DANH HỌA NGUYỄN GIA TRÍ VỚI NHỮNG BỨC TRANH PHÁC THẢO

Nổi danh với những kiệt tác sơn mài kinh điển, nhưng bên cạnh đó Nguyễn Gia Trí còn để lại cho hậu thế một bộ sưu tập tranh phác thảo trên đa chất liệu. Đây không chỉ là bước tham chiếu quan trọng trong quá trình sáng tác mà còn thể hiện tư duy, là di sản nghệ thuật của ông.

Nhiều thập kỷ phiêu lưu trong hội họa, Nguyễn Gia Trí (1908 – 1993) thuộc lớp người xưa mang lại nhiều thành tựu to lớn cho nền mỹ thuật sơn mài hiện đại ở Việt Nam. Năm 1927, Nguyễn Gia Trí theo học khóa III trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, sau đó bỏ dở một thời gian. Mãi sau này, ông được duyên thấy một tác phẩm sơn mài do Trần Quang Trân sáng tác nên mới quyết tâm theo học lại, chuyên chọn bộ môn sơn mài và tốt nghiệp năm 1936. Chính từ một nguyện vọng phụng sự và tận hiến cho chất liệu sơn mài, ông cùng với họa sĩ Trần Quang Trân, Nguyễn Đỗ Cung, Phạm Hậu đều là những người đã nhìn ở địa hạt này muôn vàn điều kỳ thú và cùng các họa sĩ đương thời phát triển một chất liệu bản địa đến thời kỳ cực thịnh trong khoảng những năm từ 1938 đến năm 1944.

481130564-1711146339441837-6967981143776238770-n-1740449370.jpg

Cuộc tìm kiếm nghệ thuật ở nguyễn Gia Trí không đặt ở bối cảnh thực tế hằng ngày. Hầu hết các sáng tác của ông đều đi sâu vào âm hưởng rạo rực của vùng hư ảo thông qua một bảng màu tươi sáng, rực rỡ chỉn chu với tài năng làm chủ kỹ thuật sơn mài điêu luyện. Ông vẽ nhiều về đề tài phong cảnh, chùa chiền, thiếu nữ, mô-típ bình phong nhiều tấm tạo thành khổ lớn, nhân vật trong tà áo dài dân tộc, điệu đà bay bướm, linh biến hài hòa giữa thiên nhiên khoáng đạt. Trong các tác phẩm cái toát ra đôi khi chan chứa hoài niệm, lúc hoan ca, rực cháy như một khát khao mãnh liệt và cũng có lúc êm dịu như một khúc tự tình. Hai trong số đó kể tới như kiệt tác “Vườn xuân Trung Nam Bắc” (1969 - 1989) và “Bình phong” (1944) cho tới nay đã được công nhận danh hiệu Bảo vật Quốc gia. Ngoài ra, dù có thời kỳ sau những năm 1950, tiềm thức thẩm mỹ của Nguyễn Gia Trí đặt nhiều vào tranh trừu tượng để bộc lộ nội tâm song cuối đời ông vẫn tìm về với vẻ đẹp mộng mơ, lộng lẫy của sơn mài truyền thống.

Bên cạnh các tác phẩm sơn mài hoàn chỉnh, Nguyễn Gia Trí được biết đến là người nghiên cứu hình, bố cục kỹ càng thông qua những bức ký họa mực then, sơn cánh gián, sáp màu, bút bi, bút dạ và chì than trên giấy, giấy can hoặc bìa cứng. Hệ thống phác thảo này không chỉ thể hiện tài năng của một nghệ sĩ mà còn là di sản nghệ thuật quý báu, góp phần làm phong phú tư liệu nghiên cứu về quá trình thực hành của người nghệ sĩ chân chính.

Hầu hết với mỗi một tác phẩm sơn mài, Nguyễn Gia Trí đều phác thảo trước. Từ thời sinh viên ông đã nổi tiếng với tài ký họa nhanh, nắm bắt được hồn cốt sự vật mà sau này ông vận dụng nhiều vào làm phác thảo. Đây là khâu giúp ông giải quyết các vấn đề về cách sắp xếp, độ uyển chuyển của nét, bố cục màu nền, màu của các chất liệu khác như vàng, bạc, vỏ trai, vỏ trứng. Do là phác thảo chi tiết trước khi hoàn thành tác phẩm sơn mài nên chủ thể của hai chất liệu này trong tranh ông đồng nhất, đa phần là hoa, lá sen, khóm chuối, rặng cây hay phong cảnh đình chùa, miếu mạo, nghiên cứu dáng đứng, dáng ngồi của người thiếu nữ,... Điểm khác biệt ở hai chất liệu nằm ở việc tư duy thực hành của người nghệ sĩ. Cụ thể, sinh thời Nguyễn Gia Trí từng chia sẻ rằng “tranh không phải bản sao chép của phác thảo”, tức với mỗi phác thảo cũng có thể coi như một thực hành độc bản, gần như rất hiếm để thấy một bản phác thảo hoàn chỉnh giống với một bức tranh sơn mài cụ thể nào và kết quả trên chất liệu sơn mài là sự tổng hòa của thêm lần điều chỉnh trong quá trình sáng tác.

Lê Quang