Triển lãm thầy trò 3 miền đất nước

(PLVN) – “Gặp gỡ mùa thu” là triển lãm của họa sĩ Ngô Đăng Hiệp và 4 học trò Đoàn Tuyên, Hà Văn Chúc, Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Trần Trọng Đạt với những điều khác biệt, không chỉ về sắc màu, thời gian mà còn cả không gian.

Trong quá khứ, họa sĩ Ngô Đăng Hiệp từng là giảng viên trường Sư phạm, còn các hoạ sĩ Đoàn Tuyên, Hà Văn Chúc, Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Trần Trọng Đạt là sinh viên của khóa sư phạm mỹ thuật.

Sau khi ra trường, 4 người sống và làm việc ở nhiều vùng miền xa nhau, nhưng họ vẫn luôn cháy bỏng với đam mê. Cuối cùng, họ quyết định hội ngộ với thầy Đăng Hiệp trong triển lãm “Gặp gỡ mùa thu”.

5 họa sĩ của triển lãm “Gặp gỡ mùa thu”. Ảnh: BTC

Nói về triển lãm, PGS-TS Phan Thanh Bình (Trường Đại học Nghệ thuật Huế) nhận định: “Là triển lãm của nhóm 5 họa sĩ thuộc hai thế hệ, nhưng họ không làm cho công chúng quá chú ý về khoảng cách tuổi nghề, bởi họ gắn kết từ những điểm chung của sự say nghề với những cảm xúc dạt dào không giấu kín.

Tranh của họ rất khác nhau ở sắc màu với những nét mỹ cảm riêng lắng đọng và không khó để nhận diện mỗi người trong đó. Hơn nữa, mỗi người là một hướng đi, mỗi âm sắc, bút pháp và sự khác biệt, điều đó cho thấy những tìm kiếm sáng tạo là trăn trở, khắc khoải của cả cuộc đời để không theo lối mòn sẵn có nào đó”.

Thu mơ màng – Ngô Đăng Hiệp. Ảnh: BTC

Trong khi đó, giám tuyển Ngô Kim Khôi nhận định, ngôn ngữ hội họa của Ngô Đăng Hiệp là sự rực rỡ của sắc màu, trong khi đó, các tác phẩm của đóa hồng duy nhất trong nhóm – Nguyễn Thị Ngọc Ánh là nét nữ tính tràn ngập trong tranh, nét vẽ, màu sắc cũng như bố cục.

Với Trần Trọng Đạt là những kỷ niệm đan xen nhau bằng ngôn ngữ của màu sắc. Tranh của Hà Văn Chúc được diễn tả bằng màu sắc nhẹ nhàng, còn thế giới hội họa của Đoàn Tuyên là những khung trời tươi sáng, trong veo.

Dã quỳ – Hà Văn Chúc.

Festival Hạ Long – Trần Trọng Đạt.

Phố Tam bạc – Đoàn Tuyên. Ảnh: BTC

Nói thêm về quan niệm sáng tác, hoạ sĩ Nguyễn Thị Ngọc Ánh (1977, Quảng Bình) thổ lộ: “Để trở thành họa sĩ chuyên nghiệp thật sự không dễ dàng bởi nhiều yếu tố ảnh hưởng đến con đường của họa sĩ như lòng yêu nghề, sự đón nhận của người xem tranh, và cả vấn đề kinh tế.

Nếu một họa sĩ có đủ các yếu tố đó, họ thật sự hạnh phúc, bởi sống được với niềm đam mê của mình và mang lại niềm yêu thích cho người khác thông qua tác phẩm của mình. Mọi sự thành công hay không, hãy để thời gian và người xem cảm nhận, đánh giá”.

Những đứa con của mẹ – Nguyễn Thị Ngọc Ánh. Ảnh: BTC

Trong khi hoạ sĩ Ngô Đăng Hiệp (1962, Đà Nẵng) nói: “Tranh chính là người. Khi xem tranh cần chú ý đến tinh thần của tác phẩm. Tôi vẽ tranh rất chậm, một đến vài tháng mới xong một bức. Cũng có khi vài năm sau, tôi vẫn tiếp tục sửa nếu phát hiện ra yếu tố nào đó chưa vừa lòng. Với tôi, con đường của họa sĩ là con đường hạnh phúc. Họa sĩ như người hướng đạo, đưa mọi người đi đến những bến bờ an, vui”.

Triển lãm nhóm “Gặp gỡ mùa thu” khai mạc vào sáng 20/9 và kéo dài hết ngày 26/9 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM.

Nhã An

Nguồn: Báo điện tử Pháp luật Việt Nam