NGUYỄN TƯ NGHIÊM - MỘT BIỆT LỆ CỦA MỸ THUẬT VIỆT NAM HIỆN ĐẠI

Nửa sau thế kỷ 20, Mỹ thuật Việt Nam đón nhận sự nổi danh của bộ tứ Nghiêm - Liên - Sáng - Phái như một điều tất yếu. Trong đó, Nguyễn Tư Nghiêm (1922 - 2016) đã tìm ra cho mình một lối đi riêng, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.

Trong địa hạt hội họa, mấy ai chưa từng nghe qua tên tuổi Nguyễn Tư Nghiêm với một khối di sản lớn các sáng tác trên đa dạng chất liệu từ bột màu giấy Dó, màu nước cho đến sơn mài lấy cảm hứng từ văn hóa truyền thống của dân tộc. Sinh ra trong một gia đình truyền thống Nho học tại xứ Nghệ, ông yêu thích bộ môn này từ nhỏ, lớn lên theo học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương từ năm 1941 cùng các họa sĩ khác như Huỳnh Văn Gấm, Tạ Thúc Bình, Nguyễn Văn Trung, Vũ Dương Cư, Trần Dụ Hồng, Nguyễn Bá Thuyết,... Sau khi ra trường, ông tham gia kháng chiến. Năm 1954, ông gia nhập Hội Văn nghệ Việt Nam và đồng thời giảng dạy tại Trường Trung cấp Mỹ thuật Việt Nam (nay là Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội).

499215198-122196918710123652-4449860077947949886-n-1747623225.jpg
 

Suốt một đời lao động nghệ thuật, tâm trạng thức tỉnh của Nguyễn Tư Nghiêm đặt nhiều vào khai thác hoa văn, chạm khắc Lý, Trần, Lê, tích cổ, mái đình, truyện xưa cùng các hoạt động văn hóa dân gian. Trước đó ông chủ yếu vẽ về hiện thực - những điều nhìn thấy trước mắt và phản ánh tâm thế vươn mình của lịch sử dân tộc. Một số sáng tác nổi bật ở thời kỳ hiện thực này có thể kể đến như “Đêm giao thừa bên Hồ Gươm” (sơn mài, 1957), “Con nghé và quả thực” (sơn mài, 1957), “Nông dân đấu tranh chống thuế” (Sơn mài, 1960),... Về sau, Nguyễn Tư Nghiêm từng bước mở rộng tư duy sáng tác của mình một cách tự nhiên. Ông khéo léo đặt vào tác phẩm điểm cân bằng giữa quá khứ và hiện đại, vượt qua ánh nhìn trực diện bên ngoài mà im lặng thể nhập, biết điều mình muốn và hiểu cái mình làm. Thông qua đó, ông đưa tới một tổng hòa của nhịp điệu khỏe khoắn, trải màu lão luyện, đường nét tinh giản, và hình tượng truyền thống theo một cách quan sát mới lạ. Điển hình trong đó là những tác phẩm “Điệu múa cổ” (sơn mài, 1970), 12 con giáp (bột màu, 2003), “Kim Vân Kiều” (Sơn mài, 1987),... Đặc biệt, lấy tứ từ cổ tích Việt, tác phẩm “Gióng” của Nguyễn Tư Nghiêm sáng tác năm 1990 đã được công nhận Bảo vật Quốc gia. Có thể nói, trước một điệu múa cổ, kiệt tác văn học “Truyện Kiều”, Gióng, một con giống, một đám trẻ chơi trăng,... đều có sự kết hợp sâu sắc của tình cảm, kiến thức tri giác và một lý tưởng cao cả. Cái ông chắt lại để mô tả được chúng chính là dựa vào hồn cốt văn nghệ dân gian và những đường hình chuyển động. Ông từng nhiều lần chia sẻ: “Tôi không gắn bó với một nghệ thuật nước ngoài nào cả, tôi chỉ tìm nơi dân tộc và thấy trong dân tộc có nhân loại và hiện đại”.

Chính ở hàng trăm tác phẩm thể nghiệm tạo hình mới, hướng đến bản sắc dân tộc và truyền thống lâu đời với tinh thần khai phá nghệ thuật, Nguyễn Tư Nghiêm đã biến mình trở thành một trường hợp cá biệt của hội họa Việt Nam, mang tầm ảnh hưởng đến nhiều thế hệ sau này. Ngoài rất nhiều giải thưởng vinh danh, tác phẩm của ông được đưa vào bộ sưu tập của các bảo tàng cũng như bộ sưu tập tư nhân lớn nhỏ trong và ngoài nước.

Le Auctions

Link nội dung: https://nghethuatvietnam.vn/nguyen-tu-nghiem-mot-biet-le-cua-my-thuat-viet-nam-hien-dai-372.html