Cùng Lê Phổ, Vũ Cao Đàm và Lê Thị Lựu tạo lập nên tứ kiệt Đông Dương tại Pháp, danh họa Mai Trung Thứ với các tác phẩm đồ sộ truyền lại cho hậu thế mang nhiều tình cảm cũng như ý niệm về một Việt Nam thơ mộng. Ông hiện là họa sĩ đang nắm giữ kỷ lục về giá cho một tác phẩm tranh Việt với mức 3,1 triệu đô – tác phẩm “Chân dung cô Phượng”.
Mai Trung Thứ (1906 – 1980) hay còn được gọi là Mai Thứ sinh ngày 10.11.1906 tại tỉnh Kiến An, nay là Hải Phòng, miền Bắc Việt Nam. Cha ông là Mai Trung Cát, Tổng đốc Bắc Ninh bấy giờ. Năm 19 tuổi, Mai Trung Thứ đỗ khóa đầu Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và là một trong những học trò đầu tiên tốt nghiệp ra trường năm 1930. Sau đó, ông được bổ nhiệm trở thành giáo viên dạy vẽ tại trường Trung học Khải Định (nay là trường Quốc học Huế). Trong khoảng thời gian sinh sống tại Huế, ông đã nghiên cứu nhã nhạc cung đình và chơi độc huyền cầm, đàn nguyệt và đàn tranh. Cùng với đó, ông còn tham gia minh họa cho một số tạp chí và tham dự cuộc thi thiết kế tem bưu chính. Trong thập niên 1930, Mai Trung Thứ nhiều lần cùng các họa sĩ khác có tranh trưng bày ở nhiều nơi trên thế giới như ở Ý (Rome 1932, Milan 1934, Naples 1934), ở Bỉ (Brussels 1936), ở Mỹ (San Francisco 1937). Cùng năm 1937, ông tham gia triển lãm thuộc địa tại Paris và quyết định sinh sống tại đây cho tới hết đời.
Hình 1: Chân dung họa sĩ Mai Trung Thứ
Quãng thời gian ở Việt Nam, trong tranh sơn dầu của ông đa phần khắc họa cảnh sinh hoạt bình dị của nông thôn Việt Nam, phong cảnh trữ tình của cố đô Huế và các vùng phụ cận như mái đình ven hồ, núi Ngũ Hành Sơn cũng như hình ảnh các học giả, thiền sư, thiếu nữ Việt. Đặc biệt, trong số các sáng tác ở giai đoạn này, trong tranh thường xuất hiện dáng hình của một thiếu nữ xinh đẹp có khuôn mặt mềm mại. Người con gái ấy tên Phượng (trong nhiều tư liệu có đề cập nhân vật tên Phương, cùng tên của con gái ông sau này). Một trong số các tác phẩm vẽ nhân vật kể trên – bức “Chân dung cô Phượng” đã được triển lãm tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1930 và Triển lãm Thuộc địa năm 1931 tại Paris, Pháp. Sau triển lãm, bức tranh được mua lại bởi một nhà đầu tư gốc Pháp và chuyển nhượng sang bộ sưu tập tư nhân của bà Dothi Dumonteil – một người Pháp gốc Việt tên thật là Đỗ Thị Lan. Năm 2021, cũng chính bức tranh này được đưa ra đấu giá tại Sotheby’s Hồng Kông ngày 18/04/2021 và đạt mức giá kỷ lục 3,1 triệu đô, trở thành kiệt tác đắt giá nhất của mỹ thuật Việt Nam trên thị trường giao dịch công khai.
Hình 2: Tác phẩm “Chân dung cô Phượng”
Những năm đầu ở Pháp, Mai Trung Thứ đã có sự cải biên trong phong cách hội họa của mình bằng cách chuyển từ sơn dầu sang tranh lụa. Từ nền tảng là các sáng tác sơn dầu được vẽ chủ yếu trong khoảng thời gian còn ở Việt Nam, khi sang tranh lụa, ông vẫn sử dụng kỹ thuật vẽ lụa truyền thống nhưng tự tay làm khung cho các tác phẩm của mình. Ở giai đoạn chuyển tiếp này, ông có nghiên cứu và vẽ một số chân dung của người phương Tây trên chất liệu lụa Á châu.
