ẤN TƯỢNG VỚI TÁC PHẨM MẸ VÀ EM BÉ CỦA LÊ PHỔ

Vẽ về tình cảm gia đình nói chung và sợi dây kết nối thiêng liêng giữa mẹ và các con, Lê Phổ luôn nhẹ nhàng cho người xem thấy được sự tinh tế của mình trong cách quan sát và đặt chân tình vào trong cách xây dựng tác phẩm.

492421332-122193801182123652-8007857359412654739-n-1745662459.jpg

Lê Phổ. “Mẹ và em bé” (Femme et enfants). ca. 1960. Sơn dầu trên lụa bồi ván gỗ. Kích thước 81 x 60 cm, sáng tác khoảng những năm 60.

Bức tranh “Mẹ và em bé” (Femme et enfants), kích thước 81 x 60 cm, sáng tác khoảng những năm 60 của thế kỷ 20 đầy biến động là một minh chứng. Trong tranh hình ảnh người mẹ âu yếm ôm con nhỏ trong khi một em bé khác đang dạo chơi phía sau, tất cả nhân vật đều mặc trang phục truyền thống Việt Nam và được đặt trong không gian lãng mạn của thiên nhiên. Từng cử chỉ từ đôi tay, cách hướng ánh nhìn của người mẹ, sự tương tác của con trai trong lòng mang lại chuỗi tự sự nhẹ nhàng về sinh hoạt gia đình thường nhật. Một thế giới lý tưởng khởi nguồn từ đây, với một khung cảnh rực rỡ, hạnh phúc và bằng một bảng màu tươi sáng, giàu chất thơ. Tác phẩm này là nơi ký ức, yêu thương và sự bình yên đồng hiện.

Vẫn thông qua chất liệu sơn dầu trên lụa, vốn là một thử nghiệm táo bạo mang tính kết nối giữa truyền thống Á Đông và kỹ thuật hội họa phương Tây, bức tranh chứa sự hòa quyện giữa cảm xúc dịu dàng và bố cục giàu biểu cảm, đồng thời cũng cho thấy ảnh hưởng của hai nền văn hóa trong sự nghiệp hội họa của danh tài Lê Phổ. Lê Phổ (1907–2001) tốt nghiệp khóa I Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (l'École des Beaux-Arts de l’Indochine). Hội họa của ông thấm đẫm tinh thần giao thoa văn hóa, vừa tiếp nối mỹ cảm từ tranh lụa thời Đường, Tống của Trung Hoa, vừa chịu ảnh hưởng sâu sắc từ hội họa phương Tây trong khi không ngừng phát triển tinh thần riêng của dân tộc Việt.

Ngay từ thời còn theo học tại trường Mỹ thuật Đông Dương, nghệ thuật châu Âu đã trở thành nền tảng kỹ thuật, giúp sinh viên định hình phong cách và khơi mở hướng đi riêng mang đậm bản sắc dân tộc. Dưới sự bảo trợ của chính quyền thuộc địa, tác phẩm của ông được gửi tham dự Đấu xảo Paris năm 1931, một cột mốc đưa ông đến với học bổng du học tại Pháp, khởi đầu cho hành trình viễn du khám phá nghệ thuật châu Âu. Từ năm 1937, Lê Phổ chính thức định cư tại Pháp. Sự nghiệp của ông có nhiều cách khu biệt giai đoạn, trong đó có thể chia thành ba giai đoạn lớn:

  1. Giai đoạn đầu tiên (1920–1945): Các tác phẩm thời trẻ của hoạ sĩ mang tính cổ

điển và châu Á trong việc xử lý các chủ đề kỹ thuật. Giai đoạn này bao gồm thời kỳ ông ở Việt Nam và những năm đầu sau khi định cư tại Pháp.

  1. Giai đoạn thứ hai - “thời kỳ Romanet” (1945-1962): Được đặt theo tên người chủ

phòng trưng bày tại Pháp đã trưng bày các tác phẩm của Lê Phổ trong nhiều năm.

  1. Giai đoạn thứ ba - “thời kỳ Findlay” (1963-2001): Liên quan đến phòng trưng bày

Wally Findlay ở Hoa Kỳ, nơi trưng bày các tác phẩm của hoạ sĩ cho đến khi ông qua đời. Thêm vào đó, các chất liệu được Lê Phổ sử dụng tương đối đặc thù. Trước thập niên 50, chủ yếu ông sáng tác trên lụa nhưng đặc biệt ở chỗ, ngoài tranh mực và màu nước trên lụa truyền thống, có một sự chuyển giao, ông vẽ họa phẩm dày như sơn dầu trên lụa. Lụa được bồi trước trên bề mặt kiên cố thường là ván gỗ mỏng cỡ 3mm hoặc masonite. Từ những năm 50, Lê Phổ vẽ sơn dầu nhiều hơn sau khi hợp tác độc quyền với các phòng trưng bày và có sự tìm hiểu chín muồi về Hội họa Ấn tượng và Hậu Ấn tượng Pháp.

Hội họa của Lê Phổ mang nhiều âm hưởng văn hóa độc đáo, đặc biệt là những hình ảnh mang tính biểu tượng của Việt Nam như thiếu nữ mặc áo dài, khăn vấn với mái tóc đen dài giữa một khung cảnh nhiều cây, hoa lá, hiếm khi tự họa chân dung. Ông cũng chuyên chú vẽ nhiều về hoạt cảnh đời sống gia đình và tĩnh vật hoa. Hội họa của Lê Phổ chính là kết quả của minh triết phương Đông đan cài với lối vẽ Tây phương. Bởi vậy, kể từ thời thuộc địa, nhờ sự chỉ dạy của các thầy Pháp trên đất Việt cho tới khoảng thời gian chiêm nghiệm ở Pháp với một môi trường trải qua nhiều cuộc biến chuyển của mỹ học, ông với cái tôi được tiếp thu những tinh hoa ấy đã kế tục truyền thống, mở ra nhiều khai phá và trở thành một tài danh đại diện hội họa nước nhà trên thị trường quốc tế.

Lê Quang - Le Auctions

Paris: 25.04.2025