Ông sinh ra tại Phan Thiết, lớn lên trong một gia đình khá có tiếng với bố - ông Trần Duy Hinh là một nhà tư sản và mẹ - bà Trương Thị hạnh, nữ hộ sinh có tiếng trong vùng. Trong gia đình ông không chỉ có ông là bộc lộ niềm đam mê sớm với nghệ thuật. Em trai của ông là Trần Duy Chánh từng làm diễn viên chính trong phim “Trọn với tình” là một bộ phim sớm xuất hiện ở giai đoạn còn non trẻ của phim truyện Việt Nam vào thập niên 1930. Từ khi còn trẻ, ông đã bộc lộ khuynh hướng nghệ sĩ rất rõ. Ông nhập học trường Gia Định tại Sài Gòn, khoa hội họa trang trí và tốt nghiệp năm 1937. Không chỉ theo học và phát triển con đường hội hoạ, ông còn thành thạo rất nhiều loại nhạc cụ như Violin, Accordeon, Guitar, đàn tranh,...
Chân dung họa sĩ Trần Duy Liêm
Cuộc đời của ông là một hành trình du ca và khám phá khắp nơi để phát triển khả năng hội hoạ của mình. Giữa thập niên 1940, ông hưởng ứng phong trào Tân Việt Nam của giới trí thức. Phong trào này có sự tham gia của các ông như Đào Duy Anh, Phan Anh, Vũ Đình Hòe, Nguyễn Văn Huyên… Tại Hội An năm 1946, Duy Liêm gặp ca sĩ Cẩm Vân, tên thật là Phan Thị Dục, lập gia đình với bà. Ông có cuộc sống hoạt động nghệ thuật khá phong phú. Họa sĩ Duy Liêm đảm nhận việc vẽ giấy bạc tín phiếu cho cơ quan in tín phiếu Liên Khu V ở An Lão, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định trong khoảng thời gian 1947-1948. Năm 1949, ông chuyển sang làm cho Sở thông tin của Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến Liên khu V, ông Nguyễn Duy Trinh. Từ 1950 – 1951, ông gia nhập Trung đoàn 802 Quân Y, liên khu 5, xã Nghĩa Hành, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi và tham gia ban văn nghệ bao gồm những nghệ sĩ nổi tiếng như Nguyễn Đỗ Cung, Lê Trọng Nguyễn.
Sau 1954, ông vào Sài Gòn sinh sống cùng gia đình. Cũng từ khoảng thời gian này, nhạc sĩ Lê Mộng Bảo được ông Tăng Duyệt là Giám đốc Nhà xuất bản Tinh Hoa - Huế phái vào Sài Gòn mở chi nhánh Nhà xuất bản Tinh Hoa, gọi là Tinh Hoa Miền Nam, và mời Duy Liêm vẽ bìa nhạc cho Nhà xuất bản này. Ðồng thời ông vẽ bìa nhạc và bìa sách cho các Nhà xuất bản khác như An Phú, Minh Phát, Phạm Văn Tươi, Diên Hồng, Sống Mới, báo Phổ thông của Nguyễn Vỹ, Nhà xuất bản Ly Tao của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và tạp chí Sáng Dội Miền Nam v.v… Những bìa nhạc của ông luôn mang trong mình chất riêng, mang đầy âm hưởng của thời đại. Ông bộc lộ rõ trường phái lập thể mà mình theo đuổi khi thường xuyên sử dụng những nét khắc họa gãy gọn, rõ nét, có bố cục rõ ràng để thể hiện nội dung tổng quan của bài nhạc.
Bìa nhạc “Đêm tâm sự” - hoạ sĩ Trần Duy Liêm vẽ
Các bìa nhạc mà ông vẽ đều có màu sắc đa dạng và thể hiện đúng tinh thần của bài hát. Hoạ sĩ Duy Liêm thường rất thận trọng trong việc lựa chọn màu cho các tác phẩm. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy mỗi bìa nhạc không có quá nhiều sự phối hợp màu sắc, đa phần là một tông màu chủ đạo làm nền chính cho tờ nhạc, ở một vị trí “đắc địa” hoặc là điểm tập trung của mắt nhìn. Những màu được kết hợp khác có khi là những màu tương đồng với màu chủ đạo (có thể nhạt hoặc đậm hơn), hoặc màu tương phản, nhưng đa phần là những màu gam nóng làm điểm nhấn. Những thiết kế của ông đều mang màu sắc, hơi hướng hiện đại, tinh tế nhưng cũng rất gần gũi và dễ tiếp cận người xem.
