LÊ PHỔ, “NGƯỜI THỢ MAY”, BIỂU TƯỢNG CỦA VẺ ĐẸP THANH BÌNH VIỆT NAM TRÊN LỤA

Lê Phổ, người họa sĩ góp phần định hình ngôn ngữ hội họa hiện đại Việt Nam trong thế kỷ 20, từng bước khẳng định vị trí trên thị trường quốc tế với những tác phẩm kết tinh giữa tinh thần Á Đông và kỹ pháp Tây phương. Trong Người thợ may, ông đã dành trọn sự tinh tế để tái hiện hình ảnh một thiếu nữ Việt Nam đang chăm chú vá áo, một khung cảnh đời thường nhưng giàu chất thơ.

498685341-122197300364123652-2582606930651243030-n-1747795742.jpg

 

Tác phẩm: Người thợ may Họa sĩ: Lê Phổ (1907–2001) Chất liệu: Mực và màu trên lụa dán trên bìa cứng Kích thước: 35,2 x 29,5 cm Niên đại: Khoảng năm 1942 Ký tên và có dấu triện ở góc trên bên trái

Nguồn gốc: Bộ sưu tập tư nhân tại Saint-Germain-en-Laye

Chứng nhận: Sẽ được cấp chứng nhận xác thực do ông Lê Kim, con trai và chuyên gia về họa sĩ Lê Phổ xác nhận.

Thiếu nữ trong tranh khoác lên mình chiếc áo dài trắng, cúi đầu với ánh nhìn lặng lẽ, như đang thả hồn vào từng mũi chỉ. Cử chỉ đôi tay nhẹ nhàng, dáng ngồi gọn gàng, mọi yếu tố tạo nên một khung cảnh thấm đẫm vẻ đẹp thuần khiết và yên bình, một hình ảnh lý tưởng hóa của phụ nữ Việt trong tâm thức Lê Phổ.

Tác phẩm phản ánh rõ kỹ thuật điêu luyện của ông với chất liệu lụa, chất liệu vốn không cho phép sai sót. Lê Phổ tạo nên sự đối lập khéo léo giữa những vùng màu sắc đậm đặc như mái tóc hay mặt bàn với lớp áo dài trong suốt và tấm rèm xanh mỏng phía sau. Mảng sáng trắng từ áo dài làm nổi bật vóc dáng người thiếu nữ giữa không gian trầm lắng, vừa như hiện thực vừa như mộng tưởng.

Chiếc rổ có viền ngoài màu đỏ đen đặt phía trước, chứa đầy vải vóc đủ màu sắc, không chỉ hoàn thiện bố cục mà còn mang lại điểm nhấn thị giác đậm chất Á Đông. Mặt bàn sơn đen bóng loáng, chiếc ống đựng thư pháp và cành khô càng làm tăng chiều sâu văn hóa cho toàn cảnh.

499542091-122197300382123652-1813435755398394725-n-1747795742.jpg
 

Tác phẩm được sáng tác vào khoảng năm 1942, khi Lê Phổ vừa định cư tại Pháp. Đây là thời kỳ ông dần bước vào một giai đoạn sáng tác ổn định, phát triển lối vẽ trên lụa với ngôn ngữ tạo hình riêng biệt, pha trộn giữa ký ức quê hương và cảm thức thẩm mỹ phương Tây.

Vừa qua, Lê Phổ đang được vinh danh cùng các họa sĩ Mai Trung Thứ và Vũ Cao Đàm trong triển lãm lớn tại Bảo tàng Cernuschi, Paris với chủ đề “Những người tiên phong của hội họa hiện đại Việt Nam tại Pháp”, diễn ra từ mùa đông 2024 đến mùa xuân năm 2025. Việc sở hữu tác phẩm quý như Người thợ may vào thời điểm này không chỉ mang giá trị thẩm mỹ mà còn là một dấu mốc giàu ý nghĩa trong hành trình sưu tập hội họa Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Le Auction House

Link nội dung: https://nghethuatvietnam.vn/le-pho-nguoi-tho-may-bieu-tuong-cua-ve-dep-thanh-binh-viet-nam-tren-lua-378.html