Lê Anh Vân – Một hành trình hiện đại cổ điển và trữ tình

Lê Anh Vân – Một hành trình hiện đại cổ điển và trữ tình

Năm 1984, Lê Anh Vân quả thực đã đi trước một bước vào hội họa thời kỳ Đổi mới (một thời kỳ sẽ chỉ chính thức bắt đầu kể từ 1986), bằng một tác phẩm hội họa sơn dầu bố cục lớn nhan đề: “Chiến lũy”.

Bức tranh đã giành được giải nhất tại Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc 1985 và hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam – như một sự xác nhận về nó, ở vị trí của một tác phẩm hàng đầu, không chỉ đã góp phần đánh dấu thời điểm hoàn tất của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa (đã tồn tại ở nước ta trên dưới 30 năm), mà còn góp phần quan trọng hình thành nên những nhân tố đầu tiên cho nền mỹ thuật Việt Nam thời kỳ Đổi mới.

LÊ ANH VÂN – Chiến lũy. 1984. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

… Trong “chiến lũy”, giữa cảnh đổ nát của mùa đông Hà Nội 1946, qua nét bút của người vẽ, sừng sững hiện lên bốn chiến sĩ “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, đầu đội mũ ca-lô, người áo trấn thủ, người vận sơ-vin. Một chiến sĩ ngồi ở bên phải, đối diện với người xem. Ba chiến sĩ còn lại đang hướng về phía chân trời đang rạng sáng, nhấp nhô những mái nhà cổ vẫn còn vương những vệt sương lạnh. Tất cả đều trong tư thế uy nghi mà thanh thản, sẵn sàng chờ giặc đến. Và lạ thay, ở đây, có cả một lọ hoa tươi, và đột nhiên, còn xuất hiện một chú gà trống, gà trống “Đại cát” Việt Nam, hiên ngang đậu trên cao, như một biểu tượng đối chọi với con gà trống “Gaulois”, khi ấy vốn được xem như là biểu tượng của lực lượng viễn chinh Pháp, những tên lính mũ nồi đỏ, đang “quyết tâm cướp nước ta một lần nữa”.

Có thể nói, kể từ sau bản đại anh hùng ca sử thi “Kết nạp Đảng trên chiến trường Điện Biên Phủ” của Nguyễn Sáng, thì một trong những tác phẩm hay nhất, đáng chú ý nhất và quan trọng nhất về đề tài cách mạng kháng chiến vẽ theo phong cách hiện đại – chính là bản anh hùng ca thấm đẫm tính lãng mạn và tính trữ tình của Lê Anh Vân.

Về đề tài cách mạng kháng chiến, tiếp sau, Lê Anh Vân còn có thêm một số tác phẩm đáng chú ý khác như “Phía trước”, “Những ngọn đèn”, “Bước ngoặt”…

LÊ ANH VÂN – Trở về (Mẹ con). 1999

LÊ ANH VÂN – Không gian tĩnh (Bù nhìn). 1999

Xem tranh Lê Anh Vân không thấy chữ “vội”, không thấy cái ào ào, ồn ã trong cái không gian ngày càng trở nên chật chội của đời sống mỹ thuật gần đây. Và ta như thêm một lần nữa nghiệm ra, câu nói của Albert Einstein: “Nếu anh đi càng nhanh thì anh sẽ đi được càng ít”, cũng là một triết lý trong nghệ thuật.

Vẽ nhanh hay chậm, sản lượng nhiều hay ít, thực ra không phải là vấn đề. Người vẽ tự mình câu thúc thời gian của chính mình, tự đề ra mục tiêu sản lượng cho mình, đấy mới là vấn đề. Trong nghệ thuật, “thi đua” là một chữ nguy hiểm.

