Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung: Cây cột trụ của nền Mỹ thuật Việt Nam

Họa sĩ, nhà nghiên cứu nghệ thuật Nguyễn Đỗ Cung sinh năm 1912, mất năm 1977. Ông là người có rất nhiều đóng góp to lớn trong công cuộc xây dựng, nghiên cứu nghệ thuật truyền thống cổ dân tộc, đồng thời là người tiên phong mở đầu cho quá trình đào tạo thế hệ nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam sau này. Ông còn là người có công sáng lập và giữ chức vị Viện trưởng đầu tiên của Viện nghiên cứu Mỹ thuật, giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung sinh tại làng Xuân Tảo, xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm (nay là phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm), Hà Nội, trong một gia đình có truyền thống nho học. Cha ông là cụ tú Nguyễn Đỗ Mục – một nhà nho yêu nước hoạt động trong phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Nguyễn Đỗ Cung theo học và tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa 5 (1929-1934), cùng khóa với những Phạm Hậu, Trần Bình Lộc, Nguyễn Văn Long…

ndc-1-1711711163.jpg
Chân dung họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung. Nguồn: ST

Xuyên suốt sự nghiệp hội họa, có thể chia quá trình sáng tác của họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung làm ba giai đoạn. Đó là ba giai đoạn có sự khác biệt rõ rệt trong phong cách và cả chất liệu, đề tài sáng tác, bởi ảnh hưởng từ những biến động của lịch sử đất nước, đi đôi với quá trình công tác, hoạt động của ông: giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám 1945, giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954 và thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội sau này.


Ngay trong khoảng thời gian theo học tại trường Mỹ thuật Đông Dương, Nguyễn Đỗ Cung đã thể hiện ham muốn tìm tòi, học hỏi các trào lưu nghệ thuật phương Tây đầu thế kỷ XX. Trong các tác phẩm của mình, ông thể nghiệm khuynh hướng lập thể với mong muốn tạo sắc thái mới cho hội họa. Tốt nghiệp, ông mở cho riêng mình một xưởng vẽ, sau đó nhượng lại cho họa sĩ Nguyễn Gia Trí rồi tiếp tục hoạt động nghệ thuật với vai trò một người dạy vẽ tại nhiều trường tư thục ở Huế và Hà Nội. Năm 1940, ông từng đi Nhật Bản để tìm hiểu và nghiên cứu về nghệ thuật sơn mài. Các tác phẩm của ông trong thời kỳ này có nét mềm mại, kín kẽ, mang đậm âm hưởng dân tộc, đồng thời đâu đó vẫn có những dấu chấm mới mẻ bứt phá.

ndc-2-1711711166.jpg
“Nghỉ”, Nguyễn Đỗ Cung, sáng tác khoảng 1934. Mực và bột màu trên lụa, gắn trên bảng. Kích thước: 95x32 cm.
ndc-3-1711711170.jpg
“Cảnh quan Bắc Kỳ”, Nguyễn Đỗ Cung. Mực và bột màu trên lụa, 45x56 cm.

Cách mạng tháng Tám thành công, Nguyễn Đỗ Cung là một trong ba người được chọn trực tiếp vào phủ Chủ tịch vẽ và nặn tượng Bác Hồ (hai người còn lại là họa sĩ Tô Ngọc Vân và nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim). Năm 1946, thực dân Pháp tái xâm lược Việt Nam, ông tình nguyện tham gia Đoàn quân Nam tiến khi toàn quốc kháng chiến. Giai đoạn này ông đã mở nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng các họa sĩ trẻ tại miền Trung. Với phương pháp dạy độc đáo của mình, nhiều họa sĩ xuất phát từ những khóa học ngắn ngày này của ông đã thành danh và có chỗ đứng trong giới mĩ thuật Việt Nam. Năm 1949, ông chuyển ra miền Bắc và công tác ở Tiểu ban Văn nghệ Trung ương. Thời kỳ này, ông giới thiệu những tác phẩm chủ yếu bằng chất liệu bột màu với chủ đề kháng chiến, người lính, cổ động… Như nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến từng nhận xét: “Ông (họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung) thích cái hùng tráng hơn trữ tình, ông ưa cái duy lý hơn cái hương hoa vật chất của sự sống”. Thật vậy, những tác phẩm của ông trong giai đoạn này mang đậm “chất thép”, sự mạnh mẽ, ghi dấu ấn bằng bút pháp và cách nhìn mạnh bạo, chất màu trong trẻo.

