Ông sáng tác nhạc ở nhiều thể loại, từ nhạc thiếu nhi, hợp xướng, khí nhạc, ca khúc, nhạc kịch... Một số tác phẩm nổi tiếng như: Nhớ chiến khu, Đường trường vô Nam, Tiếng súng Nam bộ, Bé yêu Bác Hồ, Ngày Quốc hội, Vui mở đường, Đường bốn mùa xuân, Đoàn lữ nhạc, Tình Việt Bắc, Lửa rừng, Tiếng hát đầu quân, Áo mùa đông, "Đèo bông lau, Du kích sông Thao, Việt Nam quê hương tôi… Đặc biệt, 3 bài hát về Điện Biên của ông: Hành quân xa, Trên đường Him Lam, Chiến thắng Điện Biên được ví như “3 ngọn tháp Vàng” âm nhạc về Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Chân dung nhạc sĩ Đỗ Nhuận - tranh sơn dầu của Đinh Quang Tỉnh (Ba Tỉnh) Kích thước 40x50cm - ST: 2023
Bài ca Giải phóng Điện Biên của nhạc sĩ Đỗ Nhuận được chọn làm nhạc hiệu chính thức hàng ngày của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Câu chuyện ra đời của ca khúc Giải phóng Điện Biên đã trở thành huyền thoại. Câu chuyện được truyền tụng rằng: Vào mùa xuân 1954, nhạc sĩ Đỗ Nhuận - Trưởng đoàn văn công Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam dẫn đoàn lên Tây Bắc tham gia "Chiến dịch Trần Đình" (mật danh của chiến dịch Điện Biên Phủ). Chiến dịch rất quyết liệt, kéo dài nhiều ngày nên không được phép tập trung đông người để xem biểu diễn. Đoàn phải phân tán thành từng tốp nhỏ từ 3 đến 5 diễn viên xuống tận chiến hào, vào từng hầm cấp cứu thương binh để biểu diễn phục vụ bộ đội, dân công. Họ không chỉ là nghệ sĩ mà là những chiến sĩ thực thụ. Từ Trưởng đoàn đến diễn viên đều tham gia làm đường; tải đạn, lương thực, thực phẩm cho các đơn vị chiến đấu với tinh thần "Tất cả để chiến thắng".
Nhạc sĩ Đỗ Nhuận đang cùng anh chị em văn công tay cuốc, tay xẻng hăng say san lấp hố bom trên cung đường phục vụ chiến dịch; đột nhiên một cán bộ tuyên huấn trong bộ quân phục còn vương mùi thuốc súng, phấn chấn như “người đưa tin” xuất hiện bằng giọng nói âm vang đầy lạc quan, ánh mắt rực sáng niềm tin nhìn thẳng về phía nhạc sĩ Đỗ Nhuận nói lớn như để mọi người cùng nghe: "Thắng đến nơi rồi. Đồng chí Đỗ Nhuận phải sáng tác ngay một ca khúc mừng chiến thắng, kẻo không đuổi kịp cánh lính bộ binh xung kích nhá...".
Đêm ấy, nhạc sĩ Đỗ Nhuận ôm cây đàn ghi-ta bập bùng tìm giai điệu, tiết tấu và ca từ… rồi bỗng nhiên những ca từ hào hùng vụt đến: "Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về, giữa mùa hoa nở miền Tây Bắc tưng bừng vui...". Hình ảnh quân và dân Tây Bắc cứ trào dâng cảm xúc mãnh liệt trong tâm hồn nhạc sĩ: "Bản Mường xưa nương lúa mới trồng, kìa đoàn em bé giữa đồng nắm tay xoè hoa"… Ca khúc Chiến thắng Điện Biên ra đời gắn liền với sự kiện chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, làm nức lòng nhân dân và chiến sĩ cả nước, là khúc ca đi cùng năm tháng, trở thành di sản tinh thần của dân tộc Việt Nam.
Di ảnh về nhạc sĩ Đỗ Nhuận khá nhiều, nhưng chọn một bức để làm phác thảo vẽ chân dung ra được thần thái của người nhạc sĩ tài hoa Đỗ Nhuận không phải dễ - Rất may, tôi được nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, con trai nhạc sĩ Đỗ Nhuận gửi cho bức ảnh chân dung cha mình mà ông yêu thích. Bức ảnh này chưa tìm được tác giả. Ông Đỗ Hồng Quân băn khoăn một điều là ngón tay cái của cha tì vào cắm ở góc chụp thẳng có cảm giác hơi bị dài - Tất nhiên việc chỉnh sửa chi tiết này không làm khó được tôi. Tuy vậy, cũng phải mất gần một tháng bức chân dung nhạc sĩ Đỗ Nhuận mới hoàn thành - Tác phẩm sẽ được giới thiệu trong triển lãm “Bản diện kim cương 2” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vào trung tuần tháng 12 năm nay.
Tác giả Đinh Quang Tỉnh và tác phẩm
Với tình cảm trân trọng "Cây đại thụ" của nền âm nhạc Việt Nam – tác giả của bản anh hùng ca Giải phóng Điện Biên. Nhân dịp Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ, hưởng ứng cuộc thi vẽ tranh dành cho thiếu nhi mang tên: “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”, để giúp các em thí sinh có cơ hội tìm hiểu lịch sử Điện Biên Phủ qua sách, báo, hội hoạ, thơ ca..., Thân thế và sự nghiệp của nhạc sĩ Đỗ Nhuận là một gợi ý đầy cảm xúc, sẽ là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho các em thả hồn vào thế giới nghệ thuật rực rỡ sắc màu và làm quen với nghệ thuật vẽ tranh chân dung,
Vincent Van Gogh từng nói: “Tôi mơ mình vẽ, và rồi tôi vẽ giấc mơ. Những bức tranh cũng có linh hồn, và linh hồn chúng được lấy từ linh hồn của người họa sĩ.”
Đinh Quang Tỉnh