Là một họa sĩ thực thụ, với Lê Anh Vân, hội họa không chỉ đơn thuần là một quá trình vận động thông qua biểu hiện các trạng thái của tinh thần và cảm xúc, mà qua đó tư tưởng của người vẽ có thể sẽ bị mài mòn đi, hoặc sẽ trở nên sáo rỗng, hoặc bị biến dạng theo thời gian – mà hội họa còn là một quá trình đào sâu và nuôi dưỡng tư tưởng để nâng cao khả năng phát hiện, nâng cao năng lực kiểm soát và định hướng cho những trạng thái tinh thần và cảm xúc ấy. Và bởi vậy, tranh có ra được hay không còn tùy thuộc vào thời gian do tư tưởng chi phối. Tư tưởng có chín muồi thì mới có tranh hay.

LÊ ANH VÂN – Tự do (Ngựa). 1995

Lê Anh Vân không quan tâm đến quá nhiều đề tài, vẽ cái gì, mà anh chủ yếu quan tâm vào việc vẽ được như thế nào. Chỉ với mô-típ “Bù nhìn”, anh đã có thể vẽ qua nhiều thời kỳ, trở đi trở lại, và dường như vẫn xem nó như là một đề tài có tiềm năng không cạn. Nghệ thuật của anh cũng không biến diễn trên quá nhiều hình thái, không biểu hiện cái tính hăng, nhảy hết từ hình thái này sang hình thái khác, mà là sự xâu chuỗi, chuyển hóa một vài hình thái mà anh thích hợp sử dụng, nhằm tạo ra một hình thái tích hợp, không hẳn hiện thực, không hẳn tượng trưng, không hẳn khách quan, không hẳn chủ quan, cụ thể mà cũng có khi hầu như trừu tượng…

Tranh của Lê Anh Vân dễ nhận ra vì chúng hẳn đã mang một căn cước, một vần điệu riêng, kết quả của một công phu tinh luyện hình ảnh và kỹ thuật hiển thị hình ảnh, biến cái quen thành cái lạ, biến cái xa lạ thành cái gần gũi, từ bên trong xương cốt, mạch máu của sự vật cho đến thịt da bên ngoài của nó.

Chỉ có những họa sĩ chạy theo thời trang mới không nhận thức được những giá trị “thời sự” của nghệ thuật cổ điển đối với nghệ thuật hiện đại và đương đại. Và đây cũng là một trong những lý do khiến nhiều họa sĩ ngày nay coi thường tầm quan trọng của nghệ thuật vẽ hình và vai trò của hình đối với nghệ thuật diễn không gian.

Tư tưởng của người họa sĩ về căn bản nằm ở hình. Cho dù chủ nghĩa ấn tượng có đẩy màu lên thành mục tiêu trên hết, và màu có thể làm đảo lộn cả cách tổ chức tri giác của hội họa – thì hình, rốt cuộc, vẫn giữ nguyên vị trí số 1 tưởng như đã mất của nó.

Nếu con người có thể dùng vật lý học và hóa học để tìm ra các nguyên lý tạo màu trong tự nhiên, thì có lẽ chỉ có toán học mới có thể giúp con người phát hiện ra các nguyên lý tự định dạng của vạn vật. Hình, thực ra, huyền bí hơn màu, và hình có thể là nơi ẩn giấu những mật mã bí ẩn nhất của tạo hóa.

Kandinsky, cho dù đã từng viết nên những trang sách tuyệt vời nhất về màu- thì bản thân ông vẫn cứ tỏ ra cực kỳ khoái trí khi mô tả Picasso sẽ “quăng” màu ra như thế nào, nếu nó gây vướng víu cho sự thuần khiết của hình.

Sự cân bằng và sâu sắc vốn có trong tư tưởng, quan niệm về hội họa, về hình-màu, nhất là hình, ở Lê Anh Vân, có lẽ đã được củng cố và trở nên chắc chắn hơn sau bốn năm anh tu nghiệp ở Roma (1989-1993), nơi mà trong nghệ thuật, cái truyền thống cổ điển và cái hiện đại, cái trật tự và cái hỗn loạn vẫn luôn luôn liên hệ và tương tác với nhau thông qua những giai điệu tuyệt vời của trí tuệ, tâm tính và tâm hồn con người, những hậu duệ của Leonardo da Vinci hay Raphael.

