NGUYỄN LÂM - MỘT NHÂN TỐ NỔI BẬT CỦA MỸ THUẬT PHÍA NAM TỪ THẾ KỶ 20

Họa sĩ Nguyễn Lâm (tên thật Lâm Huỳnh Long) sinh năm 1941 tại Cần Thơ. Ông tốt nghiệp Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn năm 1963. Trước đó, ông từng được nhận bằng khen tại Triển lãm Mỹ thuật Quốc tế tại Sài Gòn năm 1962, Huy chương bạc Triển lãm Mùa xuân năm 1962. Tranh của ông được đưa đi tham dự sự kiện nghệ thuật nổi tiếng Biennale de Paris ở Pháp năm 1961 và 1963, triển lãm Mỹ thuật quốc tế tại Kuala Lumpur năm 1963; New Delhi năm 1967 và tại New York năm 1968. Nguyễn Lâm từng có nhiều cuộc triển lãm cá nhân ở trong và ngoài nước, tên tuổi ông cũng được giới thiệu rộng khắp trong các sự kiện trưng bày nhóm tại khắp nơi trên thế giới. Ngoài ra, ông từng giảng dạy tại Trường Quốc gia Trang trí Mỹ thuật Gia Định và là thành viên của Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh cũng như Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Nguyễn Lâm là một họa sĩ có tài trong địa hạt sơn mài. Ngoài các sáng tác mang đặc trưng riêng, năm 2013, ông được Tổng Lãnh sự Pháp tại Hồ Chí Minh chọn mặt gửi vàng để phục chế bức tranh sơn mài khổ lớn “Đám rước” (1.8 x 3m) của danh họa Nguyễn Gia Trí. Năm 2014, Thư viện Khoa học Tổng hợp Hồ Chí Minh cũng mời ông phục chế thành công ba tác phẩm “Hoài niệm xứ Bắc” (2 x 3m), “Múa dưới trăng (1.8 x 2.44 m), “Trừu tượng” (1.22 x 2.44m). Điều này cho thấy khả năng am hiểu sâu rộng và kỹ năng kiểm soát chất liệu nhuần nhị của ông đối với địa hạt sơn mài.

480566859-1708331546389983-5795636674431041416-n-1740539836.jpg
 

Trong sự nghiệp hội họa, Nguyễn Lâm đi từ hiện thực, rẽ nhánh sang ấn tượng, biểu hiện rồi đi sâu vào tranh trừu tượng trên cả hai chất liệu sơn dầu và sơn mài. Với dòng tranh biểu hình, ông vẽ nhiều về chủ đề thiếu nữ trong khi chuyển sang trừu tượng, ông chủ yếu vẽ về tinh thần thiền định, trầm mặc và cái vô hình của tâm trí. Cùng thời, ông và các họa sĩ như Hồ Hữu Thủ, Nguyễn Trung, Đinh Cường, Nguyên Khai, Trịnh Cung,... đã tạo ra một diện mạo nghệ thuật và đa sắc về hội họa trừu tượng ở khu vực phía Nam. Bảng màu trong tranh của Nguyễn Lâm tương đối trầm, ấm, không khí tranh tối tranh sáng tựa như thuở hỗn mang nhưng cũng mang tính nhịp điệu như một bài thơ. Trong một cuộc phỏng vấn năm 1997, năm ông cùng ba họa sĩ khác ở Sài Gòn như Hồ Hữu Thủ, Trịnh Cung, Nguyễn Trung được tuyển chọn tác phẩm để giới thiệu trong đại triển lãm “100 họa sĩ nổi bật của Đông Nam Á (Southeast Asian Art: A new spirit) do Bảo tàng Quốc gia Singapore tổ chức, ông chia sẻ: “Nếu sống ở một thời điểm khác, một không gian khác, với cái nôi văn hóa khác thì tôi với công việc sáng tạo của tôi có khởi điểm, tính chất dạng vẻ khác. Không nắm giữ những cái đã qua làm vốn liếng hành trang thì ngay cả bước đi cũng không vững, mà định hướng lại càng khổ. Hãy là một chủ thể với di sản văn hóa truyền thống của mình như một kẻ kế thừa xứng đáng và nhìn ra, có bổ sung hoán đổi, bắt nhịp dòng trào lưu lớn.”

Chất liệu và sắc màu đã như một vùng đất hoang vu và sâu thẳm mặc sức cho Nguyễn Lâm khai phá. Với tinh thần sáng tác tự do và hướng về phát triển dòng chảy của di sản văn hóa truyền thống ấy, nghệ thuật của ông được nhiều người yêu thích. Tác phẩm của Nguyễn Lâm nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, Bảo tàng Nghệ thuật Singapore,… cũng như trong các bộ sưu tập tư nhân khắp nơi trên thế giới.

Lê Quang

Link nội dung: https://nghethuatvietnam.vn/nguyen-lam-mot-nhan-to-noi-bat-cua-my-thuat-phia-nam-tu-the-ky-20-332.html