Bìa nhạc “Nhật ký của hai đứa mình” - hoạ sĩ Trần Duy Liêm vẽ
Ðến năm 1956, Duy Liêm kéo theo “đệ tử” Phạm Cung, làm maquette cho tranh sơn mài, các vật dụng sơn mài, thảm… cho hãng Thành Lễ với tư cách là họa sĩ chánh. Ðây là một công ty mỹ nghệ danh tiếng nhất miền Nam thời đó, có sản phẩm được giải nhất Hội chợ Paris và các nơi khác trong nhiều năm liên tục. Ông đã góp phần quan trọng tạo nên tên tuổi của Công ty này. Ngoài ra ông còn vẽ thêm tranh lụa, tuy không nhiều nhưng có một số tác phẩm nổi tiếng được biết đến như “Giấc hè”, “Du xuân”, “Hái sen”. Và bức sơn dầu tựa đề “Nhạc Sầu” được Giải nhất Đông Nam Á năm 1954 tại Exposition ở Manille và được mua bởi ông Tổng Thống nước ấy.
Người phụ nữ chơi đàn, tranh lụa, 52,5cmx37,5cm
Tranh của hoạ sĩ Duy Liêm với phong cách lập thể rất được ưa chuộng những năm trước 1975. Bức tranh “Người phụ nữ chơi đàn” vẽ ra trước mắt hình ảnh cô gái với tà áo dài mềm mại bên cây đàn. Từng nét vẽ uyển chuyển của hoạ sĩ trong việc thể hiện mái tóc xoăn nhẹ bồng bềnh, tà áo dài buông lơi, từng ngón tay gảy đàn điêu luyện vô cùng sinh động và giàu cảm xúc. Người phụ nữ như đang chìm đắm vào khúc nhạc của riêng mình, thả hồn vào từng giai điệu. Việc phối hợp màu sắc cũng được hoạ sĩ Trần Duy Liêm làm vô cùng hài hoà. Điểm mạnh của tranh lụa là ở sự trong trẻo và êm dịu của màu sắc. Điều này càng làm cho bức tranh thêm phần dịu mắt, gần gũi hơn với người xem.
Người phụ nữ chơi đàn, tranh lụa, 52,5cmx37,5cm
Sau năm 1975, hoạ sĩ Duy Liêm vẫn tiếp tục vẽ tranh tạo mẫu cho Cơ sở sơn mài Vietnam Export từ năm 1976. Ông Huỳnh Hữu Ủy dẫn nguồn của ông Nhất Uyên trong một bài báo phỏng định là Duy Liêm đã để lại một số lượng rất lớn từ các tác phẩm từ sơn mài, sơn dầu, lụa, gốm, thảm…, và khẳng định đó là một công trình đồ sộ không mấy họa sĩ đạt được. Tuy vậy, ông là người nghệ sĩ kín tiếng, không tham gia triển lãm tranh, không tiếp xúc với đám đông và ít la cà kết bạn với báo chí nên tên tuổi của ông không mấy khi được nhắc đến.
Không thể phủ nhận, những bìa nhạc, mẫu tranh sơn mài và tranh lụa của ông tràn ngập hơi thở của thời đại. Hoạ sĩ Duy Liêm đã khẳng định được tài năng trong việc theo đuổi trường phái Lập thể, thể hiện nó vô cùng rõ ràng và thành công trong những tác phẩm của mình. Những tác phẩm của ông sẽ luôn sống, mang lại giá trị nghệ thuật văn hoá cao.
Phương Chi
Link nội dung: https://nghethuatvietnam.vn/hoa-si-duy-liem-mot-nguoi-nghe-si-da-tai-82.html