Giữa sắc thu Paris dìu dịu và thanh tĩnh, không gian của Bảo tàng Cernuschi trở thành một nơi chốn đặc biệt, nơi nghệ thuật Đông Dương được tái hiện với trọn vẹn tinh thần và tài năng của ba danh họa kiệt xuất: Lê Phổ, Mai Trung Thứ và Vũ Cao Đàm. Tuy mỗi người một thế giới tạo hình, một lối đi riêng biệt, nhưng trong triển lãm lần này, ánh nhìn và cảm thức thẩm mỹ như bị thu hút mạnh mẽ về phía các tác phẩm của Lê Phổ, người họa sĩ mang vẻ đẹp Việt Nam hòa quyện trong tinh thần thơ mộng của phương Tây
Một hành trình toàn vẹn từ nét bút đầu tiên
Lê Phổ hiện diện trong triển lãm không chỉ với những bức tranh đã hoàn thiện, mà còn đưa người xem trở lại nguồn cội sáng tạo qua các bản phác thảo bút chì, những nét vẽ đầu đời, giản dị, thuần khiết nhưng đầy tinh thần quan sát. Những thiếu nữ trong tranh ông, dù chỉ mới là vài nét dựng hình, đã gợi được vẻ đẹp thanh tú và nội tâm kín đáo của người phụ nữ Việt Nam. Đó là nơi người xem nhận ra sự nhất quán từ tư duy tạo hình đến cảm xúc nội giới mà ông gìn giữ suốt hành trình nghệ thuật.
Tranh lụa, hơi thở Á Đông giữa lòng Âu châu
Ở dải tranh lụa, Lê Phổ thực sự phát huy sở trường độc đáo, dung hòa kỹ thuật phương Tây học được tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương với chất liệu truyền thống Á Đông. Những bức tranh lụa của ông trong triển lãm lần này, tiêu biểu như "Sen vịt, các thiếu nữ, hoặc trong khu vườn nhiệt đới, hay những bó hoa sâu thẳm", mang một thứ ánh sáng dịu mát, với những gam màu ngả trầm gợi nhắc sơn mài, nhưng đồng thời vẫn đầy chất thơ. Ở đó, không gian như ngừng lại, thời gian trở nên vô định, và người xem được mời bước vào một thế giới trong trẻo, thanh bình, nơi người phụ nữ không chỉ là chủ thể tạo hình mà còn là biểu tượng của tâm hồn dân tộc.
Tranh sơn mài, thử nghiệm táo bạo trong quá trình chuyển giao
Bên cạnh lụa và sơn dầu, một vài tác phẩm sơn mài của Lê Phổ xuất hiện trong triển lãm như những dấu chấm lặng lẽ mà quan trọng, minh chứng cho giai đoạn ông tìm tòi chất liệu dân tộc trong biểu đạt hội họa. Với nền vóc thâm trầm, ánh kim vàng phảng phất và lối xử lý bố cục đầy tinh tế theo lối tối giản tuyệt đối, tranh sơn mài của Lê Phổ không đi theo hướng trang trí thuần túy mà mang theo chiều sâu nội tâm và mỹ cảm hiện đại. Dù không phải sử dụng quá nhiều chất liệu, nhưng chúng cho thấy sự nhạy cảm hiếm có của ông trước vẻ đẹp tiềm ẩn trong nghệ thuật truyền thống Việt Nam.
Sơn dầu, sự thăng hoa của cảm xúc và kỹ thuật
Lê Phổ đạt tới đỉnh cao biểu cảm với loạt tranh sơn dầu khổ lớn trưng bày ở phòng trung tâm. Các tác phẩm này thể hiện rõ ảnh hưởng của thời kỳ ông sống tại Paris, mềm mại, bay bổng, giàu sắc độ và đôi lúc đậm chất tượng trưng. Những dáng hình thiếu nữ nằm, ngồi, đóa hoa rực rỡ, đều toát ra một vẻ thanh tao đầy mê hoặc. Lê Phổ không đơn thuần vẽ chân dung hay tĩnh vật, ông vẽ một thế giới của mộng tưởng, của hoài niệm, nơi cái đẹp được nâng lên thành đạo lý sống.
Đối thoại với Mai Trung Thứ và Vũ Cao Đàm
Triển lãm lần này không chỉ là dịp tôn vinh Lê Phổ, mà còn là một không gian đối thoại nghệ thuật giữa ba tâm hồn lớn. Mai Trung Thứ với những ký họa sắc sảo và tranh lụa giàu tính điệu nghệ mang đến một nhịp điệu thị giác đầy nhã nhặn và cổ điển. Vũ Cao Đàm qua các tượng đất nung và bộ tranh ấn tượng đem lại sự tĩnh tại, suy tưởng và trầm mặc. Trong khi Mai Trung Thứ nhìn về quá khứ dân tộc như một dòng hồi tưởng, Vũ Cao Đàm hướng vào bản thể con người với tinh thần triết học phương Đông, thì Lê Phổ lại đứng giữa, vừa giữ cái nền văn hóa bản địa, vừa mở ra một cánh cửa đầy ánh sáng tới thế giới hiện đại.
Một dấu ấn đậm nét của nghệ thuật Đông Dương tại châu Âu
Triển lãm này là một minh chứng rõ ràng cho vị thế không thể thay thế của các họa sĩ Đông Dương trong dòng chảy mỹ thuật thế giới. Lê Phổ, với hành trình từ Hà Nội đến Paris, từ phác thảo đến tranh lụa, sơn mài, sơn dầu, đã khẳng định một lối đi riêng không lặp lại. Ông không chỉ vẽ để ngợi ca cái đẹp, mà còn xây dựng một thế giới nhân văn, nơi ký ức, hiện tại và khát vọng tương lai được lồng ghép tinh tế trên mỗi mặt toan.
Le Auction House
Link nội dung: https://nghethuatvietnam.vn/le-pho-ve-dep-vinh-cuu-trong-khong-gian-paris-365.html