Hình 3: Chân dung thiếu nữ tóc vàng, 1941. Màu nước trên lụa. Ký tên và triện trên trái, dưới phải có biểu tượng huy hiệu Savoy (phía dưới phải)
Bức tranh được vẽ trong giai đoạn Mai Trung Thứ tới Macon (Pháp) và được gia đình Louis Combaud – một dược sĩ có ảnh hưởng và đồng thời là ủy viên hội đồng thành phố Macon từ 1918 tới 1925 nâng đỡ. Thời điểm này họa sĩ nghiên cứu nhiều về cách vẽ sao cho ra biểu cảm các nhân vật trong vùng với gam màu phấn pastel mà kết quả hài hòa thể hiện rất rõ trên gương mặt và mái tóc của người con gái trong tác phẩm. Có lẽ cũng cùng giai đoạn này ông được nhận trang trí một số tiểu giáo đường trong nhà thờ Saint – Pierre nên có sự nghiên cứu và sử dụng huy hiệu Savoy – một biểu tượng gắn liền với nhóm người Ý theo chế độ quân chủ chuyên chế đã rời Rome để di tản đi khắp nơi trong thế chiến II.
Trong suốt hơn 40 năm ở Pháp, ngoài những sáng tác vẽ nhân vật là người nước ngoài nói trên, ông chủ yếu vẽ bằng ký ức, về các cô thiếu nữ, trẻ em, tình mẫu tử và khung cảnh nước nhà. Những mái lá, những đền đài hay những thú vui như tao nhã tản bộ, chơi đàn, làm thơ, thưởng trà, vãn cảnh hiên nhà dưới ngòi bút của ông rất trữ tình và giàu tính tự sự.
Hình 4: Bên trái: Thiếu nữ sau tấm rèm xanh, 1943. Mực và màu trên lụa bồi trên ván cứng. Ký “MaiThu” và triện đỏ trên trái. 28,5 x 23,3 cm – Bên phải: Ban công, 1945. Mực và màu trên lụa. Đề chữ Hán và triện đỏ dưới phải
Vào thập niên 40 ở thế kỷ 20, tranh lụa của ông đặc trưng bởi các thiếu nữ được mô tả với gương mặt kiều diễm, mũi cao, cằm nửa vầng trăng trong trang phục có lúc là tà áo dài, quàng khăn, đội nón, đôi khi vấn tóc hoặc xúng xính trong tấm áo bà ba. Trên đây là hai sáng tác mang nhiều tính hoài niệm và đặc trưng của ông trong những năm này. Một bên “Thiếu nữ và tấm rèm xanh” tập trung vào trực diện nhân vật nữ với dáng vẻ mong chờ trong khi ở “ban công” cô gái một tay cầm tờ giấy nghiêng mình nhìn ra phía xa, không gian man mác trầm mặc. Ngoài ra, ở bối cảnh ngoài trời ông cũng tập trung nhiều vào tính chuyển động của các chi tiết nhỏ như sự chuyển động của tấm rèm mỏng, đối lập lại với sự tĩnh lặng ở trong nhà.
Hình 5: Bên trái: bên cửa sổ, 1952. Mực và màu trên lụa. Ký “Mai Thứ”, đề năm và triện đỏ dưới phải. 30,5 x 20 cm – Bên phải: Mẹ và con, 1954. Mực và bột màu trên lụa. Ký “Mai Thu”, đề năm và triện đỏ dưới phải. 15.3 x 15.9 cm
Từ những đường uốn lượn của tà áo, tấm rèm khẽ đung đưa bên ô cửa tới hướng của cành cây, ngọn cỏ đều được Mai Trung Thứ vô cùng trau chuốt. Trong tranh vì vậy, không tạo cảm giác tôn thờ chân dung nhân vật mà cái hay của họa sĩ là tạo ra được không gian mang nhiều tính tự sự, nhân vật có sự kết nối cả ở tiền cảnh lẫn hậu cảnh. Đây là lối diễn họa giàu cảm xúc, đan xen hình ảnh con người giữa thiên nhiên sinh động, gây dựng nên một tổng thể đẹp bởi nhiều yếu tố và truyền tải góc nhìn lý tưởng về văn hóa Việt Nam.
Hình 6: Khoảnh khắc âm nhạc, 1944. Mực và màu trên lụa. Ký “Mai Thu”, “1944” và triện đỏ trên trái.
