau, có khi là tráng sĩ lẫm liệt đeo gươm chuẩn bị lên đường, cũng đôi lúc là khung cảnh người chinh phụ địu con khi tiễn biệt người chồng ra chiến địa hay Kiều và Kim Trọng gặp gỡ và đính ước. Đề tài này về sau cũng trở thành một yếu tố quan trọng trong hội họa của ông.

Hình 10: “Thuý Kiều và Kim Trọng”, 1969. Sơn dầu trên toan. Ký “Vu Cao Dam 69” dưới phải.

 

Ngoài những mạch nguồn cảm hứng trên trong sáng tác hội họa, nghệ thuật hát cô đầu (ca trù), hoa lá cũng từng là đề tài được ông dày công nghiên cứu. Song tựu trung lại, với mỗi một chủ thể được khắc họa, đều thấy được ít nhiều tác động của văn hóa Đông Tây hội ngộ tại tác phẩm của ông. Nhưng dẫu vậy, con đường học hỏi kỹ thuật từ phương Tây với ông cuối cùng vẫn là đi tìm về bản chất dân tộc và qua suốt một chặng đường dài sáng tác ở Pháp, ông cùng với ba họa sĩ khác là Lê Thị Lựu, Mai Trung Thứ và Lê Phổ đã tạo lập nên một bộ tứ danh họa Việt có ảnh hưởng tại châu Âu.

Lê Quang

Link nội dung: https://nghethuatvietnam.vn/vu-cao-dam-giao-thoa-van-hoa-va-sang-tao-nghe-thuat-172.html