Đây là triển lãm chuyên đề về tranh sơn mài, với quy mô khá hoành tráng. Đã lâu lắm rồi Hội Mỹ thuật Việt Nam mới có một triển lãm chuyên đề về một chất liệu: Sơn mài. Các tác phẩm tham dự được các tác giả đầu tư khá công phu, đề tài phong phú: phong cảnh, chân dung, lễ hội, hoa, tĩnh vật… và có cả đề tài về biển đảo quê hương, với 83 tác phẩm của 83 tác giả, thu hút khá đông người xem, ở cả 3 tầng Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội, từ ngày 29/4 – đến ngày 7/5/2021.
Kỹ thuật sơn ta được các họa sĩ thể hiện điêu luyện, óng ánh, sâu thẳm, huyền bí, lunh linh, huyền ảo. Kỹ thuật sơn mài có nhiều bí hiểm: phủ nhiều lớp sơn, rồi mài… cho đến khi lộ ra những hình nét và màu theo chủ ý của tác giả, và đôi khi còn ăn may nữa. Ngày xưa các họa sĩ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã mài khá nhẵn mặt tranh; hiện giờ có những họa sĩ trẻ để lại một chút xù xì trên mặt tranh, có người còn gắn gốm, kim loại lên mặt tranh đã mài nhẵn bóng tạo hiệu quả thị giác bất ngờ. Hầu hết các tác phẩm đều làm theo kỹ thuật sơn ta truyền thống. Phòng tranh vẫn còn thiếu vắng một số họa sĩ sơn mài tên tuổi, do họ có điều kiện tham dự các triển lãm nhóm và triển lãm cá nhân, nên không gửi tác phẩm tham gia triển lãm này.
Triển lãm chuyên đề tranh sơn mài năm 2021 là nơi các họa sĩ thể hiện ý tưởng, tài năng, kỹ thuật chinh phục chất liệu ngày càng đạt đỉnh cao. Phần lớn các tác phẩm đều có kích thước lớn, do điều kiện kinh tế toàn xã hội cao hơn. Nhiều họa sĩ đã bán được tranh và sống được bằng nghề, nên phần lớn các họa sĩ đã đầu tư họa phẩm: vàng, bạc, son, vóc có chất lượng tốt hơn, nên độ bền của tranh sơn mài ngày càng cao hơn. Triển lãm có sự tham gia của ội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam ở nhiều lứa tuổi, đã nhiều năm say mê sáng tác bằng chất liệu sơn mài, từ Đoàn Văn Nguyên, Trần Phi Trường, Nguyễn Văn Bảng, Nguyễn Trường Linh, Đỗ Khải, Nguyễn Quốc Huy , Trần Lãng, Trần Quang Hải, Trần Tuấn Long, Nguyễn Hải Nam, Chu Cường… đến các họa sĩ trẻ như Nguyễn Hoàng Vân, Nguyễn Văn Hưng, Ngô Văn Dũng. Các họa sĩ trẻ đương đại đã kế thừa truyền thống của các bậc họa sĩ tiền bối, ngày càng làm giàu thêm ngôn ngữ hội họa của chất liệu.
Các đề tài như phong cảnh làng quê Việt Nam, phong cảnh miền núi, lễ hội, lịch sử, cảnh sinh hoạt, chân dung thiếu nữ, hoa… thường là thế mạnh của tranh sơn mài. Tại triển lãm lần này còn có những tác phẩm thể hiện đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng, như Khâu áo chiến sĩ của Lê Trí Dũng,v.v.
Tranh Dòng và giống của Hùng Khuynh gắn với sự tích con rồng cháu tiên. Nguyễn Thọ Tường với tranh Cổng tuổi thơ đưa ta về kỷ niệm làng quê yêu dấu. Trần Văn Đức với Một góc chợ đầy tính trang trí, bố cục lạ và đẹp mắt.
Nguyễn Quốc Huy có một dòng tranh phong cảnh vẽ các cây đa, cổng làng, đình, chùa ở các miền quê cổ kính. Anh đã thể hiện bảng màu xanh huyền diệu, và kỹ thuật thếp bạc độc nhất vô nhị, có chiều sâu, nhiều tầng, nhiều lớp, mài mặt tranh vô cùng nhẵn, mịn công phu.
Hoàng Hữu Vân với Dòng sông hát tả dòng sông Hồng trong ánh hoàng hôn, với sắc vàng lộng lẫy. Tranh ba tấm của họa sĩ trẻ Nguyễn Ngọc Hưng có cách tạo hình khá hiện đại, màu rất hài hòa, nhẹ nhàng.
