Còn nhớ đầu những năm 2000, tôi gặp gỡ họa sĩ Nguyễn Đăng Phú (sinh 1947) lần đầu tiên với xưng danh “chú Phú”. Họa sĩ Nguyễn Đăng Phú là bạn đồng hương – đồng nghiệp của nhà Phê bình Mỹ thuật Nguyễn Hùng (1947 – 2014) – Tổng Biên tập Tạp chí Mỹ thuật từ năm 2005-2009. Hơn 20 năm qua, tôi và họa sĩ thường xuyên gặp mặt trong các triển lãm tranh ở Nhà Triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền, gặp trong các buổi họp chung ở Hội Mỹ thuật Việt Nam và thi thoảng tình cờ gặp ông đi bộ trên vỉa hè gần khu Hồ Hoàn Kiếm. Hai chú cháu đã có những chuyện trò thân mật hơn nhiều.
Bẵng đi mấy năm gần đây, trong một lần gặp ở triển lãm tranh, tôi gặp lại ông và hết sức ngạc nhiên thấy ông thật là khác. Một người đàn ông có vóc dáng cao to, khuôn mặt chữ điền vuông vức, dáng đi nhanh nhẹn, dứt khoát nay ở trong trong dáng vẻ của một người rất ốm. Hỏi thăm mới biết ông mắc một bệnh khá nan y…
Tôi vẫn thường được xem tranh của ông trong những triển lãm thường niên của Hội Mỹ thuật tổ chức. Trên giá sách của tôi, có vài cuốn sách in các tác phẩm của ông. Năm ngoái, ông còn đến tận tòa soạn Tạp chí ở Hàm Long tặng tôi 2 cuốn sách mới in xong. Tập hợp trong đó là “chủ đề tre” và những minh họa của ông. Chỉ cần lật giở vài trang, thoáng nhìn thôi đã thấy phong cách Nguyễn Đăng Phú không thể lẫn vào đâu được. Và lâu nay, tôi cứ yên tâm trong một hình ảnh về hội họa Nguyễn Đăng Phú là như thế, đậm chất “công nghiệp” và “minh họa” như những gì ông vẫn sáng tác hàng ngày.
Và tới triển lãm tranh “Một số tác phẩm bột màu vẽ từ năm 1967-1980” của ông tại Nhà Triển lãm 16 Ngô Quyền, tháng 4 năm 2021 thì con mắt của tôi về một Nguyễn Đăng Phú “công nghiệp” đã thay đổi…
Hơn 40 bức tranh với chất liệu bột màu được ông vẽ trong hơn 20 năm, thập niên 60,70,80… Quãng thời gian ấy so với đời người không dài, không ngắn, nhưng nó lại là thời trẻ trung nhiệt huyết của một anh thanh niên vừa mới lớn, đang học tập, rèn luyện, công tác, xây dựng sự nghiệp. Do hoàn cảnh đất nước chiến tranh, nhiều gian khó, vất vả nhưng chính những điều ấy lại có ý nghĩa lớn lao, tạo nên những con người với những suy nghĩ, hành động, sáng tạo rất trong lành và lương thiện. Những vất vả gian khó trong chiến tranh, trong lao động đều láp lánh ánh sáng của thiện lương. Hội họa Nguyễn Đăng Phú thời kỳ đó là như thế.
Có thể nói, những bức tranh trong khoảng thời gian này của ông gợi nhiều hoài niệm, ký ức, tình cảm một thời bao cấp gian khó. Cái nhìn của họa sĩ về thời cuộc thật hiền hòa, dễ thương. Những bức tranh tái hiện cảnh lao động trong nhà máy, trên công trường, trên cánh đồng được sáng tác nhiều bởi nó gắn bó với đời sống hàng ngày của họa sĩ. Đặc biệt ông vẽ Cảng Hải Phòng về đêm rất đẹp. Bằng tạo hình chân thật, sắc màu trong trẻo, những bức tranh tả cảnh đêm của ông nó lung linh gây nhiều cảm xúc về cái đẹp giản dị, tinh tế. Đặc biệt có những bức ông vẽ cảnh khói bụi, chao ôi, nó tiệm cận gần đến bút pháp của những bậc thầy với những rung cảm thẩm mỹ về cái đẹp, cái chân thực đến xúc động.
Chúng ta thường biết họa sĩ Nguyễn Đăng Phú thường với biệt danh “Phú tre” cùng những bức vẽ tút tát hiện đại phong cách Paul Klee, họa sĩ Đức gốc Thụy Sỹ (1879-1940). Nếu chỉ xem Nguyễn Đăng Phú của thời hiện tại với tranh minh họa bạn khó có thể hình dung một Nguyễn Đăng Phú đã vẽ hiện thực tinh tế, sinh động nhường ấy. Chất liệu bột màu dường như là một thế mạnh tiềm ẩn của riêng ông. Sự thiếu thốn về chất liệu sơn dầu, sự tiện lợi của bột màu đã khiến ông vô hình chung được thể hiện ưu thế sáng tạo.
Những bức tranh bột màu của họa sĩ Nguyễn Đăng Phú như một mắt xích, tiếp nối lại các tiếp diễn tạo hình trong sáng tạo nghệ thuật của ông. Nó lý giải cho những sáng tác hiện đại một cách rõ ràng nhất. Ngôn ngữ tạo hình nếu bắt nguồn từ hiện thực căn bản, sau đó tịnh tiến đến các ngôn ngữ hiện đại phi hình thể sau này sẽ đều có tiếng nói thuyết phục hơn nhiều.
Có thể nói, hơn 40 bức tranh bột màu giai đoạn 1967 -1980 là những tác phẩm rất giá trị trong sự nghiệp sáng tác của ông. Nó thuyết phục hơn rất nhiều những sáng tác mà người ta thường thấy ở ông. Vẻ đẹp giản dị, chân thành, trong sáng trong các bức tranh bột màu thời kỳ này của ông đã khiến lòng người xem chùng đi, lắng lại. Những bức tranh vẽ về đêm chắc chắn là một đỉnh cao trong sự nghiệp của ông.
Họa sĩ Nguyễn Đăng Phú là người con của đất cảng Hải Phòng. Những bức tranh đầy tình cảm ông dành cho Hải Phòng như một lời tri ân, yêu mến với nơi chôn nhau, cắt rốn…
Hoàng Anh