Xưởng vẽ Họa sĩ Nguyễn Trung. Ảnh nguồn: The LEADER
Ngoài thành tích về giá trị nghệ thuật, Nguyễn Trung còn góp phần rất lớn trong việc phát triển và tôn vinh nghệ thuật miền Nam Việt Nam. Ông từng giữ nhiều vai trò quan trọng trong giới nghệ sĩ, như chủ tịch Hội Họa Sĩ Trẻ ở Sài Gòn (1969-1973), và là "ngọn cờ đầu" của "Nhóm 10 người" ở TP. Hồ Chí Minh (1989-1996). Không chỉ là một họa sĩ tài hoa, Nguyễn Trung còn là một cây viết năng nổ với những bài viết tư liệu chất lượng cao trong lĩnh vực nghệ thuật. Cùng với Ca Lê Thắng, ông đã sáng lập và biên tập tờ Tạp chí Mỹ Thuật của Hội Mỹ Thuật TP. Hồ Chí Minh từ năm 1991 – 1997, góp phần quan trọng trong việc giới thiệu và tôn vinh các giá trị nghệ thuật của miền Nam Việt Nam.
Nhìn theo lịch đại, có thể tạm chia Nguyễn Trung thành hai giai đoạn sáng tác: thời kỳ hiện thực/biểu hình (1961-1975) và thời kỳ trừu tượng (từ 1990 đến nay). Tuy nhiên, thực tế thì sau này Nguyễn Trung vẫn phải vẽ đan xen giữa biểu hình và trừu tượng. Như năm 2006 tại triển lãm chung ở California, Mỹ, Nguyễn Trung chia sẻ: “Đối với người Việt, dù là ở trong nước hoặc hải ngoại, những người từng yêu tranh figurative (biểu hình - PV) của tôi đều vẫn còn giữ tình cảm với loại tranh này. Chính vì cái ơn tri ngộ này mà tôi chưa thể dứt khoát với figurative”.
Trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, cách mà Nguyễn Trung vẽ phái nữ sáng trong đến thanh khiết là một thái độ vừa phản kháng vừa khước từ thế sự. Chính “ý thức vươn tới đổi mới” đã giúp Nguyễn Trung và nhiều thành viên trong Hội Họa sĩ trẻ Việt Nam tìm ra con đường đi riêng cho mình. Phái nữ trong tranh Nguyễn Trung khác biệt so với phái nữ trong tranh các họa sĩ tiền bối, khác cách vẽ của Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Vài họa sĩ cùng thời và nhiều người sau đó đã học hỏi, ảnh hưởng cách vẽ phái nữ từ Nguyễn Trung.
Mọi thứ vật dụng thân quen nhất với người họa sĩ như khung, toan, màu, bút vẽ, các loại dao kéo lỉnh kỉnh, và cả chiếc chổi dài để ông vẽ những bức tranh khổ lớn đều ngổn ngang như thể vừa qua một trận chiến. Nhưng là một ngổn ngang quen thuộc, theo trật tự của riêng ông. Chiếc rèm cửa mỏng màu nâu đất được mặt trời rọi vào, phản chiếu lên mọi đồ vật thứ ánh sáng hồng rất nhẹ, dịu ngọt và u hoài. Bức tượng Phật Bà cổ kính từ bi như thể chở che cho tất cả. Nơi đây vô vàn tranh vẽ phái nữ đã ra đời, đến nhiều nơi trên thế giới.
Một số tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Trung trên sàn đấu giá Quốc tế:
Linh Mai, ký trên góc là tên cô người mẫu, tranh sáng tác năm 1980, sơn dầu trên vải, kích thước 79,5 x 64 cm, họa sĩ Nguyễn Trung. Nhà đấu giá Aguttes đấu giá 26.000 euro năm 2022 tại Pháp.
Tác phẩm Nụ Sen, sáng tác năm 2007, sơn dầu trên vải, kích thước 64 x 54 cm, họa sĩ Nguyễn Trung. Nhà đấu giá Bonhams Hongkomg năm 2022 đấu giá 255.000 HKD, tương đương 765 triệu đồng.
Tác phẩm Quý Cô, sáng tác năm 2008, chất liệu sơn dầu trên vải, kích thước 40 x 30 cm, họa sĩ Nguyễn Trung. Đấu giá tại Bonhams Hongkong năm 2022 với giá 102.000 HKD, tương đương 306 triệu đồng.
Tên tác phẩm: Lady with Flower, năm sáng tác 2006, sơn dầu trên vải, kích thước 95 x 95 cm, họa sĩ Nguyễn Trung. Đấu giá tại Bonhams Hongkong năm 2021 với giá 177.500 HKD, tương đương 532.500.000 VND.
Tác phẩm Hoa Sen, sáng tác năm 2000, sơn dầu trên vải, kích thước 59 x 54 cm, họa sĩ Nguyễn Trung. Đấu giá tại Bonhams Hongkong năm 2021 với giá 265.000 HKD, tương đương 795 triệu đồng.
Tác phẩm Lady with Lotus, sáng tác năm 2007, sơn dầu trên vải, kích thước 99 x 99 cm, họa sĩ Nguyễn Trung. Tại nhà đấu giá Christies Hongkong năm 2020 với giá 275.000HKD, tương đương 825 triệu đồng.
Mối quan tâm của Nguyễn Trung dành cho đề tài thiếu nữ đến một cách tự nhiên và bình dị, trước hết từ hấp lực giới tính bản năng, sau đó là sự thương cảm và trân trọng tuyệt đối. Ông quan sát nhân vật nữ của mình như cách một người trai tương tư một (vài) cô gái, có khi hăng hái, lãng mạn; có lúc chỉ dám nhìn lén sau lưng; thậm chí trong không ít tác phẩm còn nhìn thấy được những huyễn tưởng xác thịt thầm kín. Trong một số ít tác phẩm thiếu nữ ngực trần của ông, tôi nhìn thấy tinh thần giải phóng phụ nữ, ảnh hưởng tính cách mạng táo bạo của Francisco Goya (1746-1828) nhưng đằm thắm hơn. Người nữ trong tranh Nguyễn Trung không nhìn vào kẻ đối diện một cách mỉa mai, thách thức hay gợi dục như nàng Maya. Cô không màng đến người xem, ánh mắt nhìn xa xăm, tự do đến mức lơ đễnh quên đi khuôn ngực trần của mình. Dù mang thân phận nào, trong bối cảnh nào, thiếu nữ của Nguyễn Trung vẫn luôn có sự bình an trên gương mặt.
Tóm lại, Nguyễn Trung là nghệ sĩ có lòng yêu hội họa bẩm sinh mãnh liệt, một cá tính đặc biệt hiếm gặp và kiến thức tích lũy cộng với bề dày chuyên môn, chiều sâu trí tuệ cùng với nhiều thành tựu mỹ thuật cao quí. Nguyễn Trung thực sự đã trước bạ tên tuổi mình trong làng nghệ thuật tạo hình hiện đại Việt Nam bằng những tác phẩm giàu chất thơ ở thời kỳ ông vẽ phụ nữ theo lối hiện thực và những họa phẩm đầy tính triết lý khi ông vẽ trừu tượng từ giai đoạn chuyển mùa nghệ thuật. Trên cơ sở đó, nhà phê bình Mỹ (Nora Taylor) và nhiều tác giả nước ngoài đã ngưỡng mộ, viết sách và bài trên báo ca ngợi họa sĩ. Do vậy, ta có thể nói: Nguyễn Trung là một tài năng hội họa hàng đầu của không gian nghệ thuật Nam bộ.
(Nguồn: Tổng hợp)