André Maire (1898–1984) là một họa sỹ du hành. Cuộc đời của André Maire gắn với nhiều sự dịch chuyển, nhưng trong đó, có một nơi ông dành hơn cả một thập kỷ để trải nghiệm và vẽ là mảnh đất Đông Dương.
Buổi bình minh của thế kỷ 20, cũng như bao nhà thám hiểm, nhiếp ảnh gia, văn nhân Pháp khác, André Maire tới Việt Nam với sứ mệnh quảng bá chính sách thuộc địa nhưng lại mang trong mình tâm thế của một họa sỹ du hành. Ông đã để lại hàng trăm sáng tác mang tính tham chiếu, tái hiện rất sát thực phong cảnh Đông phương.
André Maire, “Chân dung tự họa” (1923), sơn dầu trên toan, 33 x 41 cm.
André Maire sinh ngày 28 tháng 9 năm 1898 tại Paris. Năm 1909, cha của ông đã đăng ký cho ông vào học tại trường vẽ địa phương nằm ở Place des Vosges. André Maire với lòng yêu thích hội họa, thường xuyên lui tới học hỏi tại xưởng vẽ của các họa sỹ André Devambez, Émile Bernard. Theo lời khuyên của Émile Bernard, André Maire gia nhập lực lượng bộ binh thuộc địa khi tròn 20 tuổi. Chính quyết định này đã đưa tới cho ông một cuộc đời lữ hành không biên giới.
Vừa đặt chân đến Việt Nam, nhờ sự giới thiệu từ một người bạn của Émile Bernard, André Maire trở thành giáo viên hội họa dự khuyết của Trường Trung học Chasseloup-Laubat tại Sài Gòn từ ngày 2 tháng 2 năm 1920 đến ngày 1 tháng 8 năm 1921. Những trải nghiệm về vùng đất mới này của André Maire được thể hiện qua các tác phẩm mô tả lại sinh hoạt của người dân trên đường phố, quanh bến tàu và chuỗi công trình kiến trúc nổi bật tại Sài Gòn đầu thế kỷ 20. Khác với hình ảnh những ông Tây bà đầm trên phố phường trong tranh của André Joyeux – một họa sỹ Pháp cùng thời đi sâu vào mảng tranh biếm họa và là giáo viên, giám đốc đầu tiên của Trường vẽ Gia Định (École de Dessin), Sài Gòn, quan sát của André Maire hiền hòa và dân dã hơn. Sự mô tả của ông về con người là hình ảnh phụ nữ gác một chân lên ghế, tay cầm điếu thuốc, người đàn bà đội nón, đám đông tụ họp bên đường, v.v.. Ở một số tác phẩm mang tính tự sự cao, nét vẽ của André giống như của một người Sài Gòn kể cho thế hệ sau không khí dung dị trong thập niên 20 đầy biến động. Thời gian rảnh rỗi, ông cũng thường xuyên đi thăm thú, đặc biệt là trải nghiệm Campuchia, nơi quần thể đền đài Angkor Wat gợi trong ông nhiều xúc động. Cuộc hành trình đi qua một châu Á khác lạ này chính là nguồn cảm hứng cho ông sáng tác một bức tranh khổ lớn, giới thiệu tại Triển lãm Thuộc địa ở Marseille năm 1922.
André Maire, “Femmes Mois” – Những nữ thổ dân (1957), chì than và bột màu đỏ trên giấy, 50 x 65 cm.
André Maire, “Sous les cocotiers aux bords du Mékong” – Dưới rặng dừa bên bờ Mekong (thập niên 1950), chì than và bột màu đỏ trên giấy, 50 x 65 cm.
Trở về Pháp, André tiếp tục học tại Học viện Julian, một trường tư nhân về hội họa và điêu khắc ở Paris, rồi hải hành theo Émile Bernard sang Ý. Tại đây, ông kết hôn với con gái thầy Émile là Irène Bernard. Cặp đôi đã sống ở đó trong vòng bảy năm, họ điều hành một phòng trưng bày nhỏ, giới thiệu các tác phẩm của André. Hai người vẫn thường xuyên qua lại Paris. Trong khoảng thời gian này, nghệ sỹ bắt đầu phát triển kỹ thuật vẽ màu sepia (kỹ thuật vẽ chất liệu mực nâu đỏ), xuất bản vựng tập “Saïgon”, trình làng bộ sưu tập 40 bức tranh in mộc bản với lời mở đầu do Émile Bernard viết.
Năm 1930, André Maire đoạt giải thưởng của Trường Nghệ thuật Trang trí tại Casa Velasquez (một trường học Pháp ở Tây Ban Nha) và dành hai năm sinh sống ở đây để khám phá Toledo, Ronda, Salamanca, Gibraltar, v.v.. Cùng năm đó, ông mua một ngôi nhà tọa lạc tại Burgundy, Semur-en-Auxois – một thị trấn thuộc tỉnh Côte-d’Or trong vùng Bourgogne-Franche-Comté miền Đông nước Pháp. Cuối những năm 1930, họa sỹ tiếp tục khám phá những vùng đất mới, ông đến Ai Cập, Ấn Độ và Ceylon (Sri Lanka), v.v.. Sau đó, vì thời cuộc nhiễu loạn bởi Thế chiến II, ông buộc phải trở về Pháp theo lệnh điều động. Năm 1946, chiến tranh qua đi, ông tiếp tục chặng hành trình của mình đến Mali, Côte d’Ivoire, Dahomey, Sénégal và Cộng hòa Niger.