Trong một số sáng tác thời kỳ này, ông cũng đưa vào những hoạt cảnh mang tính giai điệu, có thể thấy rõ âm hưởng này trong tác phẩm “khoảnh khắc âm nhạc”. Đây vốn là một chủ đề khi ở Việt Nam ông đã dành nhiều thời gian nghiên cứu. Những năm ở Huế, học cũng như chơi được sáo trúc và độc huyền cầm với ông đã trở thành một mạch nguồn cảm hứng, một nền tảng để phát triển bản thân. Sau khi sang Pháp, có dịp ông vẫn biểu diễn nhạc cụ Việt Nam. Chính cá nhân ông cũng từng chia sẻ tại một cuộc phỏng vấn về triển lãm tranh năm 1967 tại Deauville thuộc vùng Normandy, Pháp rằng ông đặc biệt thích nghe bản thu âm âm nhạc truyền thống nước nhà khi sáng tác tranh vẽ. Đây cũng là một chủ đề được ông yêu thích và thường xuyên kết hợp vào tác phẩm của mình.
Hình 7: Tâm tình, 1956. Mực và màu nước trên lụa. Ký “Mai Thu”, đề năm bằng chữ Hán và triện đỏ trên trái. 20 x 12 cm
Từ những năm 1950 trở đi, tranh lụa của Mai Trung Thứ dần có sự thay đổi về giải phẫu tạo hình nhân vật. Lối vẽ này càng phổ biến và cải biên nhiều hơn trong tranh ông trong những năm 1960. Chủ thể được khắc họa vẫn thường là phụ nữ, trẻ em. Hoạt cảnh ông đặc tả thường là các khoảnh khắc thường nhật hoặc dịp lễ đặc biệt như chơi tết, học bài, ngâm thơ, tắm tiên. Tạo hình nhân vật được ông đơn giản hóa tối đa, mặt tròn, mũi ngắn, dáng hình rất thơ ngây và màu nền thiên về gam màu trung tính, không đặc tả nhiều như trước. Có thể đây là kết quả của quá trình tiếp biến văn hóa nghệ thuật Tây phương với Mai Trung Thứ. Những năm này, ông nghiên cứu, lấy nhiều tham chiếu từ hội họa Phục Hưng để biến tấu vào trong các sáng tác của mình nhưng vẫn giữ được cốt lõi văn hóa Việt và truyền tải tinh thần bình dị, thảnh thơi tận hưởng qua từng tác phẩm.
Hình 8: Bên trái: 5 cậu bé, 1952. Mực và màu trên lụa. Ký “Mai Thu”, đề năm và triện đỏ trên phải – Bên phải: Bên bờ sông, 1970. Mực và màu nước trên lụa. Ký “Mai Thu”, đề chữ Hán và triện đỏ dưới phải. 46,2 x 60,5 cm
Đồng thời, trong giai đoạn này ông cũng sáng tác nhiều tác phẩm về đề tài gia đình gắn với hệ giá trị Nho giáo cùng tĩnh vật hoa và trái cây. Đặc trưng ở thời kỳ này là những bức vẽ về đón giao thừa bên hoa thủy tiên, trẻ em nô đùa đón tiết xuân sang, viết thư pháp hoặc cảnh trà đàm của ba thế hệ trong một gia đình.
Hình 9: Bên trái: Địu em, 1975. Mực và bột màu trên lụa. Ký và đề năm dưới phải. 57 x 37 cm – Bên phải: Mẹ và em bé, 1970. Mực và bột màu trên lụa. Ký và đề năm dưới phải. 28.4 x 16.5 cm
Ngoài ra, xét riêng về các sáng tác về tĩnh vật của Mai Trung Thứ, tuy số lượng không nhiều, được vẽ rải rác trong thời gian ông ở Pháp nhưng có một sức hấp dẫn vô cùng lớn. Ngoài một không khí rất truyền thống được tạo lập, kỹ thuật vẽ lụa được ông phô diễn nhiều với ánh sáng mờ ảo đặc biệt phủ lên chủ thể. Tranh tĩnh nhưng giàu tình cảm, chất thơ và tinh tế.
Hình 10: Bên trái: Thư pháp, 1979. Mực và màu trên lụa. Ký và đề năm trên phải. 46,5 x 26,5 cm. Bên phải: Giao thừa. Mực và màu trên lụa. Ký dưới phải.
Khi nhìn vào sự nghiệp của Mai Trung Thứ, suốt nhiều năm cống hiến cho nghệ thuật, ông bằng ngôn ngữ hội họa đã truyền tải ra thế giới một Việt Nam mộng mơ với những khung cảnh trữ tình và giàu tính tự sự. Và nói về tài năng của ông, quả thực như danh họa Lê Phổ (1907 – 2001) đã từng đưa ra nhận định: “Ít có ai tạo được thế giới sống động làm gợi nhớ quê hương Việt Nam thanh bình với bao ký ức của một tuổi thơ hồn nhiên, trong trẻo như Mai Trung Thứ”.
Lê Quang