Hai tác phẩm “Trẻ em ngoài trời” và “Múa lân” là hai kiệt tác khổ ngang đặc trưng trong giai đoạn Mai Trung Thứ cải biên ngôn ngữ sáng tác của mình. Cụ thể, kể từ khi định cư ở Pháp, đặc biệt là từ những năm 1950 trở đi, hội họa của Mai Trung Thứ trở nên giản lược hơn trong cách tạo hình. Lối vẽ này càng phổ biến và cải biên nhiều hơn trong tranh ông trong những năm 1960. Chủ thể được khắc họa vẫn thường là phụ nữ, trẻ em. Hoạt cảnh ông đặc tả thường là các khoảnh khắc thường nhật hoặc dịp lễ đặc biệt như chơi tết, học bài, ngâm thơ, tắm tiên,... Tạo hình nhân vật được ông đơn giản hóa tối đa, mặt tròn, mũi ngắn, dáng hình rất thơ ngây và màu nền thiên về gam màu trung tính, không đặc tả nhiều như trước. Có thể đây là kết quả của quá trình tiếp biến văn hóa nghệ thuật Tây phương với Mai Trung Thứ. Những năm này, ông nghiên cứu, lấy nhiều tham chiếu từ hội họa Phục Hưng để biến tấu vào trong các sáng tác của mình nhưng vẫn giữ được cốt lõi văn hóa Việt và truyền tải tinh thần bình dị, thảnh thơi tận hưởng qua từng tác phẩm.
Họa sĩ Mai Trung Thứ (1906 - 1980)
Tác phẩm: Trẻ em ngoài trời (Les Fillettes en Plein Air) (1964)
Chất liệu: Mực và bột màu trên lụa, bồi trên giấy
Kích thước: 31.8 x 92.8 cm (không khung), 52.7 x 114.9 x 3.2 cm (có khung)
Ký, đề năm và triện con dấu nghệ sĩ trên phải mặt trước. Mặt sau có ký và đề tên “Les fillettes en Plein air / 1964”
Nguồn gốc
Findlay Galleries, New York.
Bộ sưu tập tư nhân tại California (được mua lại từ bộ sưu tập trước đó, năm 1965)
Từ một bộ sưu tập tư nhân đưa ra đấu giá
Tác phẩm “Trẻ em ngoài trời” được vẽ trên chất liệu lụa và đi kèm khung sơn mài tự làm đặc trưng. Mai Trung Thứ trang trí chiếc khung này bằng một loạt những bông hoa nhỏ, “đo ni đóng giày” cho bức tranh bên trong, nơi 12 bông hoa nhỏ khác cũng đang vui đùa giữa thiên nhiên tươi đẹp. Từ những cây xanh, dải hoa, đồi cỏ, viền đất cho đến hình ảnh trẻ em vừa đơn lẻ vừa có cặp và nhóm được đặt cao thấp khác nhau, Mai Trung Thứ khéo léo sắp xếp bố cục lượn sóng, mang lại cảm giác an toàn, ấm áp mà cũng rất gần gũi. Độ này có thể đã vào xuân, trong khu vườn ông vẽ những đóa hồng trà và cả những khóm thủy tiên đa sắc. Ngoài ra, cách ông kể câu chuyện trong sáng tác này thú vị ở chỗ mỗi hoạt cảnh của nhóm nhân vật đều có thể tách thành một bức tranh nhỏ khác. Đơn cử như hai chị em đang tán gẫu về hương thơm của hồng trà ở trung tâm bức tranh, nhóm bốn đang mải chuyện trò hay ngay cả ở góc phải - hình ảnh một em bé đang nâng niu thủy tiên đỏ đều được vẽ với sự chỉn chu và có thể đứng riêng như một tác phẩm hoàn thiện. Toàn bộ bức tranh mang hơi hướng nhẹ nhàng, bình yên, trong trẻo và khơi gợi nhiều niềm vui.
Họa sĩ Mai Trung Thứ (1906 - 1980)
Tác phẩm: Múa lân (La Danse de la Licorne) (1964)
Chất liệu: Mực và bột màu trên lụa, bồi trên giấy
Kích thước: 32.7 x 94.3 cm (không khung), 52.7 x 114.9 x 3.2 cm (có khung)
Ký, đề năm và triện con dấu nghệ sĩ dưới trái mặt trước.
Nguồn gốc
Fine Arts Investment Corporation, Chicago.
Bộ sưu tập tư nhân, California (mua từ bộ sưu tập trước, 1966).
Từ một bộ sưu tập tư nhân đưa ra đấu giá
Tác phẩm “Múa lân” mang tinh thần mùa lễ hội của Việt Nam với hình ảnh múa lân khỏe khoắn và vui tươi. Khung nguyên bản của nghệ sĩ, theo âm hưởng này, được trang trí bởi hệ thống hoa văn song hoàn mang họa tiết hai đồng tiền vàng đan vào nhau cùng dải hoa cúc. Vẫn với mô típ vẽ bố cục nhân vật và các nhóm hình ảnh theo đường lượn sóng mềm mại, trong tác phẩm “Múa lân”, ông dẫn dắt người xem về với niềm vui trẻ thơ những đêm tết trung thu nhộn nhịp. Giữa mỗi nhân vật là liên kết nhỏ được kể bằng hình như ánh mắt, điệu bộ chỉ tay, thế đứng,... tất cả góp lại thành một bức tranh được nhìn ở góc bao quát, vừa tôn vinh tinh thần đồng đội trong mỗi trò chơi, vừa toát ra niềm vui giản dị của tuổi thiếu thời. Dù đặc điểm của tranh mang cảm quan thị giác, lan tỏa tâm thức, song đây là một kiệt tác gợi ra tính động, âm thanh khua chiêng, gõ trống và cả tiếng rầm rì của đám trẻ đang ngồi bàn tán. So với tác phẩm “Trẻ em ngoài trời” đặc tả đa phần các bé gái trong tiết xuân về, “Múa lân” có thể coi như một đối ngẫu vừa vặn với hoạt cảnh các bé trai trong lễ hội trăng rằm.
Lê Quang
Link nội dung: https://nghethuatvietnam.vn/hai-kiet-tac-ve-ve-tre-em-cua-mai-trung-thu-303.html