Hình 1: Họa sĩ Phạm Hà Hải (sn. 1974)
Định hình phong cách từ sớm, Phạm Hà Hải gắn mình với dòng tranh trừu tượng biểu hiện. Anh là một trong số những họa sĩ đương đại diễn tả sự vật gần gũi trong đời sống, diễn dịch bằng hệ thống tín hiệu, dẫn người xem tiến vào một cõi tĩnh lặng và thiền tịnh. Phạm Hà Hải từng nhận giải thưởng danh dự tại Hội nghị triển lãm châu Á Philip Morris hai năm liên tiếp (1998, 1999) và huy chương đồng tại triển lãm Mỹ thuật Việt Nam năm 2015.
Hình 2: Tác phẩm "Sen sớm" (2023), vàng lá và acrylic trên toan
Một trong những hình ảnh thường được bắt gặp trong các sáng tác của anh là hoa sen - đối tượng mang nét tinh khiết, truyền thống và cũng chan chứa nhiều tâm tư. Phạm Hà Hải từng say mê tái tạo lại cảm thức, hiện thực sâu thẳm trong hình hài một loài hoa, tiến ra vùng biên của trừu tượng và gợi lên tính liên tưởng đa chiều. Về sau anh gắn mình với câu chuyện hình và bóng di sản, với sông Hồng và cả những hình ảnh mang tính biểu tượng mạnh khác. Với những đối tượng ấy, bên trong vỏ bọc của hình ảnh là âm cảnh, tâm cảnh hay một phong cảnh nào khác? Đó mới là cái cốt lõi mà anh hằng đi tìm kiếm.
Hình 3: Tác phẩm "Bóng gốm #7" (2017), lá bạc và acrylic trên toan. 25 x 30 cm
Đặc biệt, trên tiến trình tìm kiếm một thẩm mỹ thỏa mãn nội tâm, họa sĩ đã khai mở kỹ thuật mài acrylic nhiều lớp trên toan, biến nó trở thành dấu ấn riêng chỉ mình anh có. Cách làm này rẽ lối, đề cao khả năng biểu đạt cũng như yếu tố thẩm mỹ của chất liệu acrylic, nuôi dưỡng cảm xúc và tính kết nối của tác phẩm.
Hình 4: Tác phẩm "Rung động thiên nhiên #12" (2023), Acrylic trên giấy Giang, 30 x 25 cm
Xem hệ thống sáng tác hội hoạ với kỹ thuật mài acrylic trên toan vải, tranh giấy Giang và gốm của anh thì sẽ thấy sự thống nhất và đa dạng. Ngày nay người ta thấy phảng phất mỹ cảm gốm trên bức hoạ và ngược lại thấy thẩm mỹ hội hoạ của anh hoà quyện vào gốm. Tương quan này xóa nhòa ranh giới biểu đạt của vật liệu, phát triển bền vững trên con đường Phạm Hà Hải sáng tác nghệ thuật tạo hình.
Hình 5: Tác phẩm gốm "Di sản sông Hồng" (2021), H45 cm
Truyền tải cảm thức mà mình muốn gợi ra, Phạm Hà Hải có những lúc dùng bảng màu đa sắc, nhưng cũng có khi biết đủ với một màu trầm mặc. Dẫu vậy, trong tư duy hình và màu, anh thiên về những yếu tố mang tính văn hóa cũng như bản sắc. Đơn cử như một nét bay màu bã trầu như khóe môi thắm đỏ của phụ nữ thời xưa là cách anh xây dựng “hội họa liên cảm”, bền bỉ kết nối truyền thống và hiện đại với nhau. Hay như trong những bức tranh gần như đơn sắc trắng được giới thiệu trong TOẢ 2 (2018/ VCCA/ Giám tuyển Mizuki Endo, người Nhật), các sáng tác thuộc giai đoạn sắc trắng (khoảng 2016 - 2022), đôi khi một chấm màu nhỏ tinh tế là điểm tựa cân bằng với không gian rộng lớn và hài hoà giữa hai thái cực động - tĩnh. Điều này không chỉ là sự giản lược triệt để mà còn là cách thể hiện triết lý nghệ thuật rất riêng, nơi mỗi nét vẽ vừa truyền tải cảm xúc và quan niệm về hội hoạ của hoạ sĩ, vừa như lời mời gọi người xem cùng chiêm nghiệm.
Hình 6: Tác phẩm "Hương thu #1" (2019), Acrylic trên toan, 50 x 40 cm
Thẩm mỹ ấy của Phạm Hà Hải, cá tính nghệ thuật ấy là sự bỏ đi những ào ạt, xoá đi thật nhiều để giữ lại những tinh chất, điều cốt lõi. Trong tĩnh lặng thấy chuyển động, nghệ thuật ấy là sự nhuần nhị, tinh sáng và cân bằng.
Lê Quang