LÊ ANH VÂN – Chân dung vùng cao. 2007

Giống như một số họa sĩ bậc thầy đặc biệt kể từ đầu thế kỷ 20, Lê Anh Vân đã nghiên cứu và thực hành một lối “hình họa khô” (dessin sec) – một gạch nối giữa hình họa “mềm” cổ điển và hình họa “cứng” hiện đại. Nó dung hòa được cả các yếu tố tự nhiên mang tính vật chất, các yếu tố sinh học, với các yếu tố thuộc về nhận thức, các yếu tố hình học và phi vật chất – một thứ hình họa có thể gọi là “hiện đại-cổ điển”, đã từng mở ra rất nhiều cơ hội cho sáng tạo, đặc biệt trong lĩnh vực tượng hình.

Cũng có một số người lại đã đưa ra một định kiến: Lê Anh Vân vẽ quá kỹ thuật, một định kiến khá bất công! Phải chăng bây giờ người ta đã quá quen, quá thích nghi với những bức tranh chẳng có một chút kỹ thuật, kỹ năng nào, những bức tranh của những “loài chim” bẩm sinh biết hót nhưng hầu hết lại hót chẳng hề hay, hoặc của những người vẽ hoang tưởng mê tín vào cái gọi là sự màu nhiệm của bản năng tuyệt đối.

Lẽ đương nhiên, trong lịch sử, không phải là không có những họa sĩ bậc thầy, mà nếu theo Salvador Dalí, về mặt kỹ thuật, họ chỉ đáng được điểm không. Nhưng, kỳ thực trái lại, ở những bậc thầy ấy lại tập trung được một số yếu tính khác siêu việt vô cùng hiếm và vô cùng khó có. “Độ khó” (về kỹ thuật), gần đây đã được coi là một trong những chuẩn cơ bản để đánh giá nghệ thuật.

Cho dù kỹ thuật thường được hiểu chỉ là phương tiện, chứ không phải là mục đích, thì một họa sĩ thực thụ, tất nhiên là phải thực thụ, vẫn cần phải chấp nhận hội họa như một nghề nghiệp mang tính kỹ thuật. Có gì thú vị hơn khi âm nhạc vang lên tuyệt diệu, mà người soạn ra bản nhạc và người chơi đàn cũng chính là người đã tạo ra cây đàn, với âm sắc độc đáo của cây đàn!

LÊ ANH VÂN – Làng Phủ Dầy. 2001

Trong nghệ thuật hiện đại và đương đại, đôi khi, bản thân kỹ thuật và chất liệu chính là đề tài của tác phẩm. Và Lê Anh Vân thuộc vào các họa sĩ, thường xuyên hơn, cũng đã biến chất liệu, kỹ thuật thành đề tài, nhưng là thứ đề tài đứng thứ hai, của tác phẩm.

Nếu nhìn tổng quan – thì Lê Anh Vân đã đi tìm một khía cạnh riêng của một xu hướng hiện đại có thể gọi tên là “hội họa mờ” (peinture mate), một gạch nối giữa hội họa “tối” cổ điển và hội họa “sáng” hiện đại – khi người họa sĩ đã đưa các tương quan hình màu vào trong mối quan hệ với kết cấu bề mặt (texture) – để tăng gấp bội sức biểu cảm mà không làm mất đi tính đồng bộ của hội họa. Màu càng dày lên, đậm lên thì cảm giác về màu có vẻ như càng nhẹ đi, nhạt đi (nguyên lý tổng hợp trừ?!), gần giống như các hiệu ứng thông qua các thao tác chỉ thị của người điều chỉnh màn hình TV lập thể. Hình ảnh chỉ cần hiện lên vừa đủ theo thị hiếu và linh cảm rất chủ quan của người vẽ. Riêng về kỹ thuật vẽ sơn dầu, Lê Anh Vân quả là một bậc thầy.