Mảng tranh của các nữ tác giả đã để lại ấn tượng mạnh. Tắm suối của Mai San, Tắm trăng của Phạm Thị Nghĩa, khối khỏe và tròn đầy, miêu tả vẻ đẹp của các cô gái trẻ khỏa thân. Công Kim Hoa với Nhịp điệu, vẽ trừu tượng, màu đẹp, chuyển sắc tinh tế, chị không mài nhẵn mặt tranh, để những đường gờ nổi, gây hiệu ứng thị giác khá mạnh. Ngô Hải Yến với Mơ xưa, phong cách trừu tượng, màu đỏ thắm của son tương phản với màu đen, khối vững chắc, hình người đàn ông và đàn bà, và đốm đỏ của đứa trẻ, cầu nối hạnh phúc gia đình chất chứa tâm trạng. Lê Thị Dậu với Đường về tả cảnh các cô gái người dân tộc trên đường đi chợ về, ngồi nghỉ giữa rừng hoa mơ, hoa mận trắng xóa. Trần Thị Ngọc Anh với Vũ khúc của đêm vẽ một đàn mèo chạy trên những mái nhà phố cổ. Những con mèo ban ngày hiền lành, đáng yêu, dễ thương, nhưng đêm tối chúng mới thể hiện rõ bản chất hoang dại, ma mị, những đôi mắt xanh huyền bí, chúng gào rú trên các mái nhà cổ.
Ngọc Anh đã gắn những viên trai màu xanh ngọc lên những đôi mắt mèo, tạo một vẻ đẹp hoang dã, liêu trai. Chị hay vẽ các con vật như vịt trời, chim xanh, và bây giờ là mèo. Vũ Thanh Yên tả chân dung hai cô gái miền núi, sắc đỏ rực rỡ của trang phục rất hợp với màu đỏ cơ bản của bảng màu sơn mài truyền thống. Các nữ họa sĩ thường đi vào các đề tài nhỏ nhẹ của cuộc sống: phong cảnh miền núi, tắm, chân dung thiếu nữ hoặc hoa sen… Khả năng tả chất ngày càng được các họa sĩ nghiên cứu và thực hành nghệ thuật khá hiệu quả. Nguyễn Thị Hòa có bức chân dung tự họa rất đẹp, màu tóc “hai lai”, màu đỏ của nền gạch, màu của da thịt đàn bà… được chị vẽ rất rung cảm. Chị đã vẽ khá nhiều tranh chân dung bạn bè, người thân, và bây giờ là chân dung tự họa. Đoàn Thúy Hạnh với Mùa Xuân miêu tả chân dung các bé gái xinh đẹp và đáng yêu, khi mùa xuân về, gam màu nhẹ nhàng trong sáng. Tranh của Đỗ Thị Kim Đoan, hình mảnh mai và duyên dáng như một tứ thơ. Nguyễn Thị Tiến với Sen mùa hạ, tác phẩm được tặng giải C Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô năm 2020. Tranh trừu tượng, biểu hiện của Trần Thanh Vân cũng thu hút người xem.
Nhà Triển lãm 16 Ngô Quyền mới được nâng cấp nội thất và ánh sáng thành một nhà trưng bày đạt tiêu chuẩn hiện đại. Ngày trước các họa sĩ mong muốn được bày tranh ở tầng 1-2, ít ai muốn bày ở tầng 3. Nhưng ở tầng 3 hiện tại, là nơi có ánh sáng đẹp, không gian yên tĩnh để thưởng thức những bức tranh đẹp, trong âm nhạc êm dịu, thật tuyệt vời. Cuộc sống cứ trôi dần theo năm tháng, các bức tranh sơn mài luôn tồn tại với thời gian. Và cái Đẹp luôn làm giàu có tâm hồn con người, làm ta quên đi những lo toan vất vả đời thường.
Có thể khẳng định: Triển lãm chuyên đề tranh sơn mài 2021 là một triển lãm thành công về quy mô và chất lượng tác phẩm. Đúng như Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn đã nói: Triển lãm chuyên đề sơn mài 2021, là sự khởi đầu tốt đẹp của nhiệm kỳ mới của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Sơn mài đang là một không gian mở để các thế hệ họa sĩ có sự kế thừa và đóng góp; đĩa màu chỉ có thế nhưng các sáng tạo cá nhân của mỗi nghệ sĩ không làm mất đi dư vị độc đáo của sơn ta truyền thống, và cùng hòa vào dòng chảy của sơn mài đương đại. Kỹ thuật sơn mài tiếp tục được hoàn thiện, để nâng cao chất hội họa của sơn mài. Tính truyền thống của sơn ta được các thế hệ họa sĩ trẻ kế thừa và phát triển làm nền tảng cho các chất liệu khác cùng phát triển trong nền mỹ thuật Việt Nam đương đại.
Đặng Thanh Vân