André Maire, “Phong cảnh ven sông” (1955), chì than và bột màu đỏ trên giấy, 50 x 65,5 cm.
Cuộc đời của André Maire gắn với nhiều sự dịch chuyển, nhưng trong đó, nơi ông dành hơn cả một thập kỷ để trải nghiệm và vẽ chính là mảnh đất Đông Dương. Năm 1948, André Maire trở lại Việt Nam, tới Đà Lạt và ký hợp đồng trở thành giáo sư hình họa cho Trường Cao đẳng Kiến trúc. Tại đây, vẫn với một phong thái nhàn nhã tận hưởng cuộc sống, ông dành nhiều thời gian cho việc chuẩn bị bài giảng và các chuyến vẽ trực họa phong cảnh cùng học trò. Với ông, Đà Lạt là một mảnh đất quá ư giàu có, kiến trúc đa dạng, các sắc thái văn hóa vừa riêng vừa chung của nhiều tộc người đan cài nhau. Ông thường sử dụng chất liệu chì son và chì than, kết hợp màu nước, bột màu để vẽ. Ông vẽ nhiều khung cảnh kiến trúc bên rừng, hồ, hoặc ở quanh thành phố, vẽ về đời sống thường nhật thì không đâu ngoài những khu chợ tấp nập cảnh bán buôn của đủ lớp người. Ông cũng quan tâm nhiều tới văn hóa của các nhóm người thiểu số, như người Ê-đê và Giarai. Ông vẽ họ trong trang phục truyền thống, đang sử dụng nông cụ sản xuất hoặc săn bắt trong rừng. Có dịp, ông cũng ra các vùng phụ cận như Nha Trang, Đà Nẵng để nghiên cứu nghệ thuật Chăm.
André Maire, “Phong cảnh Siem Reap” (1955), chì than và bột màu đỏ trên giấy, 50 x 65 cm.
Đến năm 1950, ông quay lại Sài Gòn vì Trường Cao đẳng Kiến trúc chuyển đến đó. Chủ đề sáng tác của ông vì vậy mà chuyển hướng sang cuộc sống của người Kinh ở vùng đồng bằng. Những quan sát của ông tại đây trong thời kỳ này xoay quanh đời sống người dân bản địa. Ông quan tâm đến sinh hoạt thường nhật của người Hoa ở khu vực Chợ Lớn qua những hình thái buôn bán truyền thống gắn liền với mặt phố. Đôi khi, ông ngược dòng Mekong, đặt chân tới vùng Thượng Lào như cố cung Luang Prabang để nghiên cứu lịch sử, văn hóa và rất chú tâm đến tượng đá cũng như phong cảnh đền chùa, cung điện.
Chiếm nhiều sự quan tâm đặc biệt của ông nhất, có lẽ chính là mỗi lần ghé Campuchia thăm viếng Angkor Wat. Tại đây, với sự đồng hành của người bạn Henri Marchal, một kiến trúc sư và công chức người Pháp có nhiều thời gian nghiên cứu về nghệ thuật, khảo cổ học và bảo tồn, trùng tu các di tích của người Khmer tại Angkor, ông tỏ ra hào hứng hơn hẳn. Hình ảnh quần thể Angkor Wat đã đi vào rất nhiều sáng tác của André.
André Maire, “L’autel dans des arbres” – Bàn thờ trên cây (1953), chì than và bột màu đỏ trên giấy, 50 x 65 cm.
Năm 1955, ông kết thúc công việc giảng dạy tại Trường Cao đẳng Kiến trúc. Năm 1958, André Maire rời hẳn Việt Nam dù từng nghĩ đây là nơi sẽ gắn bó tới cuối đời.
André Maire qua đời tại Paris vào ngày 4 tháng 10 năm 1984, ở tuổi 86. Suốt một đời đi, trải nghiệm và vẽ ở nhiều địa điểm khác nhau, ông để lại một số lượng tác phẩm lớn, được nhiều viện bảo tàng Pháp sưu tập. Riêng một số bức vẽ về Angkor của ông đã được Guimet (Bảo tàng Quốc gia về Nghệ thuật châu Á) tại Paris mua lại. Sáng tác mang chủ đề châu Á của ông còn hiện diện trong các bộ sưu tập của một số bảo tàng lớn ở Pháp, như Bảo tàng Quai Branly, Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Troyes, Bảo tàng La Piscine, cũng như nhiều bộ sưu tập tư nhân.
André Maire, “Moïs et chevaux près de Dalat” – Đồng bào dân tộc thiểu số và ngựa ở Đà Lạt (1956), chì than và bột màu đỏ trên giấy, 50 x 65 cm.
Bài: Tâm Phạm
Nguồn: artrepublik.vn