Màu của Lê Anh Vân phải nhìn kỹ mới thấy hết vẻ lạ. Nó vẫn là trắng, đen, xanh, đỏ, tím, vàng, nhưng đã được tinh luyện tới mức khó có thể gọi được chính xác tên, bởi thường có những ánh xám mờ, bàng bạc như tuyết, rất dậy hương. Anh cũng rất giỏi sử dụng những sắc như của gỗ cứng đã qua sử dụng lâu năm, sâu thẳm và thân thuộc với đời sống thực cũng như đời sống tâm hồn của con người. Trong tranh Lê Anh Vân, các sắc chủ đạo được trải đều vững chắc (không bị cái lốm đốm như thường thấy ở nhiều họa sĩ khác), màu lồng gọn, với những vách ngăn ngon lành, có trò chơi sắc-độ đấy, nhưng kín đáo và đậm âm vang cổ điển. Anh cũng cực kỳ thuần thục trong các kỹ thuật cào nét, soi nét, như một đặc trưng của nghệ thuật Lê Anh Vân. Đôi khi, trên các mảng sáng, anh đi vài nét đậm và khan như nét than liễu (fusain), cũng là một thú chơi ngông, rất khó mà rất duyên. Phải chăng, nghệ thuật dùng màu của Lê Anh Vân (vậy cũng là nghệ thuật tạo kết cấu bề mặt), nếu không đạt tới những phẩm chất như vậy thì cũng không thể đạt được nội dung và tình cảm anh muốn nói, muốn thổ lộ. Một số phong cảnh, cảnh tượng, hình tượng phụ nữ, đặc biệt phụ nữ dân tộc và phụ nữ khỏa thân, hiện ra trong tranh Lê Anh Vân huyền ảo và tinh khôi tựa như được rọi dưới ánh ban mai – có thể được xếp vào những bài thơ đẹp nhất của anh.

LÊ ANH VÂN – Tắm. 2007

Ánh sáng trong tranh của Lê Anh Vân kể từ “Chiến lũy” đến nay vẫn luôn luôn đem đến những rung động, những suy tư, những hoài niệm khác lạ, khi lâng lâng, khi dào dạt, và cho dù có là thứ ánh sáng nào thì ánh sáng ấy vẫn là cái ánh sáng được phát ra từ ước vọng và tâm thức của người vẽ Lê Anh Vân, mát trong và tràn đầy hy vọng.

Lê Anh Vân không chỉ là một họa sĩ, một nghệ sĩ, một trong những người đã từng đi đầu của nền mỹ thuật Việt Nam thời kỳ Đổi mới, mà cho đến nay, anh vẫn là một trong số ít họa sĩ ở thế hệ mình luôn luôn và luôn luôn giữ được cái phong độ “trượng phu” của mình trong làng họa. Năm 2007, Lê Anh Vân đã vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Trong thực tế, Lê Anh Vân còn là một nhà giáo đã có trên dưới 40 năm giảng dạy tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, với học hàm phó giáo sư và danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. Cả trên tư cách của một nhà giáo hay trên tư cách của một họa sĩ, anh đều đã có những ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều thế hệ học trò, nhiều họa sĩ trẻ, hướng họ tới những chân trời sáng tạo trên nền tảng nghề nghiệp và bằng tình yêu thiên nhiên, cuộc sống và con người.

Không giống ai, mà cũng không cách biệt với tinh thần của nghệ thuật đương đại, Lê Anh Vân vẫn đang say mê và kiên trì tiếp tục đi trên con đường của riêng mình, tượng hình và nhân văn, trữ tình và hiện đại cổ điển.

Quang Việt