MAI TRUNG THỨ, “BÊN BỜ SÔNG” – MỘT KHÚC GIAO HÒA GIỮA TUỔI THƠ, THIÊN NHIÊN VÀ KÝ ỨC QUÊ HƯƠNG

Cùng Lê Phổ, Vũ Cao Đàm và Lê Thị Lựu tạo lập nên tứ kiệt Đông Dương tại Pháp, danh họa Mai Trung Thứ với các tác phẩm đồ sộ truyền lại cho hậu thế mang nhiều tình cảm cũng như ý niệm về một Việt Nam thơ mộng. Ông hiện là họa sĩ đang năm giữ kỷ lục vê giá cho một tác phẩm tranh Việt với mức 3,1 triệu đô - tác phẩm "Chân dung cô Phượng".

Mai Trung Thứ (1906 - 1980) hay còn được gọi là Mai Thứ sinh ngày 10.11.1906 tại tỉnh Kiến An, nay là Hải Phòng, miền Bắc Việt Nam. Cha ông là Mai Trung Cát, Tổng đốc Bắc Ninh bấy giờ. Năm 19 tuổi, Mai Trung Thứ đỗ khóa đầu Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và là một trong những học trò đầu tiên tốt nghiệp ra trường năm 1930. Sau đó, ông được bổ nhiệm trở thành giáo viên dạy vẽ tại trường Trung học Khải Định (nay là trường Quốc học Huế). Trong khoảng thời gian sinh sống tại Huế, ông đã nghiên cứu nhã nhạc cung đình và chơi độc huyền cầm, đàn nguyệt và đàn tranh. Cùng với đó, ông còn tham gia minh họa cho một số tạp chí và tham dự cuộc thi thiết kếtem bưu chính. Trong thập niên 1930, Mai Trung Thứ nhiều lần cùng các họa sĩ khác có tranh trưng bày ở nhiều nơi trên thế giới như ở Ý (Rome 1932, Milan 1934, Naples 1934), ở Bỉ (Brussels 1936), ở Mỹ (San Francisco 1937). Cùng năm 1937, ông tham gia triển lãm thuộc địa tại Paris và quyết định sinh sống tại đây cho tới hết đời.

498588222-122197031342123652-4616643150372397830-n-1747638280.jpg

 

Vẽ năm 1970 trên chất liệu lụa bằng mực và màu nước, tác phẩm “Bên bờ sông” là một minh chứng sâu sắc cho lối tạo hình giàu trữ tình và nội cảm của ông. Với kích thước 46,2 x 60,5 cm, bức tranh tái hiện một lát cắt thanh bình của làng quê Bắc Bộ, nơi thiên nhiên và con người giao hoà trong sự tĩnh tại và thơ mộng.

Dưới gốc cây nơi góc trái tranh, một cậu bé ngủ trưa, gối đầu lên cánh tay, đôi chân vắt ngang gợi sự vô tư lự. Bên cạnh là giỏ quả và vài cuốn sách mở, biểu tượng cho tri thức dân dã và đời sống thanh bình. Phía xa là mặt nước phẳng lặng, nơi ba đứa trẻ đang nô đùa bơi lội giữa đầm sen, tạo nên những điểm nhấn chuyển động nhẹ nhàng trong bố cục yên ả. Trên nền phong cảnh rộng lớn là dãy núi xa lam và bóng dáng người cưỡi trâu thong dong, tất cả gợi nên một không gian nông thôn Việt Nam rất đỗi thân thuộc.

498175845-122197031318123652-2140882414209585658-n-1747638311.jpg

 

Về mặt tạo hình, tranh được thể hiện với đường nét mềm mại, bảng màu nhã nhặn gồm xanh lam, vàng đất, xanh lục và nâu trầm – đặc trưng cho giai đoạn ông đã hoàn thiện kỹ thuật lụa sau nhiều năm sinh sống tại Pháp. Mai Trung Thứ giữ vững tinh thần Á Đông nhưng tinh giản cấu trúc theo cách nhìn phương Tây hiện đại, tạo nên một chất lượng thẩm mỹ vừa dân dã, vừa trang nhã.

“Bên bờ sông” không đơn thuần là tranh trẻ em hay phong cảnh, mà chính là hồi tưởng về một miền ký ức quê hương đã được lắng lọc. Đó là Việt Nam trong trí nhớ của người xa xứ – dịu dàng, mộc mạc nhưng sâu sắc. Như nhiều tác phẩm khác của ông, tranh không thiên về sự kiện hay câu chuyện cụ thể, mà chuyên chở tâm thức, cảm xúc và cái đẹp lặng thầm của đời sống thường nhật.

Không thể tách rời tác phẩm này khỏi hành trình sáng tác bền bỉ của ông trong hơn bốn thập niên tại Pháp. Dù vẽ thiếu nữ phương Tây hay mẹ con người Việt, dù là ban công, hiên nhà, hay một khung cảnh hồ sen, thì cốt lõi trong nghệ thuật của Mai Trung Thứ luôn là hoài niệm và tình cảm dành cho quê hương. Ông ký tên bằng cả quốc ngữ lẫn triện đỏ, như một cách nhấn mạnh cội nguồn văn hóa không bao giờ rời xa.

“Bên bờ sông” vì thế không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật, mà còn là chứng tích của một tâm hồn Việt Nam giữa Paris – nơi nghệ thuật phương Đông và phương Tây đã tìm được điểm chung trong sự tĩnh lặng, dịu dàng và nhân văn sâu sắc.

Le Auctions

Link nội dung: https://nghethuatvietnam.vn/mai-trung-thu-ben-bo-song-mot-khuc-giao-hoa-giua-tuoi-tho-thien-nhien-va-ky-uc-que-huong-373.html