ndc-4-1711711174.jpg
“Du kích La Hai”, Nguyễn Đỗ Cung, 1947. Bột màu. Kích thước: 38x51 cm.
ndc-5-1711711177.jpg
“Làm kíp lựu đạn”, Nguyễn Đỗ Cung, 1947. Bột màu. Kích thước: 37,5x49,5 cm.

Hòa bình lập lại năm 1954, Nguyễn Đỗ Cung mới có cơ hội sáng tác những tác phẩm khổ lớn và đa dạng hóa hơn về chất liệu sáng tác. Thời kỳ này, ông sáng tác cả bằng sơn dầu, thậm chí là khắc gỗ. Dẫu vậy, “chất thép” đặc trưng của ông vẫn còn ghi dấu ấn rõ rệt. Bằng chứng là những tác phẩm của ông vẫn thường lấy chủ đề hình tượng người công nhân trong sản xuất, bắt đầu từ tác phẩm “Học hỏi lẫn nhau” (1960), sau đó là “Công nhân cơ khí” (1962) hay một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất trong sự nghiệp hội họa của Nguyễn Đỗ Cung, “Tan ca, mời chị em đi họp để thi thợ giỏi” (1976)…

ndc-6-1711711182.png
“Học hỏi lẫn nhau”, Nguyễn Đỗ Cung, 1960. Sơn dầu. Kích thước: 91x91 cm.
ndc-7-1711711185.png
“Tan ca, mời chị em đi họp để thi thợ giỏi”, Nguyễn Đỗ Cung, 1976. Sơn dầu. Kích thước: 103x117,5 cm.

Ngoài sự nghiệp hội họa, Nguyễn Đỗ Cung còn được biết đến với tư cách một nhà nghiên cứu uyên bác. Ông đã có nhiều công trình chuyên khảo về mỹ thuật cổ Việt Nam. Ông nghiên cứu di sản văn hóa dân tộc qua kiến trúc cổ, kết hợp với việc tìm kiếm các trào lưu nghệ thuật phương Tây đầu thế kỉ 20, thể nghiệm khuynh hướng lập thể với mong muốn tạo sắc thái mới cho hội họa nước nhà. Năm 1962, ông được giao trọng trách thành lập Viện Bảo tàng Mỹ thuật và chỉ đạo xây dựng Bảo tàng Mỹ thuật, đồng thời giữ chức vụ giám đốc.
Họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ từng viết về họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung như sau: “Trong bão táp của sáng tạo nghệ thuật, trong cái phức tạp và gian khổ của công tác cách mạng, Nguyễn Đỗ Cung là một mũi thép sắc nhọn, một cây thông vút ngọn lên cao. Vô tư, liêm khiết, vì mọi người. Nguyễn Đỗ Cung vẫn giữ được trên tranh và trong tâm hồn tính dân tộc đó”. Với những đóng góp cho nền mỹ thuật nước nhà, năm 1977 họa sĩ - nhà nghiên cứu Nguyễn Đỗ Cung đã được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất - tấm Huân chương Lao động đầu tiên Nhà nước dành cho một người trong giới mỹ thuật. Ông cũng được Chủ tịch nước ký quyết định tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật đợt 1 năm 1996.


Những giá trị họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung tạo ra đã góp phần đặt một viên gạch cực kỳ vững chắc cho nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Để rồi đến tận ngày hôm nay, nhiều thế hệ họa sĩ, người làm mỹ thuật vẫn tự hào khi xưng rằng được xuất thân từ “lò” Nguyễn Đỗ Cung. Đó là sự công nhận và trân trọng xứng đáng cho một trong những cây cột trụ của mỹ thuật nước nhà.


Văn Khánh