Đến tiễn đưa NSND Lê Huy Quang về nơi an nghỉ cuối cùng có bạn bè, đồng nghiệp, đông đảo các văn nghệ sĩ: Ông Nguyễn Minh Nhựt - Vụ trưởng Vụ Văn hoá; NSND Trịnh Thuý Mùi, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam; Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; Nhà văn, nhà báo Hoàng Dự, Tổng biên tập Thời báo Văn học nghệ thuật; NSƯT Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam…
Lễ tang NSND Lê Huy Quang tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông.
Trong những ngày cuối cùng của mình, NSND Lê Huy Quang vẫn làm việc như con thoi trên cánh đồng nghệ thuật trong vai trò là Thư ký Tòa soạn Tạp chí Âm nhạc Việt Nam (Hội Nhạc sĩ Việt Nam); Phó Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Mỹ thuật Ứng dụng (Hội Mỹ thuật Việt Nam). Là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam ông vẫn miệt mài sáng tạo và cho ra đời những tác phẩm mới.
Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ (Ban Tuyên giáo T. Ư) Nguyễn Minh Nhựt đến viếng NSND Lê Huy Quang.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam ghi sổ tang tri ân NSND Lê Huy Quang.
Ông cũng là một cộng tác viên thân thiết của Thời báo Văn học nghệ thuật và chẳng ai biết rằng số báo tuần 33 (160) ra ngày thứ 5, 17/8/2023 với hai tranh minh họa cho truyện ngắn “Thằng bạn” của Phan Trường An và truyện ký “Từ chuyện tình ông đại tá đến chuyện người lính” của Hoàng Kim Đáng lại là số báo cuối cùng mà NSND, họa sĩ Lê Huy Quang vẽ minh họa.
Tranh minh họa cuối cùng của NSND Lê Huy Quang đăng trên Thời báo Văn học nghệ thuật.
Sự ra đi của ông đã để lại nhiều niềm thương tiếc cho cán bộ và nhân viên, cộng tác viên tòa soạn.
Cán bộ, nhân viên, cộng tác viên Thời báo Văn học nghệ thuật vào viếng NSND Lê Huy Quang.
Nhà văn, nhà báo Hoàng Dự, Tổng biên tập Thời báo Văn học nghệ thuật ghi lời tiễn biệt NSND Lê Huy Quang.
NSƯT Lê Chức đã đọc lời tiễn đưa NSND Lê Huy Quang về miền cực lạc. NSƯT Lê Chức đã một lần nữa khẳng định NSND Lê Huy Quang là một nghệ sĩ đa dài, với những cống hiến to lớn cho nền văn học nghệ thuật nước nhà. Với trên 300 vở diễn của các thể loại từ tuồng, chèo, kịch dân ca, cải lương, cho đến kịch nói, múa rối, xiếc và ca múa nhạc trên cả nước, hàng chục giải thưởng về hội họa, đồ họa, trang trí sân khấu và thơ ca,… NSND Lê Huy Quang đã để lại một gia tài nghệ thuật có giá trị và tất cả cho thấy rằng ông là một con người sinh ra để yêu nghệ thuật và làm nghệ thuật.
NSƯT Lê Chức đọc điếu văn tiễn biệt NSND Lê Huy Quang.
NSND Lê Huy Quang sinh năm 1947, nguyên quán Thạch Hà, Hà Tĩnh. Ông tốt nghiệp lớp Trung cấp và Cao đẳng Mỹ thuật trường Nghệ thuật Hà Nội; Đại học Sân khấu Điện ảnh.
Từ năm 1976, Lê Huy Quang làm báo tại Tạp chí Sân khấu đồng thời trở thành họa sĩ thiết kế mỹ thuật Nhà hát Tuồng Việt Nam. Ông đã thiết kế mỹ thuật hơn 300 vở diễn cho các đơn vị nghệ thuật sân khấu trong cả nước, trong đó có những vở diễn đình đám của Nhà hát Tuồng Việt Nam như “Lý Chiêu Hoàng”, “Nghêu Sò Ốc Hến”, “Hoàng hôn đen”, “Chu Văn An”, “Thánh Gióng”, “Ô-ten-lô”, “Ơ-đíp làm vua”…
Bên cạnh mỹ thuật, ông còn là một nhà thơ. Tập thơ "Phải khác" gồm 108 bài thơ, tập hợp các sáng tác của ông từ năm 1968-2008, không những bày tỏ quan điểm sống mà còn thể hiện quan niệm nghệ thuật của ông.
Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, Nghệ sĩ nhân dân Lê Huy Quang đã đoạt nhiều giải thưởng về hội họa, bìa sách, đồ họa, trang trí sân khấu và thơ. Đặc biệt, ông đã có hơn 20 Huy chương vàng, Huy chương bạc tại các hội diễn, liên hoan sân khấu toàn quốc.
Ông từng chia sẻ: "Con đường sáng tạo của một nghệ sỹ là những tháng năm lao động nhọc nhằn, để góp một phần nhỏ bé làm đẹp cho Đời! Mà trong đó, Văn hóa; Văn học, nghệ thuật; Thể thao đã làm nên vẻ đẹp bất tử của con người cũng như cuộc sống".
Lễ truy điệu NSND Lê Huy Quang được cử hành vào 10h00 ngày 24/8/2023 tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội).
Gia đình, bạn bè, đồng nghiệp tiễn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng.
Sự ra đi của NSND Lê Huy Quang đã để lại cho chúng ta những suy tưởng nhiều hơn là nước mắt của đau buồn ly biệt thông thường, mong rằng ở miền cực lạc, nơi không còn những cơn đau đớn, dày vò của bệnh tật mà ông vẫn giấu bạn bè, người thân ông sẽ lại vẽ tranh, làm thơ, viết kịch bản sân khấu, sẽ lại có những tác phẩm mới với tuyên ngôn "Cuộc đời. Ai nhớ. Ai quên? Nhưng mà phải khác mới nên chữ người".
Huyền Thương
Nguồn Arttimes