Họa sĩ Tô Ngọc Vân – Người mở lối cho hội họa hiện đại Việt Nam

Nếu như Nguyễn Gia Trí được coi là "cha đẻ" của nghệ thuật sơn mài tân thời , thì không thể không nhắc đến một người nghệ sĩ khác đã có công đầu trong việc phát triển nghệ thuật tranh sơn dầu tại Việt Nam, ông là Tô Ngọc Vân. Ông không chỉ được biết đến như một họa sĩ tài hoa, mà còn là một giáo viên nhân văn, một người thầy đầy tâm huyết với nghệ thuật và giáo dục. Tô Ngọc Vân đã đưa phong cách nghệ thuật phương Tây kết hợp một cách tinh tế với nét đẹp truyền thống của nghệ thuật Việt, ông đã không ngừng sáng tạo, thử nghiệm với những chất liệu mới mẻ. Chính sự đổi mới này đã tạo nên những bức tranh sơn dầu đầu tiên của Việt Nam mang một phong cách riêng biệt, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại.

121-1711707029.jpg
Họa sĩ Tô Ngọc Vân

Tô Ngọc Vân (1906-1954), còn có tên là Tô Tử, Ái Mỹ. Ông tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa II (1926-1931), là một trong bộ tứ của nền hội họa Việt Nam “Trí - Vân - Lân - Cẩn” (tức Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn). Ông sinh ngày 12 sinh ngày 15 tháng 12 năm 1906 (một vài tài liệu ghi là 1908) tại Hà Nội. Sau khi học xong năm thứ ba tại Trường Trung học Cơ sở Bưởi, ông bắt đầu vẽ tranh để chuẩn bị cho cuộc thi vào trường mỹ thuật. Ông đã đỗ vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương Khóa II (1926-1931). Trong thời gian học tập trên ghế nhà trường, với tấm lòng nhiệt huyết và niềm đam mê nghệ thuật, ông đã nhanh chóng tiếp thu những kiến thức tạo hình mới của phương Tây, đặc biệt là kỹ thuật vẽ bằng sơn dầu. Ông say mê tìm hiểu và thực hành phương pháp mới mẻ này một cách hăng hái, không hề biết mệt mỏi. Bởi lẽ, ông nhận thấy nghệ thuật tạo hình Tây phương có khả năng diễn tả trực tiếp những xúc cảm sâu lắng, những rung động trào dâng trong tâm hồn người nghệ sĩ khi đứng trước cảnh vật.
 

122-1711707032.jpg
Les Désabusé es (Vỡ mộng), mực và bột màu trên lụa, 1932, Tô Ngọc Vân

Khi ra trường ông sáng tác tại nhiều nơi và dạy học tại Campuchia. Ban đầu, Tô Ngọc Vân đã gặp nhiều khó khăn để hoạt động như một họa sĩ, nhưng ông đã không bao giờ từ bỏ ước mơ của mình. Ông đã dạy vẽ, viết bài cho các tạp chí và tờ báo, và thậm chí vẽ tranh dưới nhiều bút danh khác nhau. Ông đã đạt được sự công nhận quốc tế sau khi giành được huy chương bạc tại cuộc triển lãm Thuộc địa ở Paris vào năm 1931, và sau đó nhận được nhiều giải thưởng danh giá khác. Kể từ đó, cuộc sống của Tô Ngọc Vân đã trở nên ổn định hơn. Ông kết hôn với Nguyễn Thị Hoàn, người mẫu đầu tiên của ông vào năm 1932 và họ có 5 người con. Ông đã tiếp tục sự nghiệp giảng dạy và vẽ tranh của mình, góp phần vào nghệ thuật cả hai nước, Việt Nam và Campuchia.

135-1711707036.png
Ngôi nhà gần sông, sơn dầu trên canvas, 90x60 cm, Tô Ngọc Vân, 1929

Năm 1938 ông giảng dạy tại Trường Tiểu học Bưởi - ngôi trường thời thơ ấu của mình. Đến năm 1939, ông bắt đầu dạy vẽ tại Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương, trong thời gian giảng dạy ông đã góp phần tạo nên những thế hệ họa sĩ xuất sắc, có thể kể đến như Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên,.. Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, ông hăng hái tham gia công tác tuyên truyền bằng tranh ảnh, tiêu biểu là hai tấm áp phích lớn do chính ông thực hiện. Đỉnh điểm trong sự nghiệp của ông là bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh vẽ năm 1946. Cũng trong năm đó, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam mới thành lập. Từ năm 1946 đến 1949, ông liên tục tham gia các đội tuyên truyền, sáng tác tranh khẩu hiệu, cổ động cho kháng chiến…

124-1711707038.jpg
Lá thư, Mực và bột màu trên lụa, 69x69 cm, Tô Ngọc Vân

Tô Ngọc Vân là một những thế hệ đầu tiên được tiếp cận với nền hội họa phương tây, chính vì thế ở ông những tri thức hội họa phương đông kết hợp phương tây nhuần nhuyễn. Ông sở hữu một phong cách riêng biệt, lạ mắt, hoàn toàn khác biệt so với các họa sĩ đương thời. Các tác phẩm của ông thiên hướng theo trường phái chủ nghĩa duy sắc. Màu sắc trong tranh của ông rất tươi sáng, giàu chất thơ, sống động nhưng vẫn giữ được sự tinh tế, diễn tả cảm xúc và tư tưởng nghệ thuật một cách sâu sắc. Và mỗi bức tranh đều thể hiện lòng đam mê và cảm xúc chân thành của ông với hội họa

125-1711707041.jpg
Thuyền trên sông Hương , 1935, Sơn dầu trên vải, Tô Ngọc Vân

Họa sĩ Tô Ngọc Vân là một trong những người tiên phong đã khắc họa hình tượng người phụ nữ Việt Nam một cách sâu sắc. Trong thời kỳ Pháp thuộc, ông tập trung vẽ chân dung người phụ nữ Việt, đặc biệt là hình ảnh người phụ nữ nông thôn chất phác, gần gũi. Thông qua những bức ký họa sống động vẽ tại quê nhà, ông ghi lại nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt, tiêu biểu là hai tác phẩm “Hai thiếu nữ và em bé”, “Thiếu nữ bên hoa huệ” vừa thể hiện vẻ đẹp trong trẻo, ngây thơ của tuổi thanh xuân vừa toát lên nét mạnh mẽ, kiêu hãnh của người phụ nữ. Qua từng nét vẽ tinh tế kết hợp gam màu ấm đẫ làm nổi bật vẻ đẹp của người phụ nữ. Các tác phẩm về người phụ nữ của ông luôn toát lên sự trân trọng, ngưỡng mộ và khát khao được bảo vệ và tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ dân tộc.

126-1711707044.jpg
Chân dung Thiếu nữ, sơn dầu trên canvas, 73 x 54 cm, 1942, Tô Ngọc Vân

Bức tranh sơn dầu “ Chân dung thiếu nữ”  của Tô Ngọc Vân là minh chứng cho sự tôn vinh người phụ nữ Việt Nam của ông. Trong bức tranh, hình ảnh người phụ nữ mặc áo dài hiện đại, đầu đội kiểu tóc Bắc bộ, trang điểm thanh nhã, đôi bàn tay uyển chuyển được ông phác họa tinh tế thể hiện nét đẹp truyền thống nhưng không kém phần hiện đại.

Dáng điệu tự tin, ánh mắt sắc sảo của nhân vật nữ cho thấy sự tự chủ, khẳng khái chứ không hề bị khuất phục bởi định kiến xã hội. Sự kết hợp hài hòa giữa gam màu xanh đậm của nền tranh với những điểm nhấn hồng, vàng, trắng tinh tế đã làm nổi bật lên vẻ đẹp thanh lịch, hiện đại của người phụ nữ thành thị. Bức tranh thực sự là một đổi mới trong cách thể hiện hình tượng người phụ nữ Việt Nam đương thời.

Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, Tô Ngọc Vân đã hoàn toàn đi theo con đường cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam do Hồ Chủ tịch lãnh đạo. Các tác phẩm của ông bước sang một trang mới, hướng tới mục đích cổ động, tuyên truyền cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Thay vì chỉ tập trung vào các đề tài thuần túy nghệ thuật như trước đây, Tô Ngọc Vân chuyển sang sáng tác những bức tranh có nội dung cách mạng, ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh và khí thế đấu tranh của quân và dân ta. Các tác phẩm của ông thời kỳ này đã trở thành những bức tranh cổ động xuất sắc, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong quần chúng. Đặc biệt, ông rất thành công trong việc khắc họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tác phẩm nổi tiếng "Hồ Chủ tịch làm việc tại Bắc Bộ Phủ". Tô Ngọc Vân đã trở thành người tiên phong sáng tác tranh cổ động cách mạng và chân dung lãnh tụ, có những đóng góp to lớn cho nền hội họa Việt Nam thời kỳ đầu cách mạng.

Ngày 17 Tháng 6 năm 1954, trong lúc đang trên đường đi công tác tại chiến trường Điện Biên Phủ, ông đã trúng bom và hy sinh thương tiếc ngay tại đèo Lũng Lô, gần sát chiến trường lịch sử này. Trong suốt quá trình cống hiến cho nghệ thuật cũng như cho sự nghiệp cách mạng, Tô Ngọc Vân luôn thể hiện sự dũng cảm và tinh thần chiến đấu cao độ. Những tác phẩm ký họa chiến trường đầu tiên của ông đã mở đường cho hình ảnh người nghệ sĩ chiến sĩ, kết hợp hài hòa giữa tài năng và lý tưởng cách mạng. Sự hy sinh của ông thực sự là một tổn thất lớn đối với nền hội họa Việt Nam.

Trần Thịnh

Link nội dung: https://nghethuatvietnam.vn/hoa-si-to-ngoc-van-nguoi-mo-loi-cho-hoi-hoa-hien-dai-viet-nam-21.html